Máu hiến từ người đã tiêm vắc xin có thể giúp bệnh nhân "chiến đấu" với COVID-19?

04/08/2021 - 11:15

PNO - Máu được hiến từ người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 không chỉ cứu người mà phần nào có thể bảo vệ được bệnh nhân trước dịch bệnh.

 

Người đã tiêm vắc xin mũi thứ nhất cũng có thể hiến máu nếu cơ thể khỏe mạnh
Người đã tiêm vắc xin mũi thứ nhất cũng có thể hiến máu nếu cơ thể khỏe mạnh

Theo quy định tại Thông tư 26/2013/TT-BYT Hướng dẫn hoạt động truyền máu của Bộ Y tế, sau khi tiêm vắc xin 7 ngày, người được tiêm có thể tham gia hiến máu trừ vắc xin phòng bệnh dại, rubella, sởi, thương hàn, tả, quai bị, thủy đậu, BCG cần phải trì hoãn hiến máu từ 4 tuần đến 12 tháng. Người hiến máu cần đáp ứng các tiêu chuẩn sức khỏe, tuân thủ các quy định khai báo y tế, đảm bảo thật sự khỏe mạnh, an toàn, không có các nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Một báo cáo của Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ cho thấy, sau khi tiêm vắc xin ngừa COVID-19, phản ứng miễn dịch của người được tiêm, khi hiến máu không bị gián đoạn khả năng tạo kháng thể của vắc xin để bảo vệ cơ thể chống lại SARS-CoV-2.

Người đã tiêm vắc xin mũi thứ nhất cũng có thể hiến máu, nếu không gặp bất cứ tác dụng phụ nào từ vắc-xin như đau cơ, nhức đầu, sốt... Tốt nhất, người tiêm vắc xin nên hiến máu sau khi hết các tác dụng phụ và chọn thời điểm cơ thể thật sự khỏe mạnh, tinh thần sẵn sàng.

Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Hoa Kỳ còn cho biết, máu người được tiêm ngừa vắc xin COVID-19 có thể giúp ích cho bệnh nhân đang “chiến đấu” với COVID-19. Trong máu của người hiến có thể tìm thấy kháng thể COVID-19. Nếu sau tiêm vắc xin người COVID-19 có những kháng thể đó, huyết tương từ máu của người được tiêm có thể sử dụng làm huyết tương điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Tuy nhiên, khi một người vừa mới được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, không chắc rằng cơ thể sẽ có kháng thể ngay. Có thể phải mất đến hai tuần sau mũi tiêm thứ hai, cơ thể bạn mới tạo kháng thể. Nơi nhận máu hiến không có trách nhiệm xác định hay đảm bảo máu của tình nguyện viên có thể truyền kháng thể phòng ngừa SARS-CoV-2 hay không, máu hiến cũng không mang lại sự bảo vệ giống như người được tiêm vắc xin nhưng chắc chắn máu hiến từ bạn có thể kịp cứu những bệnh nhân đang cần sự sống.

Như vậy, bạn có thể hiến máu bất cứ lúc nào sau tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19, miễn là bạn cảm thấy khỏe mạnh, không cần chờ đợi thời gian giữa việc tiêm và hiến máu.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – Cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, Chuyên gia dịch tễ, không chỉ máu của người hiến sau tiêm vắc xin có kháng thể ngừa COVID-19 mà người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh trong máu hiến cũng có thể có loại kháng thể này.

“Người bệnh nên chờ sức khỏe mình hồi phục hoàn toàn, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính theo chỉ định của bác sĩ, hoàn thành thời gian cách ly y tế đúng quy định. Ít nhất sau 4 tuần kể từ khi bệnh viện kết luận đã khỏi bệnh hãy đi hiến máu”, bác sĩ Khanh nói thêm.

Các chuyên gia khuyến cáo, trường hợp một người được chấp nhận hiến máu, đã có lịch hẹn nhưng trùng với lịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19, nên hoãn việc hiến máu lại bởi tiêm vắc xin và hiến máu cùng lúc có thể khiến cơ thể mệt mỏi hơn.

Ngoài thời gian sau tiêm vắc xin hoặc khỏi bệnh, nếu bản thân mỗi người cảm thấy sức khỏe tốt, không có triệu chứng sau khi tiêm vắc xin COVID-19 và biết loại vắc xin cụ thể mà mình đã được tiêm, hãy hiến máu theo hướng dẫn của công ty sản xuất vắc xin hoặc nhờ nơi tiếp nhận máu tư vấn để đảm bảo sức khỏe sau hiến máu.

Một số lưu ý đối với người hiến máu để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19:

Người hiến máu phải trong độ tuổi từ 18-60, cân nặng từ 42kg trở lên với nữ, nam từ 45kg trở lên, khoảng cách từ giữa 2 đợt hiến máu là 12 tuần, khoảng cách giữa 2 đợt hiến tiểu cầu là 2 tuần.

Nên đăng ký trước với nơi tiếp nhận để được lên lịch hẹn hiến máu, tránh đông người, đảm bảo điểm hiến máu có thể đủ không gian giãn cách 2 mét khi chờ hiến máu. Khai báo y tế điện tử tại nhà để rút ngắn thời gian, trả lời trung thực các câu hỏi về tình trạng sức khỏe để nhân viên y tế đánh giá về thể trạng cũng như nguy cơ lây nhiễm COVID-19 điểm hiến máu. Đảm bảo nguyên tắc 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại điểm tiếp nhận máu hiến, người hiến phải đeo khẩu trang khi đi hiến máu, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh có cồn sát khuẩn trước khi đăng ký hiến máu, thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ y tế và tình nguyện viên tại điểm hiến máu.

Thông báo ngay cho đơn vị tiếp nhận máu nếu đột nhiên xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như ho, sốt, khó thở…

Chỉ hiến máu sau tối thiểu 28 ngày tính từ thời điểm được khẳng định không còn nhiễm virus SARS-CoV-2 hoặc có tiếp xúc lần cuối với người mắc COVID-19 hay từ ngày cuối cùng rời khỏi khu vực phong tỏa, cách ly, vùng dịch,…

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI