Mất thăng bằng = chóng mặt?

23/12/2017 - 17:00

PNO - Để giúp chúng ta đi đứng vững chãi, cơ thể phải huy động một ê-kíp phức tạp.

Trong đó não điều hành, các bộ phận còn lại như mắt, hệ tiền đình và các cảm thụ bản thể đặt tại da, cơ, khớp… lãnh trách nhiệm cung cấp thông tin về vị trí, chuyển động của cơ thể.

Mất thăng bằng có thể do lỗi hệ thống ở bất kỳ khâu nào, từ não bộ đến các cơ quan trợ thủ hoặc vì khả năng phối hợp “làm việc nhóm” không tốt. Hiểu được điều này nhiều người sẽ giải tỏa ngộ nhận đánh đồng mất thăng bằng với chóng mặt, hoặc rối loạn tiền đình.

Thực tế, không phải cú loạng choạng nào cũng là trách nhiệm của hai nhân vật này. Vậy, nếu không phải do chóng mặt, tiền đình thì cú té ngã là lỗi của ai? Người già - nạn nhân đại trà của những cú té ngã là đối tượng phù hợp để phân tích.

Mat thang bang = chong mat?
 

Té ngã do mắt “vấp” chướng ngại vật

Hãy bắt đầu từ mắt. Mắt là thành viên nòng cốt trong hệ thống kiểm soát thăng bằng. Cùng đồng đội, đặc biệt là hệ tiền đình, mắt cho biết ta đang đứng, ngồi, nằm, nghiêng ngả thế nào. Mắt còn có chức năng chuyên sâu ước lượng gần xa, định dạng hình khối, qua đó giúp ta tránh chướng ngại vật.

Ai cũng biết đôi mắt  “gần đất xa trời” nhúng tay vào không ít vụ té ngã của người già. Hầu hết cớ sự do thị lực kém, nhưng lắm khi, các cụ ngã không phải vì không thấy đường mà vì vấp bậc thềm, chân bàn, đồ vật nằm trên lối đi.

Đây là lỗi quan sát chướng ngại vật kém khi các chức năng ước lượng khoảng cách, cảm nhận hình khối của mắt hoạt động không tốt. Suy ra, không cứ mắt kém, một người mắt “sáng như đèn xe ô tô” vẫn có thể mất thăng bằng vấp ngã nếu những chức năng tinh diệu này vận hành kém.

“Lực bất tòng tâm” vì xương khớp rệu rã

Tình hình tương tự với các cảm thụ bản thể, được bố trí rộng khắp tại da, cơ, khớp để ghi nhận những tín hiệu về vị trí, chuyển động cơ thể. Không may, khi những thụ cảm này khó ở, do cơ quan chủ quản của chúng gặp vấn đề, thì khó tránh việc hệ thống thăng bằng cũng loạng choạng theo.

Mat thang bang = chong mat?

Đơn cử, nếu khớp gối của cụ ông nay yếu mai đau vì thoái hóa khớp thì các thụ cảm tại đây khó giữ được minh mẫn để đảm đương việc quản lý thăng bằng. Không chỉ hỏng chức phận đo đếm, dàn xương khớp rệu rã còn tệ hơn nhiều trong việc giúp các cụ lấy lại thăng bằng theo lệnh của não bộ.

Chẳng hạn, chiếc gối run rẩy “ốc không lo nổi mình ốc” khó mà làm tốt, thậm chí còn phá hôi thêm, trong việc chèo chống giúp cụ ông gượng lại chống trượt chân té ngã. Tình cảnh “lực bất tòng tâm” này khá rõ ở người già, với dàn xương khớp, cơ bắp, thần kinh rệu rã, gần như bó tay đầu hàng với chức trách lấy lại thăng bằng.

Phản xạ không còn như xưa

Tiểu não là cơ quan chủ lực điều phối vận động, nên khi kẻ cầm cương bị làm sao thì khó tránh việc giữ thăng bằng cũng chân nam đá chân chiêu theo. Teo tiểu não (di truyền, nghiện rượu…), với dáng đi lạch bạch kiểu chim cánh cụt kinh điển là bằng chứng rõ như ban ngày về lỗi điều hành.

Không nặng nề đến thế, chỉ với sự chậm chạp trong phối hợp của não bộ tuổi già cũng đủ gây ra những pha té ngã tức tưởi. Nhiều cụ ông cụ bà, mắt mũi, gân cốt còn tốt chán, nhưng chỉ vì phản xạ không còn như xưa mà phải chịu những cú té đau. Hãy cẩn thận, chứng lú lẫn, nghễnh ngãng, Alzheimer có thể giấu mặt dự phần vào những tai nạn đáng tiếc của các cụ.

Mat thang bang = chong mat?

Mở rộng tầm soát

Ba dẫn chứng trên hẳn đã đủ để có câu trả lời: không phải cú mất thăng bằng nào cũng có bàn tay của rối loạn tiền đình hay chóng mặt. Nhiều trường hợp, con cháu chủ quan nghĩ các cụ chưa từng bị cơn chóng mặt, rối loạn tiền đình làm phiền, đến khi các cụ té ngã mới té ngửa rằng còn lắm kẻ đứng sau. 

Cả khi đích phạm được xác định là hai “ông lớn” trên thì con cháu cũng đừng quên tìm thêm đồng phạm. Dễ hiểu, nếu “bỏ lọt tội phạm”, chỉ tập trung giải quyết chóng mặt, xây xẩm, thì các cụ vẫn sẽ tiếp tục té ngã.

Không ai “cấm” các cụ mắc cùng lúc vừa rối loạn tiền đình vừa thoái hóa hoàng điểm hay viêm khớp dạng thấp, những chứng bệnh hảo người già. Nếu cần thăm khám cho các cụ, có thể bạn phải gõ cửa một loạt các khoa từ nội thần kinh, nhãn khoa, tai mũi họng, cơ xương khớp thì mới thật sự nắm thóp được chứng mất thăng bằng của các cụ.

Bác sĩ Đỗ Trình Thoại

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI