Makoto Nagahisa: Quái kiệt xứ Phù Tang

08/11/2019 - 21:55

PNO - Râu ria, tóc thắt bím, nhỏ con, theo đuổi phong cách thời trang siêu dị… nhưng cũng là đạo diễn siêu tài của điện ảnh Nhật Bản, mới làm 2 phim, nhưng cả 2 đều đoạt giải thưởng điện ảnh danh giá thế giới. Đấy là Makoto Nagahisa.

Sinh trưởng ở Tokyo, chàng đạo diễn “quái dị” Makoto Nagahisa (sinh năm 1984) hiện là Giám đốc sáng tạo nội dung ở công ty quảng cáo Dentsu Inc. Câu chuyện lấn sân sang điện ảnh chỉ là vì sở thích, là ước mơ từ thời sinh viên mà chưa có kèo thực hiện. 

Kỳ thực từ 2007, ở Dentsu, Nagahisa cũng làm phim, nhưng là phim quảng cáo phục vụ sở thích khách hàng, danh sách những thước phim quảng cáo khiến người nghe phát cười của anh kiểu như một phim ngắn về cách nướng thịt bò, chiếu trong siêu thị, vài chương trình tivi quảng cáo các biểu tượng linh vật (mascots) của địa phương… 

Những công việc mà phần nào có thể đoán biết được tính hài hước, nhưng cũng khiến anh mệt mỏi khi sản phẩm ra đời chủ đích chiều lòng khách hàng, không có lấy tí tẹo sở thích bản thân. Đến khi Nagahisa bị áp lực quá nặng về công việc, anh kể trong buổi giao lưu với khán giả tại Liên hoan phim Quốc tế Tokyo 32 (TIFF 32): “Tôi bị suy nhược cơ thể trầm trọng, mất thính giác tạm thời vì mỗi ngày phải nghe đi nghe lại quá nhiều âm thanh khi làm phim quảng cáo, ngực đau nhói thường xuyên khiến tôi không thể ra khỏi nhà”. 

Makoto Nagahisa: Quai kiet xu Phu Tang
Bộ tứ ban nhạc Little Zombies trong tác phẩm điện ảnh của Makoto Nagahisa.

Nagahisa quyết định phải thực hiện được ước mơ làm phim cho riêng mình trước khi quá muộn, với cách làm phim cũng “dị” không kém khi dùng 10 ngày phép năm ở Dentsu để tự tay viết kịch bản, đạo diễn cho phim And so we put goldfish in pool (tựa Việt: Thế là chúng tôi cho cá vàng vào hồ).

Phim dự liên hoan Sundance ở thành phố Park, tiểu bang Utah của Mỹ, và trở thành phim truyện đầu tiên của Nhật Bản đoạt giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo. Trong làng điện ảnh, một cá nhân có giải tại LHP Sundance, có nghĩa là con đường sự nghiệp của họ chắc chắn sẽ gây thêm nhiều bất ngờ.

Khán giả không phải đợi lâu khi Nagahisa cho ra tác phẩm điện ảnh thứ 2, với tên gọi We are little zombies (tựa Việt: Chúng cháu là thây ma tí hon). Cách làm phim thứ hai còn “siêu dị” hơn so với tác phẩm đầu. Nhờ có giải ở LHP Sundance, trở về công ty Dentsu, Nagahisa bắt đầu có… số má, anh yêu cầu công ty cho anh được làm việc với vai trò đạo diễn hơn là một tay lính quèn. Ở nhà vợ lại mới sinh con thứ 2, công việc bận rộn, Nagahisa xin phép vợ mỗi ngày cho anh 30 phút "biến mất khỏi cuộc đời" để anh rúc vào cửa hàng tiện lợi gần nhà, viết kịch bản cho phim.

Makoto Nagahisa: Quai kiet xu Phu Tang
Nhỏ con, nhẹ ký, bím tóc là những thứ nổi bật ở ngoại hình Nagahisa.

Nếu ở tác phẩm Thế là chúng tôi cho cá vàng vào hồ, Nagahisa khiến người xem rơi lệ ở phân đoạn cuối của phim, thì trong Chúng cháu là thây ma tí hon anh lại khiến người xem hụt hẫng, chơi vơi, mắt sắp nhòe lệ từ ngay những phút đầu của tác phẩm, khi cả bốn đứa trẻ - gồm ba trai và một gái – đều ở độ tuổi 13, gặp nhau ở đài hỏa thiêu và cùng chung cảnh ngộ là mồ côi cha mẹ. Một mở đầu đầy đau buồn, sầu thảm, xót thương… Khán giả đang trôi đều với mạch biểu thương đau ấy, và thầm nghĩ rằng những đứa trẻ đáng thương kia sẽ rất vất vả khi không còn ba mẹ.

Lối suy nghĩ ấy bị Nagahisa cắt cụt, cả bốn đứa trẻ chẳng ai khóc, bởi cuộc sống của chúng thường ngày, khi còn cha mẹ, chỉ là những cãi vã, đánh đập, bỏ rơi, quên lãng… mặc cho chúng sống với thế giới riêng mình. Thế nên ở mặt cảm xúc, còn hay mất cha mẹ, chẳng có ảnh hưởng gì đến lũ trẻ, thậm chí chúng còn thấy thoải mái, tự do hơn khi không phải đi học, không phải đến lớp võ karate, không phải tập đàn piano…

Mạch của phim đi từ bi kịch, sang hài kịch, rồi tâm lý xã hội, tiếp tục cả với thể loại âm nhạc khi cả bốn đứa trẻ mồ côi lập nên ban nhạc Little Zombies, quậy tưng bừng, gây sốt trên sâu khấu hơn là cắm mặt học ở trường, học thêm như lúc ba mẹ chúng còn sống.

Makoto Nagahisa: Quai kiet xu Phu Tang
Một phân cảnh trong phim khi bốn Zombies đã trở thành ngôi sao ca nhạc.

Ngôn ngữ của phim đầy tính triết lý, khiến người xem thấy ở đó một thế giới nghiện trò chơi điện tử của trẻ vị thành niên, một lối sống bất cần do chính xã hội tạo nên hệ quả ấy, cùng những mâu thuẫn – giận dữ của tuổi học trò, thiếu thốn tình cảm gia đình do ba mẹ bận rộn công việc.

Hỏi chuyện Nagahisa trong hôm giao lưu với khán giả tại LHP Tokyo (TIFF), nhà làm phim nổi tiếng Nhật Bản là Kohei Ando -  cố vấn của hạng mục Nhật Bản hôm nay (Japan now) – tò mò rằng Nagahisa có qua đào tạo trường lớp về tâm lý học, câu trả lời của Nagahisa khiến nhiều người bất ngờ khi cho biết anh hay đọc kinh thánh, dù anh không theo tôn giáo nào, nhưng cách diễn giải thánh kinh bằng câu từ rất khác nhau tùy ngữ cảnh khiến anh yêu thích và anh vận dụng lối sắp xếp ấy vào phim.

Lý do chọn vai các nhân vật Hikari, Ikuro, Ishi, Tekemura trong phim cũng đều ở tuổi 13, Nagahisa cho biết đó là tuổi các em vừa chớm lớn, vẫn còn ngây thơ, hồn nhiên, chưa kịp bước sang giai đoạn dậy thì để thay đổi tính khí, nhân cách, hành xử, và chính tính cách đó chuyển tải nội dung phim hoàn hảo nhất.

Phim ra rạp ngày 14/06/2019, Chúng cháu là thây ma tí hon liên tục gây mưa gió không chỉ trên lãnh thổ Nhật Bản. Thông tin được Nagahisa xác nhận tại LHP Tokyo là hiện đã trên 30 quốc gia khắp thế giới trình chiếu phim này. Những giải thưởng danh giá mà Nagahisa gặt hái được từ ngay tác phẩm điện ảnh thứ hai của mình trong năm ra mắt, gồm LHP Berlin, LHP Sundance… 

Makoto Nagahisa: Quai kiet xu Phu Tang
Nagahisa là đạo diễn đầu tiên ở Nhật diện đồ ngủ giao lưu khán giả hâm mộ. 

Dù xuất hiện ở bất kỳ đâu, Nagahisa luôn mang lại những ngộ nghĩnh thú vị với người đối diện. Nhớ lại ở TIFF, anh đã gây cười với khán giả khi rảo bước trên thảm đỏ cùng những diễn viên nhí của mình trong bộ vest hồng không đụng hàng cùng những hình ảnh vui tươi, trẻ trung, ngộ nghĩnh. 

Ngày trình chiếu phim và giao lưu với khán giả, Nagahisa gây bất ngờ hơn bởi bộ trang phục... cô ba bánh bèo, dạng trang phục bà ba rất Việt – chỉ dùng mặc làm đồ ngủ ở nhà dành cho các bà, các chị. Bản thân nhà làm phim Kohei Ando, cũng là một người có phong cách thời trang đặc dị tại mỗi mùa TIFF, khi thấy Nagahisa với bộ đồ ngủ cũng… mất điện, cười tít mắt rồi hỏi vị đạo diễn trẻ về phong cách thời trang độc chiêu của mình, Nagahisa bảo: “Con gái tôi luôn càm ràm về chuyện ăn mặc của tôi, nó bảo: Con lạy bố, làm ơn đừng ăn mặc kiểu kỳ quái thế này nữa. Nhưng khi ăn mặc như vậy, tôi cảm thấy thoải mái, rất vui và thấy đó là chính mình”.

Hy vọng không xa, khán giả yêu điện ảnh Việt sẽ có dịp được trải nghiệm những quái dị của Nagahisa qua tác phẩm điện ảnh Chúng cháu là thây ma tí hon trên lãnh thổ Việt Nam.

Nguyễn Đình

Ảnh: TIFF, Dentsu, Nguyễn Đình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI