Mạch nguồn cảm xúc thiêng liêng!

14/05/2014 - 02:58

PNO - PNO - Trong đời làm nghề, nhiều nghệ sĩ đã có những vai diễn, tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng khán giả thông qua những cảm xúc thiêng liêng: lòng tự hào dân tộc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ những hình ảnh nhân vật lịch sử, những giai điệu, ca từ ca khúc… thông qua cảm xúc của các nghệ sĩ luôn là ngọn lửa truyền thêm sức mạnh, ý chí và tinh thần đoàn kết của cả dân tộc…

Mach nguon cam xuc thieng lieng!NSƯT Thanh Sang - lịch sử và lòng tự hào dân tộc

NSƯT Thanh Sang từng chia sẻ, trong cuộc đời làm nghệ sĩ của mình, có những vở tuồng ông chờ mong với niềm háo hức sẽ được xếp lịch diễn từng đêm. Trong số đó có hai vở diễn với biết bao kỷ niệm sẽ đi theo ông đến suốt cuộc đời là Tiếng trống Mê Linh (vai Thi Sách) và Thái hậu Dương Vân Nga (vai Lê Hoàn). Ông yêu những vở diễn, vai diễn đó đến mức tưởng chừng chỉ cần được hát mà chẳng bận tâm đến chuyện tiền nong, dẫu ở thời điểm cách đây hơn 30 năm cuộc sống vẫn còn rất nhiều khó khăn.

NSƯT Thanh Sang là một trong số ít những nghệ sĩ rất am hiểu về lịch sử Việt Nam. Ông có thể kể vanh vách từng sự kiện lịch sử và những chiến thắng chống ngoại xâm oanh liệt gắn với từng thời đại lịch sử ở Việt Nam. Ông nói: “Càng yêu nước, càng tự hào với truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông bao nhiêu, tôi càng căm ghét kẻ thù ngoại bang, ỉ mình nước lớn, đem quân sang cướp nước Việt Nam bấy nhiêu. Vai diễn Thi Sách không có nhiều lớp diễn, nhưng có người hỏi vì sao tôi có thể càng diễn càng hay, tôi chỉ có câu trả lời duy nhất: Tôi diễn vai Thi Sách bằng cả niềm tự hào được là con cháu Hai Bà Trưng và nỗi uất hận kẻ thù xâm lăng”.

NSƯT Thanh Sang còn có may mắn khác khi ông từng được diễn vai Lê Hoàn (vở Thái hậu Dương Vân Nga) ở cả hai kịch bản khác nhau của tác giả Huy Trường và tác giả Hoa Phượng trên sân khấu đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, Sài Gòn 1 và Nhà hát Trần Hữu Trang. Ông “thương” cả hai kịch bản nhưng có lẽ “nghiêng” hơn một chút về phía kịch bản của tác giả Hoa Phượng và bản dựng trên sân khấu của Nhà hát Trần Hữu Trang. Không chỉ giàu chất văn học trong từng câu thoại, vở Thái Hậu Dương Vân Nga còn là lòng yêu nước mãnh liệt, là ý chí quật cường, quyết không bao giờ khuất phục trước kẻ thù xâm lăng của những người con đất Việt.

NSƯT Thanh Sang bỗng như trẻ lại khi nhắc đến Lê Hoàn của ông hơn ba mươi năm trước. Từng lớp diễn, từng câu thoại lại hiển hiện thật rõ trong tâm trí người nghệ sĩ đã bước qua tuổi bảy mươi. Tất cả như mới chỉ ngày hôm qua. Với ông, tác giả đã “bóp tim, vắt óc” để chắt chiu từng lời, từng chữ cho mỗi nhân vật thì không có lý gì ông không thuộc nằm lòng những câu thoại, cũng chính là lời muốn nói của người dân Việt Nam gửi cho kẻ xâm lược.

Giọng nói của ông chợt mạnh mẽ, dứt khoát và lại đầy ắp khí thế hào hùng khi thoại lại những câu nói đã được ông khắc ghi trong trí nhớ: “Biên giới ải Nam Quan sẽ là mồ chôn giặc Tống và sóng nước Bạch Đằng Giang sẽ làm vỡ tan khát vọng của bọn bành trướng xâm lăng nuôi mộng bá vương quyền”.

Không chỉ thuộc từng câu, từng chữ của nhân vật Lê Hoàn, NSƯT Thanh Sang còn nhớ cả những câu thoại thể hiện chí khí muôn dân đất Việt của nhân vật Thái hậu Dương Vân Nga, đặc biệt ở những đoạn đối thoại giữa Thái hậu Dương Vân Nga với sứ giả Tống triều: “Đất này có chủ, nước này có vua. Thần dân có xã tắc để khuôn phò. Xã tắc có thần dân tông miếu để hợp thành khí thiêng sông núi. Từ lâu rồi Việt - Tống biên thùy đà chia cõi, cụm rừng, dãy núi, con suối, dòng sông đứng làm ranh mảnh đất của vua Hùng, còn vọng mãi tiếng trống đồng dựng nước. Đất hẹp, người thưa nhưng không là tiểu nhược!”.

Giọng ông bỗng trầm ngâm khi nói về ước nguyện của mình: “Tôi ước còn sức khỏe để có thể cùng các chiến sĩ quyết tâm bảo vệ biển đảo Việt Nam. Ước nguyện cuối đời của tôi là được một lần ra Trường Sa biểu diễn phục vụ các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc. Nhiều người lo sơ tôi tuổi già sức yếu,, Nhưngtôi là dân biển, tôi biết sức mình, chẳng có sóng gió nào của biển khơi có thể làm gục ngã. Người Việt Nam muôn đời vẫn không đổi thay. Dân tộc Việt Nam muôn đời vẫn là những con người hiền hòa, yêu chuộng hòa bình nhưng sẽ không bao giờ khuất phục trước kẻ thù xâm lược”.

Mach nguon cam xuc thieng lieng!Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn: Viết như mệnh lệnh của trái tim

Khi cả nước cùng xuống đường biểu tình mới thấy rõ “sức dân như nước”, cùng chung sức chung lòng tất cả vì Trường Sa thân yêu. Lòng yêu nước, sự quật cường này đã là truyền thống ngàn đời của dân tộc ta, trước vận mệnh của Tổ Quốc mới thấy được “sức mạnh bó đũa” như lời dạy của Bác Hồ. Trong những ngày này, những bài hát về Trường Sa, biển đảo càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói chưa lúc nào ca khúc Tổ Quốc gọi tên mình lại được nhắc nhớ trong một tinh thần sục sôi, cảm động đến thế. Bài hát có giá trị vượt thời gian này đã từng được nhiều ca sĩ thể hiện, giọng hát nào cũng hào hùng, để lại những cảm xúc rung động khó quên.

“Tôi nhớ ngay lần đầu tiên đọc được bài thơ Tổ Quốc tôi yêu của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, lòng đã rung lên một cảm giác thật kỳ lạ. Những câu thơ đầy linh thiệng, cảm giác như tiếng nói của cha ông vọng về trên từng tất đất, từng ngọn cỏ, từng ngọn sóng của đất mẹ Việt Nam. Tôi đã phổ nhạc ngay bài thơ này chỉ trong một giờ đồng hồ sau đó. Nhiều đêm trong giấc ngủ, giai điệu của bài hát và lời thơ cứ vọng về trong tôi. Cho đến tận bây giờ” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tâm sự.

Sáng tác bằng sự rung động mãnh liệt và mối giao cảm kỳ lạ với bài thơ, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói rằng ông cũng không biết tác phẩm sẽ có đời sống như thế nào. Trong một chuyến đi về biển cùng với bè bặn văn nghệ sĩ, ông đã hát cho bạn bè nghe thử, rồi được đề nghị hát đến 6 lần. “Lần nào mọi người cũng khóc. Những người bạn đồng nghiệp của tôi: nhạc sĩ Trần Long Ần, Tôn Thất Lập, Nguyễn Ngọc Thiện, Thập Nhất, Nguyễn Văn Hiên… đều nói Tổ Quốc gọi tên mình sẽ sống được với thời gian” - nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chia sẻ. Và đã đúng như vậy, bài hát hào hùng đã được vang lên khắp mọi miền đất nước, truyền đến đảo xa. Trong những ngày cả nước sục sôi tinh thần vì Trường Sa thân yêu, ca khúc Tổ Quốc gọi tên mình càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

… Tổ Quốc linh thiêng, Tổ Quốc linh thiêng
Ngọn đuốc hòa bình trên tay rực lửa
Biết bao triệu người thao thức tiếng Việt Nam
Biết bao triệu người lấy thân mình che chở
Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông…

“Tôi viết ca khúc này như một mệnh lệnh của trái tim, với trách nhiệm của một người công dân đối với quê hương, Tổ Quốc mình. Trong những giờ phút linh thiêng của Tổ Quốc, chắc chắn rằng văn nghệ sĩ nói riêng và cả dân tộc Việt Nam nói chung đều có sự rung động mãnh liệt, dành trọn trái tim mình cho Tổ Quốc thiêng liêng, biết bao người đã ngã xuống cho hôm nay. Tôi mong rằng không chỉ bài hát này, mà sẽ còn có nhiều những ca khúc như những lời hiệu triệu, góp phần thổi bùng lên tinh thần yêu nước của những người con dân đất Việt”.

Gia đình ông đã đi qua cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Cha ở tù chuồng cọp Côn Đảo gần 7 năm, mẹ ở tù nhiều lần, các dì, cậu, chú đều hy sinh cho Tổ Quốc. Cuộc đời đã gánh gồng biết bao nhiêu nỗi niềm tang thương mất mát, hiểu rõ những đớn đau khốc liệt của chiến tranh, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nói những gì thiêng liêng nhất về quê hương đất nước có lẽ đã ngấm vào trong máu nên sau này, chọn âm nhạc làm đường đi, ông đều đã trải lên đó những giai điệu tự hào về Tổ Quốc. Hầu hết những ca khúc ông viết đều cho quê hương đất nước: Chiều trên Cù lao Dung, Bà Rịa! đất níu chân người, Bên em thành phố biển, Mẹ tôi, Biển hát ơn Người, Hoa vẫn nở trên chiến trường xưa

Mach nguon cam xuc thieng lieng!Nghệ sĩ Kim Hương: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”

Ở vở diễn Tiếng trống Mê Linh trên sân khấu Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, bên cạnh hình ảnh Trưng Trắc - Trưng Nhị, vai diễn nàng Tía - cô giao liên nhỏ của Hai Bà Trưng cũng ghi dấu một tên tuổi mới: diễn viên Kim Hương. Không chỉ dí dỏm, hồn nhiên, nàng Tía - Kim Hương còn để lại những ấn tượng đẹp về hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam kiên cường, bất khuất. Cô giao liên bé nhỏ khi đối diện với kẻ thù cũng đã dõng dạc tuyên bố: “Giữ trống đồng bằng đòn gánh! Đập quân cướp tan thây”.

Khi NSƯT Thanh Nga mất, Kim Hương may mắn được chọn trở thành người thay thế Thanh Nga trong vai Thái hậu Dương Vân Nga (vở Thái hậu Dương Vân Nga). Dường như những vở tuồng lịch sử luôn mang lại cho người nghệ sĩ những cảm xúc, dấu ấn không bao giờ quên, dù đôi khi họ chỉ đảm nhận những vai diễn phụ. Với nghệ sĩ Kim Hương, dấu ấn ấy là không khí sục sôi, là tinh thần quyết tâm đoàn kết đứng lên chống giặc của toàn dân, được khắc họa đến từng chi tiết trong cả hai vở Tiếng trống Mê LinhThái hậu Dương Vân Nga.

Một thoáng nghẹn ngào khi nhắc lại những ký ức năm xưa với những xuất phát bên cạnh người nghệ sĩ tài hoa - NSƯT Thanh Nga, nhưng giọng chị vẫn sang sảng khi thoại lại lời thoại của Trưng Trắc: “Có lúc nào bằng lúc này, ruột gan thiếp bừng bừng lửa đốt. Xin chàng hãy tiếp thêm sức mạnh để cánh tay này nắm chặt chuôi gươm Vị quốc vong thân! Vị Quốc vong thân!”.

Cả Tiếng trống Mê LinhThái hậu Dương Vân Nga đều được dàn dựng và ra mắt khán giả ra trong không khí sôi sục căm phẫn đối với những kẻ xâm lăng phương Bắc. Lời đe dọa của những “kẻ xấu tính” không bao giờ có thể làm nhụt chí khí chiến đấu của người Việt Nam, bất kể là những người đang phải ngày đêm đối mặt trực diện với kẻ thù hay những người đang ở hậu phương, sẵn sàng chờ để “tiếp lửa” cho tiền tuyến.

Hỏi chị có lo khi diễn Thái hậu Dương Vân Nga không, khi trước đó từng có thông tin NSƯT Thanh Nga bị đe dọa khi diễn vai diễn này? NS Kim Hương nói: “Lo lắng là điều khó tránh khỏi nhưng niềm tự hào được hóa thân thành Thái hậu Dương Vân Nga, người phụ nữ dám hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của dân tộc; niềm hạnh phúc được sống lại trong không khí hào hùng chống quân xâm lược của dân tộc Việt Nam nhanh chóng xóa tan mọi lo lắng của tôi trước đó”.

Những xuất diễn Tiếng trống Mê LinhThái hậu Dương Vân Nga của hơn 30 năm trước luôn thu hút hàng ngàn khán giả mỗi đêm. Dường như khán giả chờ đợi để được sống với hào khí anh hùng của dân tộc thông qua các vở diễn lịch sử. Có những đơn vị chấp nhận đăng ký và chờ đợi từ mười ngày đến nửa tháng để được xem Tiếng trống Mê Linh hay Thái hậu Dương Vân Nga. NS Kim Hương kể, không biết bao nhiêu lần trái tim chị đã run lên vì xúc động trước những tràng pháo tay của khán giả dành cho những lớp diễn, những câu thoại chất chứa tin thần đoàn kết và lòng yêu nước của các nhân vật trong cả hai vở diễn.

“Một điều đặc biệt trong nhiều vở tuồng lịch sử Việt Nam mà có lẽ cũng chỉ có ở Việt Nam là tinh thần yêu nước của những người phụ nữ. Dẫu bé nhỏ như nàng Tía hay quyền uy như Thái hậu Dương Vân Nga, nhưng khi đứng trước sự lựa chọn giữa vận mệnh quốc gia hay lợi ích cá nhân thì trái tim của người phụ nữ cũng sẵn sàng dành trọn cho đất nước, cho dân tộc. Mọi thứ có thể đổi dời, nhưng lòng yêu nước và chí khí của người Việt Nam nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng mãi mãi không đổi thay. Lịch sử 4.000 năm của dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chứng minh điều đó. Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh - câu nói của chị Út Tịch năm xưa cũng là lời trái tim của nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam” - NS Kim Hương mạnh mẽ khẳng định.

Mach nguon cam xuc thieng lieng!Ca sĩ Thanh Thúy: Đất liền và biển đảo là một

Tôi đến Trường Sa sáu lần, lần nào cũng mang một cảm giác khó tả, nhất là lúc còi tàu báo hiệu tàu sắp cập đảo và lời giới thiệu về Trường Sa vang lên trên loa phát thanh. Lần nào cũng vậy, tôi được yêu cầu hát nhiều bài hát về Trường Sa: Lướt sóng ra khơi, Nơi đảo xa, Bâng khuâng Trường Sa… Bài nào cũng để lại cho tôi nhiều cảm xúc, nhưng mạnh nhất vẫn là Gần lắm Trường Sa của nhạc sĩ Hình Phước Long.

Theo lời Hình Phước Long kể, ông chưa ra Trường Sa bao giờ và bài hát được sáng tác khi ông đang ở bãi biển Nha Trang. Ông nhìn thấy một cô gái mặc áo dài trắng, đứng trên bờ biển mà dõi mắt ra xa. Nơi xa đó là Trường Sa. Không hiểu sao câu chuyện đó cho tôi một xúc cảm mạnh mẽ, tôi đã hát bài hát trong tâm thế đó, như thể Trường Sa đang ở trước mặt mình, với những anh lính đảo đẹp đẽ và hùng dũng. “Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…” - một bản tình ca ngọt ngào nhưng chứa chan hào hùng bất khuất, là tình yêu riêng hun đúc tình yêu chung, là đất liền và biển đảo là một.

Hình như chưa bao giờ tôi hát bài này trôi chảy một cách trọn vẹn cả, mà lần nào cũng đứt quãng vì không kiềm chế được cảm xúc của mình. Sau này, mỗi lần đi Trường Sa tôi đều được yêu cầu hát lại. Không chỉ thế, tôi hát trên sân khấu trong một chương trình ca nhạc bình thường, khán giả cũng yêu cầu Gần lắm Trường Sa. Khi hát, tôi nghĩ về những anh lính Trường Sa, những chàng trai xa nhà nhưng luôn mỉm cười và lạc quan. Họ tặng chúng tôi những chiếc lá phong ba, trái bàng vuông trong sự hào sảng của kẻ hiên ngang trước gió trời.

Đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn. Như triệu triệu người Việt, tôi mỗi ngày dõi lòng về biển đảo và ủng hộ cách Nhà nước đang xử lý. Chúng ta sẽ giữ biển đảo bằng mọi cách, nhưng chúng ta tôn trọng các công ước quốc tế và giải quyết bằng biện pháp ôn hòa.

Mach nguon cam xuc thieng lieng!NSƯT Quế Trân: Tình yêu nước dâng trào khi hóa thân vai nữ tướng!

Dù tuổi đời mới chớm 30, nhưng Quế Trân đã có hơn 15 năm đứng trên sân khấu. Thật tình cờ những vai diễn mà khán giả yêu mến cô đều mang tính sử thi nêu cao tinh thần yêu nước của dân tộc. Gần đây nhất, Quế Trân tiếp tục thành công trong vai Triệu Thị Trinh của vở Má hồng soi kiếm bạc, tác giả NSND Thanh Tòng. Đây là vai diễn mà NSƯT Quế Trân đã bắt đầu từ năm 16 tuổi, sau đó chị có dịp diễn đi diễn lại nhiều lần, càng lúc càng "chín".

Chị cho biết: “với nhân vật Triệu Thị Trinh, trong những đoạn có câu thoại hào hùng sẵn sàng chết để bảo toàn độc lập dân tộc trước giặc phương Bắc, trong người tôi như có luồng máu chạy rần rần. Lúc đó, tôi cảm thấy mình thăng hoa vì niềm tự hào trước tinh thần bất khuất của dân tộc tuôn chảy mạnh mẽ trong huyết quản. Nhìn xuống khán giả tôi thấy nhiều ánh mắt long lanh vì yêu mến vẻ hào khí của nhân vật”.

Theo NSƯT Quế Trân, nghệ thuật có một tác dụng giáo dục rất đặc biệt. Vì vậy, nghệ thuật nói chung và cải lương nói riêng nên tập trung khai thác nhiều vở diễn lịch sử nêu cao tinh thần và ý chí quật cường của dân tộc. Điều này giúp cho thế hệ trẻ hiểu sự Việt để thêm yêu kính tiền nhân, từ đó phát huy tinh thần giữ vững chủ quyền dân tộc. Được biết, trong nhiều năm qua, cha ruột NSƯT Quế Trân - NSND Thanh Tòng đã viết nhiều kịch bản cải lương lịch sử Việt Nam như Thanh gươm và nữ tướng, Công chú An Tư, Bức ngôn đồ Đại Việt, Tô Hiến Thành xử án

VÂN HÀ - GIANG HUY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI