Mắc sốt xuất huyết nặng có liên quan đến hậu COVID-19?

31/07/2022 - 06:22

PNO - Trước tình trạng người mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng, nhiều người cho rằng cựu F0 khi mắc sốt xuất huyết thì diễn tiến nặng hơn người chưa từng mắc COVID-19. Tuy nhiên các bác sĩ cho biết hiện chưa tìm thấy sự liên quan đó.

 

Một nữ bệnh nhân mắc bị sốc sốt xuất huyết, tổn thương đa cơ quan đang được điều trị tích cực tại phòng cách ly Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy  - ẢNH: P.A.
Một nữ bệnh nhân mắc bị sốc sốt xuất huyết, tổn thương đa cơ quan đang được điều trị tích cực tại phòng cách ly Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: P.A.

Chị Nguyễn Thị Thanh (41 tuổi, ở quận Gò Vấp, TPHCM) cho biết, mẹ chị mắc sốt xuất huyết (SXH) nhập viện đã ba ngày. Bác sĩ nói bệnh của bà có nguy cơ tiến triển nặng do mắc huyết áp, tiểu đường, cần được theo dõi chặt chẽ. Hiện tại, mẹ chị sắp phải truyền máu, huyết tương vì có dấu hiệu tổn thương gan, thận.

Chị băn khoăn: “Mấy tháng trước, mẹ tôi từng mắc COVID-19 nhưng rất nhẹ, chỉ sốt vài ngày là hết. Nghe mẹ tôi bệnh, các bạn tôi nói do mẹ từng bị COVID-19 nên hệ miễn dịch suy yếu, khó chống chọi với SXH. Không biết có đúng vậy hay không, bởi bệnh mẹ tôi ngày một nặng dần”.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - thông tin: Năm nay số lượng ca mắc SXH và trường hợp diễn tiến nặng có tăng hơn so với hai năm qua. Trong những bệnh nhân nặng phải nhập viện điều trị, có bệnh nhân rất nặng, sốc SXH, tổn thương đa cơ quan, suy tạng... Thậm chí, bệnh nhân rất nặng có bằng chứng về rối loạn miễn dịch (một biểu hiện giống như cơn bão Cytokine ở bệnh nhân mắc COVID-19).

Để cứu sống bệnh nhân, ngoài phác đồ điều trị SXH, các bác sĩ còn cho người bệnh sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Sau khi sử dụng thuốc, những bệnh nhân nặng có tiến triển tích cực, tình trạng ổn định. 

Bác sĩ Lê Quốc Hùng cho biết thêm: “Hiện tại, ngoài SXH năm nay đa số là chủng Dengue 2 theo thống kê của Viện Pasteur TPHCM, chúng tôi phát hiện có trường hợp sức khỏe bệnh nhân không hoàn toàn diễn biến theo cơ chế bệnh của SXH mà nhiều người đã tổn thương gan, thận, suy đa tạng rất nặng nề, chưa kể đến hàng loạt rối loạn khác.

Gần đây, có những ca bệnh bắt buộc phải điều trị theo hướng giống như bệnh COVID-19. Tức là có những phương pháp điều trị áp chế miễn dịch, thay huyết tương, lọc máu liên tục mới kéo bệnh nhân ra khỏi nguy hiểm. Tuy nhiên, tính đến hiện tại, chúng tôi chưa thấy bằng chứng SXH nặng có liên quan đến hậu COVID-19”.

Bác sĩ Lê Quốc Hùng cho hay khi phát hiện các rối loạn nhất là rối loạn miễn dịch ở bệnh nhân SXH, các bác sĩ và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện đã thực hiện cuộc khảo sát trên 16 bệnh nhân mắc SXH nặng. Trong đó, chỉ một trường hợp bệnh nhân từng mắc COVID-19, 15 bệnh nhân còn lại chưa từng là F0.

“Tuy nhiên, do số lượng bệnh nhân khảo sát còn quá thấp nên chúng tôi chưa dám khẳng định, chúng tôi chỉ giảm mức độ nghi ngờ hậu COVID-19 làm tăng nặng khi mắc SXH mà thôi. Chúng ta cần tìm hiểu thêm các nguyên nhân khác vì mục tiêu cứu sống bệnh nhân càng sớm càng tốt”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Hiện tại, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh viện chuyên khoa nhi cũng chưa tìm ra sự liên quan từ hậu COVID-19 tác động lên các ca mắc SXH nặng. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI