Sốt xuất huyết diễn tiến phức tạp

07/07/2022 - 06:02

PNO - Sốt xuất huyết ở TPHCM và một số tỉnh phía Nam đang diễn tiến phức tạp, số lượng ca bệnh tăng vọt, trong đó trẻ sốc sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh. Không ít trẻ suy gan, thận… do người lớn chủ quan, tự chăm sóc trẻ tại nhà.

Nhiều trẻ được đưa đến bệnh viện trễ

Những ngày qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM liên tục tiếp nhận trẻ mắc sốt xuất huyết (SXH) nặng từ các bệnh viện ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh... chuyển đến. Đa số trẻ trong tình trạng sốc SXH rất nặng, tổn thương gan, thận, xuất huyết. Các bác sĩ phải hồi sức liên tục, truyền kháng sinh, bù dịch nhưng sức khỏe của các bé vẫn còn tiên lượng xấu.  

Trên giường bệnh, bé N.N.H.M. (10 tuổi, ở tỉnh Tây Ninh) nằm mê man, thở máy. Sốc SXH quá nặng làm cho bé tổn thương tim, gan, thận, rối loạn đông máu... Tay, chân bé M. rung lên từng đợt, tiếng máy móc tít tít, bác sĩ truyền dịch liều cao, liên tục truyền huyết tương, tiểu cầu, cao phân tử, cố gắng kiểm soát toan máu cho bé. Tuy nhiên, các kết quả xét nghiệm vẫn đang dần xấu đi. Bác sĩ hội chẩn khẩn, quyết định lọc máu cứu bé. 

Trước đó, một bệnh nhi SXH ở Đồng Nai cũng được chuyển đến trong tình trạng rất nặng. Bé cũng bị thừa cân béo phì khi mới chín tuổi mà cân nặng đã lên đến gần 60kg. Vừa đến bệnh viện đã được chẩn đoán SXH độ 3 (nặng nhất), rất khó khăn để điều trị. Bác sĩ Đoàn Thị Hoài Trang - Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19 - cho biết: “SXH vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hiện số lượng ca nặng đang tăng cao, phải thay máu, lọc máu, tăng huyết tương... để cấp cứu. Trong đó, bé thừa cân, béo phì, bé có bệnh nền, suy thận cũng đang có dấu 
hiệu tăng”. 

Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM - ẢNH: TAM NGUYÊN
Trẻ mắc sốt xuất huyết nặng được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - Ảnh: Tam Nguyên

Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt - Trưởng khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19 - có 13 trường hợp SXH Dengue nặng đang điều trị, gồm tám trường hợp ở tỉnh chuyển đến, còn lại là bệnh nhi tại TPHCM. Khi được đưa đến bệnh viện, các bé đã trong tình trạng rất nặng, sốc SXH, tổn thương suy đa tạng, nôn ói, đi tiêu ra máu, tổn thương não… Bên cạnh đó, một số trẻ có bệnh lý nền, suy thận giai đoạn cuối, dư cân, béo phì rất khó khăn trong điều trị. Có khoảng 1% trẻ tử vong do mắc SXH nặng.

Điều quan trọng, khi bác sĩ cấp cứu khai thác bệnh sử, nhiều cha mẹ cho biết do nhận thấy trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, trẻ cũng có sốt, hay mắc bệnh khác nhưng tự khỏi nên khi trẻ bị sốt, người lớn vẫn để ở nhà chăm sóc, đến khi trẻ không chịu nổi, đưa đến bệnh viện đã SXH quá nặng.

Ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, số lượng trẻ mắc SXH vẫn còn cao với hơn 10 ca thở máy, cấp cứu. Đáng nói, hơn 80% trẻ mắc SXH nặng được chuyển đến từ các tỉnh miền Tây. Còn ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, lãnh đạo bệnh viện đang lên phương án tận dụng Khoa Hồi sức COVID-19 - Nhiễm của bệnh viện để điều trị bệnh nhi SXH.

Sốt xuất huyết ở người lớn tăng nhanh 

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM cảnh báo SXH ở người lớn đang tăng nhanh. Hiện tại, gần như các khoa của bệnh viện đều phải “chia giường” cho bệnh nhân SXH. Đa số người bệnh nhập viện trong tình trạng SXH cảnh báo nặng. Với tình hình ca bệnh tăng như hiện tại, bệnh viện sẽ tập trung điều trị người lớn, hạn chế nhận bệnh nhi, hoặc chuyển bệnh nhi đến ba bệnh viện nhi tại thành phố. Bác sĩ Nguyễn Thành Dũng - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới - cho hay: “Bệnh viện cũng tập trung lập các phác đồ điều trị cho phụ nữ có thai mắc SXH, suy đa tạng, suy gan, xuất huyết”.

Bác sĩ Đỗ Châu Việt cho biết thêm, trong số trẻ đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Nhiễm và COVID-19 Bệnh viện Nhi Đồng 2, có trẻ mắc SXH lần 2, lần 3. “SXH Dengue có nhiều loại như Dengue 1, Dengue 2... nên nếu một người mắc SXH Dengue 1, vẫn có nguy cơ mắc Dengue 2, 3. Việc quan trọng lúc này là phải diệt lăng quăng, muỗi. Suy nghĩ nhà có máy lạnh, ở tầng cao không có muỗi sẽ không bị bệnh rất sai. Bởi môi trường sinh hoạt chung như trường học, công sở... đều có nguy cơ bị muỗi cắn và mắc bệnh”, bác sĩ Việt cảnh báo.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thông tin: SXH vẫn đang tiếp tục tăng cao ở 15/22 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Trong đó Cần Giờ, Nhà Bè là hai địa phương có số ca bệnh tăng báo động. 

Trong tuần, đã có 347 ổ dịch được phun xịt hóa chất bao gồm các ổ dịch chỉ định phun lần 1, 2, 3. Thành phố cũng đang tích cực ra quân diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Theo ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - sở đã đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phát triển kinh tế. Đơn vị sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông định kỳ hằng tuần nhắn tin nhắc nhở các cơ quan, trường học, gia đình diệt lăng quăng, diệt muỗi. 

Bên cạnh đó, hằng tuần, Sở Y tế họp giao ban ca nặng, ca khó, tăng cường hội chẩn từ xa để điều trị. Ngành y tế đã lên phương án chuẩn bị sẵn sàng thu dung, điều trị, mở thêm giường hồi sức nếu ca bệnh tăng. Người dân cũng có thể chụp ảnh những nơi có lăng quăng gửi về ứng dụng “Y tế trực tuyến”, thanh tra sở phối hợp với địa phương xử lý. “Sở Y tế cũng đề nghị cần có quỹ dự phòng mua thuốc hiếm để sẵn. Bởi có năm mua nhiều nhưng dịch xảy ra ít thì gây lãng phí, nhưng có năm dịch nhiều lại mua không được, dẫn đến thiếu thuốc điều trị”, ông Hưng nói thêm. 

Phạm An

UBND TPHCM yêu cầu tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh, triệt nơi sinh sản của muỗi vằn từ tháng Bảy đến cuối tháng 9/2022 và có thể kéo dài hơn tùy theo tình hình. Trong đó, thực hiện các biện pháp triệt nguồn sinh sản của muỗi truyền bệnh SXH.

Hộ gia đình: tự thực hiện tổng vệ sinh ít nhất một lần/tuần. Các địa điểm có người quản lý (cơ quan, xí nghiệp, trường học, cơ sở tôn giáo, bệnh viện, bến xe, nghĩa trang, nhà hàng, khách sạn, công trình xây dựng...): tổng vệ sinh ít nhất một lần/tuần.

Các địa điểm không có người quản lý trực tiếp: UBND phường, xã, thị trấn ra quân tổng vệ sinh ít nhất một lần/tuần vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật. UBND, các sở, ban, ngành sẽ thành lập đoàn kiểm tra. Cá nhân, tổ chức không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định. 

Cảnh giác với các dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết

Bác sĩ Đỗ Châu Việt nhắc nhở, trong giai đoạn hiện tại, một người bị sốt cao nhiều ngày, nhất là ngày thứ ba, thứ tư nên nghĩ nhiều đến SXH. Đặc biệt là trẻ em. Nếu thấy trẻ đột ngột sốt cao, khi uống thuốc hạ sốt giảm một phần, sau đó trẻ có biểu hiện xấu hơn (bứt rứt, kích thích, li bì, ói nhiều lần, đi tiêu ra máu, chảy máu nhiều, đau bụng ngày càng tăng, tiểu ít, sau đó tay chân lạnh, vã mồ hôi…) cần phải đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI