Diễn đàn “xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0”

Lời nói không mất tiền mua

11/03/2024 - 08:23

PNO - Đa phần mọi người vẫn quan niệm rằng người có văn hóa là người không nói tục, chửi thề. Nhưng văn hóa giao tiếp không chỉ có vậy. Trong giao tiếp ứng xử hằng ngày còn nhiều yếu tố khác như lời chào, lời cảm ơn, xin lỗi…, đặc biệt là ngôn ngữ giao tiếp giữa bạn bè, đồng nghiệp, vợ chồng…

Hiếm lời chào, thưa lời cảm ơn

Có vẻ như ngày nay người ta đang mất dần thói quen chào hỏi. Chẳng còn lạ gì hình ảnh những đứa trẻ mải mê xem ti vi, điện thoại hoặc trò chuyện với nhau mà không quan tâm đến ông bà, cha mẹ hoặc khi có khách bước vào nhà. Khi được nhắc, bọn trẻ miễn cưỡng chào lí nhí lấy lệ, thậm chí chẳng cần ngước nhìn người “được” chào.

Ở cơ quan tôi, thi thoảng có cha mẹ mang con theo vì bọn trẻ nghỉ học, nhà không có người trông. Gặp đồng nghiệp của cha mẹ, các cháu vẫn cứ mặt lạnh như tiền. Có khi gặp trong khu vực làm việc, có khi cùng đi chung thang máy, người lớn đành chào trước trẻ con và được con trẻ đáp lại bằng ánh mắt hờ hững, kiểu trả lời nhát gừng. Có cháu còn bày tỏ thái độ khó chịu như thể bị các cô các chú làm phiền.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) cúi chào bác bảo vệ trước cổng trường mỗi sáng, hình ảnh đẹp cần nhân rộng trong cuộc sống ngày nay
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM) cúi chào bác bảo vệ trước cổng trường mỗi sáng, hình ảnh đẹp cần nhân rộng trong cuộc sống ngày nay (Ảnhh: Internet)

Trẻ con đã vậy, người lớn cũng có kiểu im lặng riêng. Đi chung thang máy cơ quan nhưng có lúc 3-4 người trong thang máy chẳng ai nói với nhau nửa lời. Có người còn vờ xem điện thoại để đỡ mất công phải chào hỏi.
Chị bạn tôi “khoe”: “Hàng xóm nhà chị lành lắm. Ai ở nhà nấy, không tò mò tọc mạch”. Quả thật, chị nói không sai. Họ rất “lành”. 2 nhà đối diện nhau hoặc sát vách, nếu có gặp nhau gần cửa nhà, họ sẽ có đủ mọi cách để không phải “chạm mắt” nhau, rồi nhanh chóng nhà ai nấy vào. Chị bảo, tết nhất cũng rất tiện, không sợ ai làm phiền. Chị về nhà mới đã 5 năm, nhưng chưa bao giờ phải đón khách mấy ngày tết và cũng không cần phải thăm viếng, chúc tết nhà hàng xóm. “Thật khỏe” - chị nói.

Câu chuyện “hàng xóm lành” của chị khiến tôi băn khoăn nhiều hơn đồng cảm. Còn đâu chuyện hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Phải chăng sự vô cảm đang được xem là thói quen, nếp sống tốt của con người ngày hôm nay?
Người ta đã không muốn chào nhau thì lời cảm ơn càng hiếm. Chạy xe ngoài đường, nhắc ai đó quên gạt chống xe, có người còn chẳng buồn nhìn người vừa nhắc mình, chỉ đưa chân gạt chống rồi cắm đầu chạy thẳng. Có bạn trẻ được nhắc kéo khóa ba lô hoặc cẩn thận điện thoại trong túi, họ giương mắt nhìn người “lạ”, kéo khóa, chỉnh điện thoại và… tiến bước.

Lời xin lỗi lại càng khó. Không phải vì thấy mình không sai mà người ta không muốn xin lỗi, vì sợ mình bị “dưới cơ”. Người lớn không muốn xin lỗi người nhỏ tuổi hơn vì sợ bị xem thường; người có chức vụ cao hơn không muốn xin lỗi cấp dưới vì sợ bị đánh giá là thiếu năng lực. Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Người ta ngại xin lỗi một phần cũng vì người được xin lỗi thường hay mắc tâm lý “tự cao, tự mãn”. Họ dùng lời xin lỗi để sau đó hạ thấp uy tín của người xin lỗi mình, đề cao cái tôi cá nhân.

Lời nói “sát thương”

Có câu “lời nói gió bay”, nhưng thực tế lời nói lại có tính “sát thương’’ cực mạnh. Nó có thể làm tổn thương người khác suốt một thời gian dài, thậm chí có thể trở thành vết hằn trong tâm trí suốt cả cuộc đời. Phải chăng vì nghĩ “gió bay” nên người ta dễ dàng buông lời xỉ vả, làm tổn thương người khác. Cha mẹ nhiếc móc con cái: “Mày là thứ vô dụng”, “loại chả ra gì”, “đồ mất dạy”… chỉ vì con cái không làm theo đúng sự sắp đặt của mình.

Trong đời sống hôn nhân, câu “tương kính như tân” thời nay hình như không còn phù hợp. Nhiều cặp vợ chồng trẻ xem chuyện xưng hô mày - tao là bình thường. Họ lý luận, ở phương Tây, gọi nhau là you - me cũng có sao đâu. Quả là người phương Tây xưng hô you - me trong mọi trường hợp, nhưng họ có những nguyên tắc riêng trong ngôn ngữ giao tiếp, thể hiện sự tôn trọng với người đối diện.

Ở Việt Nam, mày - tao chỉ dùng giữa bạn bè rất thân; khi người lớn nói chuyện với người nhỏ hơn hoặc giữa 2 người không thân quen và không có sự tôn trọng dành cho nhau. Vì thế, lối xưng hô mày - tao giữa vợ chồng dễ dẫn đến sự thiếu tôn trọng lẫn nhau trong đời sống hôn nhân. Chuyện tưởng nhỏ rất có thể sẽ trở thành nguồn cơn của sự tan vỡ. Ở khía cạnh khác, lối xưng hô mày - tao, kiểu nói năng bỗ bã sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển ngôn ngữ và tính cách của con cái sau này.

Văn hóa công sở không quy định cụ thể, chi tiết nhưng hẳn ai cũng hiểu, ngôn ngữ giao tiếp với đồng nghiệp cũng là một trong những yếu tố quan trọng của văn hóa công sở. Nhưng thời nay, vì nhiều lý do, ở chốn công sở, người ta ngày càng nói năng mất kiểm soát hơn. Từ việc đùa giỡn, nói bậy cho vui đến dùng ngôn ngữ “sát thương” đồng nghiệp… Không ít cuộc họp “đóng góp ý kiến chân thành” đã vô tình bị biến thành những cuộc chỉ trích, đấu đá nặng nề. Có người ở vị trí quản lý tự cho mình cái quyền được phê bình cấp dưới bằng những từ ngữ rất khó nghe: “vô trách nhiệm”, “không biết gì”, “kỹ năng quá kém cỏi”… thậm chí là “ngu dốt”, bất chấp họ đang góp ý với đồng nghiệp lớn tuổi hơn.

Ai cũng có những lý do riêng để biện minh cho việc nặng lời với đồng nghiệp: vì tính nóng nảy, vì muốn công việc chung tốt hơn… Nhưng cho dù vì lý do gì cũng khó chấp nhận. Có câu chuyện ngụ ngôn đại ý rằng, nói một lời thiếu kiểm soát cũng giống như đóng một cái đinh vào tấm ván. Đinh có thể nhổ ra dễ dàng, nhưng lỗ đinh thì còn mãi.

Ông bà ta dạy: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Tất nhiên, không phải ai cũng giỏi giao tiếp, cũng có kỹ năng ăn nói mềm mỏng. Nhưng chỉ cần cố gắng rèn luyện, ít nhất, ai cũng có thể trở thành một người văn minh trong giao tiếp. 

Phạm Như Bảo Ngọc

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI