Lời nhắn từ khu cách ly: “Nếu tôi mang khẩu trang, giờ đã không quá lo”

05/08/2020 - 14:21

PNO - Đó là tâm trạng của chị N.T.B. (27 tuổi, ở Q.2, TP.HCM) khi vào Khu cách ly Trung tâm (P.Cát Lái, Q.2).

 

Anh Th. đang thông báo kết quả xét nghiệm âm tính cho người thân và bạn bè - Ảnh: Phạm An
Anh Th. đang thông báo kết quả xét nghiệm âm tính cho người thân và bạn bè - Ảnh: Phạm An

Đa số những người đang cách ly tại đây đều đã đến Đà Nẵng du lịch và tiếp xúc với người quen từ thành phố này về.

Lo lắng vì không đeo khẩu trang

Chị N.T.B. nói: “Tôi du lịch Đà Nẵng từ ngày 20/7. Vài ngày sau nghe có người bị COVID-19 thì tôi rất sợ. Suốt thời gian ở đây, tôi đến nhiều điểm du lịch và quán ăn mà không mang khẩu trang. Về TP.HCM, tôi khai báo y tế ngay và được đưa vào đây cách ly do bị sốt nhẹ và đau đầu. 

Những ngày qua, tôi day dứt quá, bởi nếu tôi mắc COVID-19 thì gia đình, đồng nghiệp của tôi sẽ có nguy cơ, như vậy lỗi của tôi rất lớn. Mọi người đừng chủ quan, nếu tôi mang khẩu trang thì bây giờ có lẽ không nơm nớp lo lắng như vầy”. Chị B. cho biết đã được lấy mẫu xét nghiệm lần một cách đây năm ngày và rất mong kết quả. Càng chờ đợi chị càng không yên khi đọc tin tức thấy ở Đà Nẵng số ca bệnh tăng nhanh. 

Cũng du lịch Đà Nẵng như chị B. nhưng chị P.T.T.N. (24 tuổi, ở Q.2, TP.HCM) luôn đề phòng, mang khẩu trang suốt hành trình. Theo chị N., trước khi có dịch, chị đã có thói quen mang khẩu trang chống khói bụi. Từ khi dịch xuất hiện tại Việt Nam cho đến nay, bước chân ra khỏi nhà chị đều có khẩu trang.

Chị nhớ lại, khi du lịch Đà Nẵng cùng hai người bạn từ ngày 22-26/7, dù đi đâu, cả ba người đều mang khẩu trang, chỉ mở ra lúc chụp ảnh lưu niệm. Theo chị N., đa số người dân chỉ mang khẩu trang ở sân bay, khu thương mại; còn ngoài đường, quán xá, địa điểm du lịch thì rất ít thấy ai sử dụng khẩu trang.

“Ở Đà Nẵng hai ngày tôi nghe có người bị COVID-19 nên khá hồi hộp và cũng dừng chuyến du lịch, chỉ ở khách sạn đợi ngày 26/7 bay về TP.HCM. Về đến TP.HCM, tôi đi khai báo y tế. Chiều cùng ngày, nhân viên y tế phường đến nhà làm khai báo y tế cho tôi thêm lần nữa. Lúc này, y tá đo nhiệt độ phát hiện tôi sốt nhẹ nên đưa vào Khu cách ly Trung tâm. Lúc về TP.HCM, tôi tự cách ly, không tiếp xúc ai nhưng vẫn lo lắng cho cha và mẹ của mình vì ở cùng nhà”, chị N. nói.

Chị cho hay đã được lấy mẫu xét nghiệm ngày 28/7 nhưng đến ngày 3/8 vẫn chưa có kết quả nên mỗi ngày trôi qua càng hồi hộp. Chị chia sẻ: “Lần đầu tiên vào khu cách ly nên tôi rất sợ, nhất là ngày nào cũng nghe có ca bệnh liên quan đến Đà Nẵng. Nhưng các bác sĩ tại đây hai lần mỗi ngày đến khám và đều nói hãy yên tâm, do tôi luôn mang khẩu trang nên nguy cơ không cao, cố gắng điều trị sốt thì sức khỏe sẽ ổn định”.

Không đến Đà Nẵng, nhưng anh Th. (30 tuổi, ở TP.HCM) có đến thăm người quen từ Đà Nẵng trở về TP.HCM. Anh có triệu chứng ho, sốt, đau họng sau khi tiếp xúc người quen nên vào Khu cách ly Trung tâm, khu vực đặc biệt cho người có triệu chứng. Tính đến hiện tại, anh Th. tiếp xúc với người quen hơn 14 ngày: “Thời điểm người quen của tôi về TP.HCM khi chưa có thông tin về dịch bệnh ở Đà Nẵng nên lúc đến gặp, tôi không mang khẩu trang. Sau đó vài ngày, dịch bùng lên ở Đà Nẵng thì cả tôi và người quen đều đi khai báo y tế”. 

Anh được nhân viên y tế hướng dẫn cách ly tại nhà và báo ngay khi có dấu hiệu bệnh. Tuy nhiên, anh đã thông báo cho tất cả những người anh gặp để mọi người chủ động phòng bệnh. Sau khai báo khoảng bảy ngày, anh bị sốt và tiếp tục khai báo, nhân viên y tế liền đến nhà, vận động anh vào khu cách ly. 

“Từ lúc vào khu cách ly đến nay, tôi được lấy mẫu xét nghiệm hai lần, đến nay đã mười ngày nhưng chỉ mới nhận được kết quả của lần xét nghiệm thứ hai là âm tính, còn lần xét nghiệm đầu tiên vẫn đang chờ. Cảm giác chờ đợi thật sự khó chịu, bởi tính chất công việc, tôi di chuyển, lịch họp nhiều, gặp rất nhiều bạn bè, đối tác… nên áy náy lắm. Vừa được kết quả âm tính, tôi nhắn tin với họ ngay để mọi người yên tâm. Vợ tôi cũng đang cách ly tại nhà, rất mừng khi biết tôi âm tính”, anh Th. nói thêm.

Mọi người hãy bình tĩnh và hợp tác

Mặc dù thường xuyên mang khẩu trang khi đi Đà Nẵng du lịch nhưng chị N. cũng rất lo lắng, ảnh Phạm An
Chị N. thường xuyên mang khẩu trang khi đi Đà Nẵng du lịch nhưng chị cũng rất lo lắng.

Theo bác sĩ Phạm Gia Thế, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Quận 2, phụ trách Khu cách ly Trung tâm, hiện tại khu cách ly có 32 người, trong đó có 2 người nước ngoài. Người được cách ly hầu hết từ Đà Nẵng về TP.HCM, một số trường hợp là F1, tất cả đều có triệu chứng. Để tránh lây nhiễm chéo, nhân viên y tế đã bố trí mỗi người một phòng riêng. 

Mọi người đều được trang bị và cung cấp các nhu cầu thiết yếu; y, bác sĩ sẽ chăm sóc, theo dõi sức khỏe. Khu cách ly có internet để mọi người làm việc, cập nhật thông tin và trao đổi với người nhà. Ngoài ra, hệ thống camera giám sát, máy đo thân nhiệt tự động cũng được trang bị để đảm bảo theo dõi diễn tiến sức khỏe của người vào cách ly nhanh chóng, kịp thời.

Với những phản ánh mẫu xét nghiệm được lấy từ ngày 26/7 nhưng đến 2/8 vẫn không nhận được kết quả, bác sĩ Thế động viên: “Mọi người cần bình tĩnh và hợp tác, chúng tôi đang bên cạnh hết mức có thể. Nhân viên y tế còn trông chờ mẫu xét nghiệm gấp nhiều lần người được cách ly. Có kết quả thì các công tác chuẩn bị tiếp theo mới có thể triển khai chính xác”. 

Tuy nhiên, việc khoảng 5-6 ngày sau khi gửi mẫu xét nghiệm mới có kết quả là tình hình chung. Bác sĩ Thế cũng nhận được rất nhiều cuộc gọi hỏi về kết quả xét nghiệm, nhưng do số lượng mẫu xét nghiệm hiện nay rất lớn, không chỉ riêng khu cách ly mà những cơ sở y tế khác cũng gửi mẫu cùng lúc nên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM không thể nào giải quyết ngay được. 

Bác sĩ Thế cho biết thêm: phương án hiện tại là Khu cách ly Trung tâm cũng đang gửi máu xét nghiệm qua những cơ sở y tế, trung tâm được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm để có kết quả sớm nhất cho người đang cách ly được yên tâm. Sáng ngày 3/8, kết quả xét nghiệm lần đầu của 32 người tại khu cách ly đã có, tất cả đều âm tính. 

“Với người nước ngoài họ cho rằng đợi kết quả xét nghiệm ảnh hưởng đến công việc, thời gian của họ. Tuy nhiên, khi được phân tích, kêu gọi hỗ trợ, hợp tác cùng chống dịch thì họ cũng thông cảm phần nào. Hiện tại, mọi người được cách ly tại đây đều hiểu và thông cảm. Với những mẫu xét nghiệm quá lâu, chúng tôi sẽ thực hiện lấy mẫu xét nghiệm lại để đảm bảo tính chính xác, không bỏ sót trường hợp nghi ngờ”, bác sĩ Thế thông tin. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI