Liên thông xét nghiệm, bệnh nhân nhẹ gánh

14/04/2021 - 07:02

PNO - Thay vì mỗi lần hóa trị, bệnh nhân phải chờ kết quả xét nghiệm ổn mới được điều trị, lần đầu tiên tại TP.HCM, Bệnh viện TP.Thủ Đức cho bệnh nhân thực hiện xét nghiệm trước ở địa phương để không mất thời gian, công sức và ảnh hưởng quá trình trị liệu.

 

Bác sĩ khám lại cho anh V. trước khi anh vào hóa trị
Bác sĩ khám lại cho anh V. trước khi anh vào hóa trị

“Rụng tim” nếu kết quả xét nghiệm không đạt

Chuẩn bị bước vào phòng hóa trị điều trị ung thư hạch, anh N.H.V. (45 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) kể: “Tôi bị ung thư hạch đã hai năm. Mỗi lần đi TP.HCM khám bệnh, vợ chồng tôi thức từ 3g sáng, nấu cơm đem theo. Chạy xe máy đến bệnh viện (BV) cũng hơn 6g, số thứ tự đã lên hàng ba. Cuối buổi sáng mới tới lượt lấy mẫu xét nghiệm, đầu giờ chiều mới có kết quả để vô thuốc. Vô xong trời cũng nhá nhem, chạy về tới nhà mệt rã rời”. 

Đó là khi thuận lợi, còn nếu kết quả xét nghiệm (KQXN) hôm đó bị tăng men gan, thiếu máu… cả ngày ở BV của anh sẽ thành công cốc. Vì nếu KQXN không ổn, vợ chồng anh phải quay về nhà hoặc thuê nhà trọ gần đó đợi vài ngày sau bổ sung ăn uống theo lời dặn của bác sĩ cho sức khỏe ổn định rồi đến BV xét nghiệm lại. Nhưng đợt hóa trị lần này, anh V. “thảnh thơi” hẳn, bởi anh đã xét nghiệm trước tại địa phương nên chỉ việc lên TP.HCM hóa trị, không phải tay xách túi, vai khoác ba-lô thủ sẵn quần áo, để ở lại, và thấp thỏm đợi đến lượt.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung Bướu BV TP.Thủ Đức, thông tin: Hơn nửa năm nay, bệnh nhân ung thư “nhẹ gánh” hơn khi các bác sĩ tại khoa hỗ trợ người bệnh được xét nghiệm tại địa phương rồi chụp hình, gửi kết quả cho khoa. Người bệnh giảm các khoản đi lại, chi phí phát sinh… Đến nay, BV đã tiếp nhận hàng ngàn lượt xét nghiệm trước tại địa phương.

Ban đầu, anh V. hơi ngần ngại về KQXN của BV tỉnh, nhưng bác sĩ BV TP.Thủ Đức thường xuyên gọi điện thoại hướng dẫn, đưa phiếu chỉ định và liên lạc với anh qua mạng xã hội nên anh “đánh liều” thử. Anh kể: “Xét nghiệm ở BV gần nhà vẫn thoải mái hơn. Chụp kết quả này đưa cho bác sĩ ở TP.HCM, nếu sức khỏe tôi ổn, bác sĩ hẹn ngày tôi đến vô thuốc. Tới nơi, thuốc đã có, chỉ mất vài tiếng truyền thuốc là xong. Tôi có thể về nhà tiếp tục công việc buổi trưa, còn vợ cũng không cần phải xin nghỉ, mệt mỏi chờ đợi cùng chồng”.

Các xét nghiệm này khi thực hiện ở tỉnh đều được bảo hiểm y tế chi trả. Trong trường hợp bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế thì những hạng mục xét nghiệm cần thiết mà BV chỉ định cũng không quá tốn kém, chi phí chỉ khoảng 200.000 đồng.

“Đi bệnh viện vô thuốc bây giờ… khỏe re, con tôi cũng không phải xin nghỉ việc đi cùng mẹ”, bà H. nói,
“Đi bệnh viện vô thuốc bây giờ… khỏe re, con tôi cũng không phải xin nghỉ việc đi cùng mẹ”, bà H. nói,

Giảm tải bệnh viện, tiện lợi cho bệnh nhân

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ cho biết, trước đây, bệnh nhân điều trị ung thư ngoại trú khi đến BV hóa trị phải trải qua các xét nghiệm lâm sàng. Đây là các xét nghiệm thường quy trước khi vô thuốc. Xét nghiệm đơn giản nhưng thời gian chờ đợi lâu do BV quá tải. Nếu KQXN thuận lợi, cũng mất ít nhất 1-2 ngày mới hoàn tất đợt hóa trị.

Ngược lại, nếu kết quả cho thấy người bệnh bị thiếu máu nhẹ, tăng men gan… thường phải chậm hóa trị lại từ 1-4 ngày tùy theo mức độ hồi phục của bệnh nhân. Lúc đó, bệnh nhân phải ở lại tìm nhà trọ hoặc quay về quê để cải thiện sức khỏe theo chế độ dinh dưỡng của bác sĩ chỉ dẫn. 

Sau khi vô thuốc đợt đầu, người bệnh sẽ có phiếu chỉ định xét nghiệm thường quy như xét nghiệm máu, thận, men gan… để lần điều trị kế tiếp thuận tiện hơn. BV sẽ tư vấn cho bệnh nhân nên thực hiện xét nghiệm ở cơ sở y tế địa phương có hệ thống máy xét nghiệm tự động hiện đại, bảo đảm kết quả chính xác. Trước hết, BV tạo một trang mạng xã hội và nhóm kín để bệnh nhân ung thư tiện liên lạc, tư vấn và gửi KQXN. Thông qua kết quả này, bác sĩ của khoa sẽ chỉ định cụ thể cho từng người. 

Việc biết trước KQXN còn giúp BV chuẩn bị nguồn thuốc tốt hơn, do trong thời gian dịch COVID-19 nên một số thuốc, nhất là các thuốc nhập khẩu có thể gián đoạn. Để người bệnh tin tưởng vào xét nghiệm của BV địa phương, bác sĩ BV TP.Thủ Đức thường xuyên thẩm định KQXN ở cơ sở y tế trước đó như có thể xét nghiệm lại ngẫu nhiên nếu nghi ngờ kết quả hoặc nhận thấy bệnh nhân mệt mỏi, xanh xao… 

Trường hợp bệnh nhân đủ điều kiện hóa trị sẽ được hẹn ngày, giờ vô thuốc, bác sĩ sẽ khám lại lần nữa, khi mọi thứ đều ổn định mới tiến hành hóa trị cho người bệnh. “Việc xét nghiệm ở địa phương mang lại lợi ích đáng kể, nhất là giảm áp lực quá tải cũng như sức khỏe người bệnh được đảm bảo hơn”, bác sĩ Vũ khẳng định.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ cho biết: Liên thông xét nghiệm luôn được nhiều người mong mỏi nhưng chưa khả thi do tâm lý chung là bác sĩ BV nào thì chỉ tin vào BV đó. Chưa kể, xét nghiệm cũng là nguồn thu quan trọng của mỗi BV, do đó cơ quan quản lý nên có hệ thống kiểm tra chất lượng (như ISO) và các BV trong cùng hệ thống sẽ công nhận kết quả của nhau.

Điều này giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân, giảm quá tải cho BV. Trong quá trình thực hiện liên thông xét nghiệm, BV TP.Thủ Đức chưa thấy có vấn đề hoặc bệnh nhân bị biến chứng. Mọi người bệnh đều được thăm khám trước hóa trị. Do đó, cách làm này nên được nhân rộng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI