Kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023)

Le Ly Hayslip - người thương nhớ quê nhà

25/04/2023 - 05:59

PNO - Tôi không viết về chị như một nhà văn nổi tiếng, cũng không nói nhiều về chị như một nhà từ thiện, nhà hoạt động vì hòa bình và diễn giả người Mỹ gốc Việt nổi tiếng thế giới. Tôi muốn viết về chị - người đàn bà mang đậm chất Việt hơn bất cứ người phụ nữ nào mà tôi được gặp.

Từ những chuyến trở về

Trong chuyến về Việt Nam tháng 11/2022, dù có lịch trình dày đặc, nhà văn Phùng Thị Lệ Lý (Le Ly Hayslip) vẫn dành thời gian gặp một người bạn cố tri. 

Chị nói, không gặp được anh ấy, chị không yên lòng trở lại Mỹ. “Anh Thành - anh Bùi Kiến Thành. Anh còn nhớ em không?” - nhà văn Lệ Lý lao đến ôm người đàn ông tuổi ngoài 90, tóc bạc trắng. Ông với đôi mắt đượm buồn, nở nụ cười hiền, vòng tay ra sau lưng, ôm bà dịu dàng nói: “Bảy Lý. Lệ Lý đây mà. Nhà văn nổi tiếng viết Khi trời đất thay đổi, làm sao anh quên được. Chúng ta đã cùng có chung một hành trình gian khó nhưng cũng rất đỗi vinh quang, phải không em? Lệ Lý cười mà những giọt nước mắt tuôn trào trên má...

Những năm 1980, khi quan hệ 2 nước Việt - Mỹ còn đóng băng, Lệ Lý đã dũng cảm gửi cho chính phủ Mỹ lá thư kêu gọi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Chị là một trong những người được Tổng thống Mỹ Bill Clinton mời trong đoàn khách cùng sang thăm Việt Nam năm 2000.

Nhà văn Phùng Thị Lệ Lý (Le Ly Hayslip) thăm ông Bùi Kiến Thành ngày 10/11/2022 - ẢNH: NGUYỄN HOÀNG
Nhà văn Phùng Thị Lệ Lý (Le Ly Hayslip) thăm ông Bùi Kiến Thành ngày 10/11/2022 - Ảnh: Nguyễn Hoàng

Tôi muốn kể với bạn đọc về nỗi thương nhớ quê nhà luôn nằm sâu trong trái tim Lệ Lý. Nó lớn, đằm sâu đến nỗi những năm 1980, bà quyết định quay về Việt Nam bất chấp những lời đồn về một Việt Nam kỳ thị và không cởi mở với những người từng là “me Mỹ”, từng lìa bỏ quê hương ra đi, sang nước Mỹ 
sinh sống. 

Trong hàng ngàn bài báo vinh danh tác phẩm When heaven and earth changed places (Khi đất trời thay đổi) và Child of war, woman of peace  (Đứa con của chiến tranh, người phụ nữ của hòa bình) và những việc làm thiện nguyện của chị mà tôi được biết trong ngôi nhà nép mình dưới thung lũng Escondido của chị ở Mỹ, cũng không ít tờ báo cho chị là thân Cộng, đòi tẩy chay chị ra khỏi cộng đồng người Việt ở Mỹ.  

Chị điềm nhiên nói trong ánh mắt buồn: “Số phận đã luôn bắt tôi đứng giữa 2 làn đạn, từ chiến tranh đến hòa bình. Sách và phim của tôi không được phổ biến ở Việt Nam do những vấn đề nhạy cảm. Còn ở Mỹ, một số người Việt quá khích lên án tôi quyên góp, mang tiền bạc về giúp Cộng sản”.

Những đóng góp thầm lặng cho quê hương

Vượt qua bao sóng gió, cả những lần phá sản sự nghiệp kinh doanh, Lệ Lý vẫn kiên định bước đi, với trái tim sâu thẳm nỗi thương nhớ quê nhà. Chị kêu gọi thành lập 2 tổ chức từ thiện East Meets West Foundation (EMWF, quỹ Đông Tây hội ngộ) và Global Village Foundation (GVF, quỹ Làng toàn cầu). Cả hai tổ chức hoạt động với mục đích cứu trợ nhân đạo, giáo dục và phát triển.  

Lá thư Tổng thống Mỹ Bill Clinton gửi Lệ Lý năm 1996
Lá thư Tổng thống Mỹ Bill Clinton gửi Lệ Lý năm 1996

Theo chân chị, tôi về thăm quê hương chị, thăm ngôi nhà chị ở làng Kỳ La, xã Hòa Phụng, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ngôi nhà nơi chị được sinh ra, trải qua tuổi thơ và thời niên thiếu đầy biến động. Rồi thời thiếu nữ, chị bị bứt lìa khỏi quê hương do chiến tranh khắc nghiệt. Sang Mỹ từ năm 1970, nỗi nhớ quê hương luôn đi cùng chị. 

Tôi nhìn thấy nỗi niềm quy cố hương ấy trong ngôi nhà của chị ở Mỹ, từng vật dụng thấm đẫm hồn cốt Việt Nam. Đó là bộ thúng, rổ, vừng, sàng, nong, nia, những bộ chén dĩa sành thô mộc, những bó đũa tre, những tấm mành, những bức tranh sơn mài vẽ làng quê Việt Nam, bộ dụng cụ ăn trầu gợi nhớ hình ảnh những người bà cổ xưa tôi từng gặp, những bức ảnh gia đình với người mẹ sang Mỹ thăm bà với chiếc khăn Việt choàng cổ và đôi môi còn đỏ thắm màu trầu cau. Quanh chị là một không gian thuần Việt, đầm ấm và sâu thẳm. 

Còn giờ đây, tôi đứng trong ngôi nhà cũ xưa mà chị cố phục dựng để lưu dấu ký ức một thời làng Kỳ La đã đi vào sách và phim ảnh. Tôi kinh ngạc vì chị giữ được chiếc giường mà mẹ chị từng ao ước. Chiếc giường để ngủ, phía dưới là hộc đựng bao thứ quý giá. Ngủ trên chiếc giường ấy, ăn trộm không dễ trộm đồ. 

Nhưng rồi, chị đau lòng bộc bạch: “Có những thứ quý giá mà trộm cướp không lấy được, ngoại trừ mình tự đánh mất”. Bản sắc quê hương được lưu giữ trong giọng nói vẫn đậm chất Đà Nẵng của chị, dù chị xa quê đã hơn nửa thế kỷ và nói tiếng Anh đủ để giao tiếp với những người nổi tiếng trên thế giới. 

Tác giả bài báo này cùng Lệ Lý bên chiếc giường rương trong ngôi nhà cũ do bà tái hiện ở làng Kỳ La, nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng
Tác giả bài báo này cùng Lệ Lý bên chiếc giường rương trong ngôi nhà cũ do bà tái hiện ở làng Kỳ La, nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng

Chị bộc bạch: “Xây ngôi nhà thờ tổ rất công phu. Nhưng không phải người thân nào cũng đồng tình, hưởng ứng. Số tiền hàng trăm ngàn đô la (USD) đó gửi về, chia cho bà con mỗi người một ít sẽ được hoan nghênh hơn là gìn giữ lại văn hóa, truyền thống”. 

Tôi thật đồng cảm với chị về điều đó, bởi việc giữ lại hồn cốt làng quê là việc khó, đòi hỏi không chỉ tiền bạc, công sức mà còn cả tấm lòng, sự hiểu biết. Nhiều năm, chị âm thầm đi tìm và gìn giữ những bài hát cổ xưa để trao truyền lại cho con cháu, cũng là một việc rất công phu. Thật xúc động khi nghe chị hát những bài ca dao, dân ca và tôi nỗ lực ghi lại hình ảnh, tiếng hát đó của chị. Những trăn trở của chị khiến tôi hiểu thêm rằng, đằng sau bằng khen Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng chị năm 2022 cho những kiều bào có nhiều đóng góp cho đất nước, còn có những hy sinh thầm lặng. 

Từng đi qua những lằn ranh sinh tử, từng nuốt lại nước mắt, cả nỗi cô đơn và tổn thương khi bị công kích, bài xích, tẩy chay, hoài nghi trong cộng đồng từ 2 phía như Lệ Lý, mới thấm hiểu những cột mốc được ghi nhận trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Mỹ: “Ngày 1/11/1991, Chính phủ Mỹ chính thức cho phép các khách du lịch, cựu chiến binh, nhà báo, doanh nhân Mỹ thăm Việt Nam và ký các hợp đồng sau khi lệnh cấm vận thương mại được bãi bỏ. Ngày 14/12/1992, Tổng thống George Bush cho phép các công ty Mỹ bỏ lệnh cấm các khoản vay song phương và đa phương dành cho Việt Nam. Ngày 3/2/1994, Tổng thống Bill Clinton thông báo quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Ngày 12/7/1995, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao, gác lại quá khứ và mở ra chương mới trong lịch sử 2 nước”.

Hôm tôi đưa Lệ Lý thăm người bạn cố tri Bùi Kiến Thành, 2 người bạn già cùng bùi ngùi nhắc đến những cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ. Ông từ tốn nói: “Đây là kết quả của một hành trình gian nan với bao nhiêu cố gắng, mồ hôi và công sức của nhiều người, từ phía Mỹ và Việt Nam, trong đó có tôi, có Bảy Lý - người đã viết cho Chính phủ Mỹ lá thư tâm huyết kêu gọi bỏ lệnh cấm vận Việt Nam. Tôi quý Bảy Lý vì điều đó”. 

Trầm Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI