Sáng 24/7, tôi có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM để tham gia lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ nhân dịp 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Là một giảng viên đại học, đồng thời là hội viên của CLB “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”, tôi tham dự với tư cách một thành viên trong đoàn. Tôi đến để cúi đầu và tự hỏi lại những điều đã trở nên hiển nhiên đến mức ít ai còn dừng lại để suy nghĩ.
Chúng ta nói rất nhiều về lòng biết ơn, về truyền thống uống nước nhớ nguồn. Nhưng trong một thời đại mà mọi thứ dễ bị rút gọn thành hình ảnh, biểu tượng, hoặc một dòng trạng thái ngắn ngủi trên mạng xã hội, việc dừng chân trước một bia mộ lặng thinh lại trở thành một trải nghiệm lạ lẫm. Có lẽ vì nó không chạm vào cảm xúc theo cách mà các nền tảng giải trí hay truyền thông thường làm. Nhưng chính vì vậy, tôi nhận ra một điều rằng việc dâng hương hôm nay ngoại trừ ý nghĩa tôn kính để tưởng nhớ người đã mất, nó còn một phần nào đó giúp ta giữ lại một thói quen đạo lý đang dần bị bỏ quên.
Tôi không nghĩ chúng ta đang vô ơn. Nhưng chúng ta đang sống quá nhanh để kịp gọi tên những điều cốt lõi. Nhanh đến mức khái niệm “tri ân” nhiều khi được hiểu là hành động của tổ chức thay vì là ứng xử của từng cá nhân. Khi mọi thứ có thể được thay thế, tối ưu, hoặc lược giản bằng công cụ, thì ký ức vốn là một thực thể chậm rãi lại dần trở nên xa xỉ.
 |
Đoàn dâng hương với sự có mặt của bà Trương Mỹ Hoa - nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Vì Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu" - Ảnh: Lê Hoài Việt |
 |
Tác giả tại lễ dâng hương sáng 24/4 |
Chúng ta tổ chức lễ tưởng niệm hàng năm nhưng không phải ai cũng sống với cảm thức tri ân mỗi ngày. Điều khiến tôi suy nghĩ nhất trong buổi lễ dâng hương chính là ánh mắt của một cụ già khi lặng lẽ đặt bó hoa nhỏ xuống phần mộ vô danh. Cụ chỉ cúi đầu và đứng yên. Và chính khoảnh khắc đó lại là điều khiến tôi thấy lòng biết ơn đẹp biết bao.
 |
Đoàn đại biểu dâng hương sáng 24/7/2025 tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: Lê Hoài Việt |
Là một người làm giáo dục, tôi không kỳ vọng sinh viên của mình hiểu hết chiều sâu của lịch sử. Nhưng tôi quan sát thấy một điều đáng lưu tâm: người trẻ ngày nay không thiếu sự nhạy cảm, chỉ là họ ít có không gian để chạm vào những giá trị tưởng chừng đã rõ ràng. Không gian ấy không thể tạo ra bằng cách “giảng thêm một tiết lịch sử”, mà bằng chính thái độ sống của người lớn. Nếu chúng ta đối xử với quá khứ bằng sự lạnh nhạt hoặc hời hợt thì đừng mong thế hệ sau sẽ sống có chiều sâu.
Lễ dâng hương lần này có rất nhiều đoàn tham gia. Mỗi người đến với một vai trò, một góc nhìn khác nhau. Nhưng điều quan trọng là có lẽ không ai rời khỏi nghĩa trang mà không mang theo một điều gì đó riêng. Với tôi, đó là câu hỏi: chúng ta có đang sống xứng đáng với sự hy sinh không chỉ cần được ghi nhớ, mà còn để được tiếp nối?
Một xã hội lành mạnh không được xây bằng thành tựu vật chất mà bằng những tầng lớp đạo lý được gìn giữ một cách tự nguyện. Không ai bắt chúng ta phải biết ơn. Nhưng chính sự tự nguyện ấy mới là thước đo đạo đức. Và tri ân, nếu không còn là điều tự nguyện, thì dù có tổ chức trăm lễ tưởng niệm, giá trị ấy vẫn cứ rơi rụng dần theo từng thế hệ.
Tôi rời nghĩa trang khi mặt trời đã lên cao. Cảm giác mang theo là một sự thôi thúc âm ỉ rằng mình phải sống cho đàng hoàng hơn. Phải dạy học cẩn trọng hơn. Phải lắng nghe kỹ hơn khi nói về đất nước, về nhân cách, về sự tử tế. Không ai buộc chúng ta phải biết ơn. Nhưng một xã hội trưởng thành là nơi mà lòng biết ơn tồn tại tự nhiên như một phản xạ đạo đức đã ăn sâu vào văn hóa sống.
Có những bài học không đến từ bài giảng. Có những giá trị không thể “học thuộc”. Và có những điều, ví như nén hương tôi đã thắp sáng nay, chỉ có ý nghĩa nếu nó chạm được vào một điều gì đó bên trong mình, đủ sâu để khiến ta sống khác đi, dù chỉ một chút.
Lê Hoài Việt