Lao đao vì dịch bệnh, sân khấu, rạp phim TPHCM mong được hỗ trợ

13/04/2020 - 08:24

PNO - Chịu chung một kịch bản u ám như nhiều ngành nghề khác, sân khấu, rạp phim tại TPHCM trong cơn khốn khó, xác định không dễ vực dậy kể cả khi dịch đã qua.

Rạp phim: Dù dịch đi qua, khó bắt nhịp trở lại

Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành điện ảnh toàn cầu chịu thiệt hại nặng nề lên tới hàng chục tỷ USD. Tại Việt Nam, nhiều đơn vị phát hành cho biết đang cầm cự và xác định khó bắt nhịp trở lại khi dịch qua đi.

Trước đó, vào ngày 15/3, các cụm rạp trên địa bàn TPHCM đóng cửa. Đến ngày 25/3, toàn bộ cụm rạp trên cả nước buộc ngừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Các đơn vị phát hành tại Việt Nam đa số đều đồng ý thực hiện theo chỉ thị của cơ quan chức năng nhưng vẫn không lường trước được sự thiệt hại.  

“Thống kê doanh thu thiệt hại trong tháng 3/2020 của tất cả cụm rạp tại Việt Nam là hơn 300 tỷ đồng. Còn với tháng 4, chưa bao giờ, doanh thu các cụm rạp trong nước là con số 0 tròn trĩnh. So với doanh thu cùng kỳ năm trước, dễ thấy các đơn vị phát hành đang gánh con số thua lỗ quá lớn” - anh Khánh Nguyễn, đại diện truyền thông CGV tại Việt Nam chia sẻ.

Bảng thông báo được đặt tại rạp Galaxy Nguyễn Du, quận 1, TPHCM.
Bảng thông báo được đặt tại rạp Galaxy Nguyễn Du, quận 1, TPHCM.

Ngoài việc không có doanh thu, các cụm rạp đang phải chi trả nhiều khoản: phí duy trì vận hành, làm vệ sinh, chi trả lương nhân viên, xịt khử khuẩn để phòng COVID-19. Các cụm rạp Lotte, BHD, Galaxy, CGV... phần lớn đều khẳng định đơn vị cho thuê có chính sách hỗ trợ giảm/miễn tiền thuê mặt bằng nhưng nếu dịch bệnh kéo dài, họ không cam kết tiếp tục hỗ trợ vì chịu nhiều áp lực khác.

Đại diện cụm rạp Lotte cho biết sau khi đóng cửa rạp trên toàn quốc, số nhân viên thất nghiệp rất lớn. Đơn vị có hỗ trợ lương nhưng về lâu dài, cần thêm sự hỗ trợ từ nhà nước để ổn định cuộc sống của nhân viên.

“Trong thời điểm hiện tại, hầu hết các bên phát hành đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhiều ngành nghề khác cũng đứng trước nguy cơ thua lỗ nghiêm trọng. Do đó, kêu gọi sự hỗ trợ là cần thiết nhưng hiện tại, khi biết Chính phủ đã thông qua gói vay hỗ trợ với lãi suất ưu đãi, cùng với đó là duyệt trợ cấp xã hội cho lao động mất việc, CGV mong muốn thủ tục nhận hỗ trợ được thông tin chi tiết, rõ ràng để đơn vị làm theo, kịp thời ứng phó” - đại diện CGV nói thêm.

Khung cảnh đìu hiu tại rạp BHD trong toà nhà Bitexco, quận 1, TPHCM.
Khung cảnh đìu hiu tại rạp BHD trong toà nhà Bitexco, quận 1, TPHCM.

“Hội đã lên kế hoạch và đưa ra giải pháp hỗ trợ các nhà phát hành, nhà làm phim. Tuy nhiên, tôi chưa thể tiết lộ các điểm chính trong đề xuất vì phải thông qua ban chấp hành trong vài ngày tới. Sau đó, hội sẽ trình kiến nghị lên cơ quan các cấp để chờ phê duyệt. Một mình tôi không thể quyết”. 

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam

Về kế hoạch hoạt động trở lại, nhiều đơn vị đã vạch ra sẵn đường hướng nhưng e ngại tâm lý của khán giả. Trong số 210 cụm rạp trên toàn quốc, dù chưa có trường hợp bệnh nhân đã từng đến rạp phim, nhưng các đơn vị phát hành lo lắng khán giả chưa muốn đến rạp khi dịch qua đi.

“Chúng tôi chưa rõ thời điểm an toàn để rạp phim hoạt động trở lại. Nhưng CGV lên kế hoạch sẽ chiếu lại một số bom tấn cũ vì lịch chiếu các phim mới đều đã bị hoãn; chọn lọc thêm một số phim Việt phù hợp để lấp đầy các suất chiếu. Chúng tôi mong mỏi khán giả sẽ đến ủng hộ các cụm rạp trong tâm lý thoải mái, không dè dặt, e ngại” - đại diện CGV nói.

Đạo diễn Đức Thịnh cho biết: “Rạp phim là ngành ảnh hưởng lên toàn bộ nền điện ảnh nước nhà. Họ lao đao thì ngành điện ảnh thương mại lao đao, kéo theo toàn bộ nhân sự điện ảnh lao đao. Thật sự rất buồn khi điện ảnh nước nhà đang chập chững từng bước để phát triển thì gặp ngay COVID-19. Không biết các cụm rạp sẽ cầm cự được bao lâu. Rất mong nhà nước có những chính sách hợp lý để hỗ trợ không chỉ riêng ngành điện ảnh mà cho các doanh nghiệp khác nữa”.

Ngưng hoạt động, sân khấu lao đao

Thường năm, các sân khấu vẫn hoạt động khá nhộn nhịp sau Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, Sân khấu Thế giới trẻ đã cắt giảm đến 80% suất diễn (chỉ diễn 1 suất/tuần thay vì 5 suất như trước). Đến ngày 1/4, sân khấu ngưng hẳn hoạt động. Lượng khán giả đến xem tại đây cũng giảm rõ rệt từ sau tết.

Đơn vị đầu tư Sân khấu Thế giới trẻ đã nộp đơn đến đơn vị cho thuê xin miễn giảm 50% tiền mặt bằng sau tết. Hiện, đơn vị này đang dự định nộp đơn xin miễn giảm hoàn toàn (tính từ 1/4) vì sân khấu không hoạt động nên không có nguồn thu. Tiền mặt bằng hàng tháng của Sân khấu Thế giới trẻ là 100 triệu đồng.

“Thông tin ban đầu chúng tôi nhận được là đơn vị cho thuê có thể chỉ giảm 50%, tính từ 1/4 trở đi. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, con số này cũng không phải là nhỏ. Trong khi đó, mỗi tháng, chúng tôi vẫn phải gồng gánh khoảng 120 triệu đồng tiền lương cho một số bộ phận vẫn đang làm việc như văn phòng (chưa tính lương giám đốc sân khấu), hỗ trợ anh em hậu đài, phục trang trong khi chờ dịch bệnh qua đi.

Tuỳ vào tình hình thực tế, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất với đơn vị cho thuê sân khấu để có giải pháp tốt hơn” - chị Nguyễn An Thi, Giám đốc Sân khấu Thế giới trẻ cho biết.

Những gương mặt trưởng thành ở Thế Giới Trẻ trong vở Mua chồng ba mươi vạn.
Sân khấu Thế giới trẻ phải trả vé, hủy nhiều suất diễn và đóng cửa vì dịch bệnh

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đang gồng gánh Sân khấu kịch Idecaf, Nhà hát múa rối Nụ Cười và Nhà hát rối nước Rồng Vàng. Sân khấu kịch Idecaf bắt đầu giảm 50% suất diễn từ giữa tháng 3, nay đã ngưng hoạt động. Nhà hát múa rối Nụ Cười dừng hoạt động ngay sau Tết Nguyên đán. Sân khấu Rồng Vàng chủ yếu phục vụ khách du lịch nhưng thời gian qua, hoạt động này đã đình trệ nên cũng không có nguồn thu.

Với Sân khấu Idecaf, do dịch bệnh nằm trong điều khoản miễn trừ của hợp đồng thuê mặt bằng nên Idecaf không phải trả tiền thuê mặt bằng trong thời gian này. Còn với Nhà hát rối nước Rồng Vàng, Nhà hát múa rối Nụ Cười, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn vẫn đóng 25% chi phí so với mức giá bình thường. “Đơn vị khai thác gặp khó khăn thì đơn vị cho thuê cũng rơi vào tình trạng tương tự. Vì thế, chia sẻ là điều cần thiết ở thời điểm này” - ông Tuấn nói.

Ngoài ra, công ty của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn hiện vẫn đang trả lương cho nhân viên một số bộ phận như văn phòng, hậu đài, soát vé. Tháng 3, mức lương họ nhận được là 50%, còn sang tháng 4 chỉ 25%. “Những anh chị em này hưởng mức lương thường không cao, nay lại dịch bệnh nên cuộc sống của họ rất khó khăn. Nhưng khi đơn vị không có nguồn thu, chúng tôi cũng chỉ có thể hỗ trợ ở khả năng cho phép.

Thời điểm trước, chúng tôi thường dùng nguồn thu xoay vòng, bù qua sớt lại giữa các bên, chẳng hạn như sân khấu rối nước nuôi sân khấu rối cạn và hỗ trợ Idecaf, nhưng nay mọi thứ đã đứng im” - ông Tuấn chia sẻ.

NSƯT Hữu Quốc, Tô Thiên Kiều lấn sân kịch nói.
Tía ơi con muốn lấy chồng (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ) phải tạm dừng chỉ sau vài suất diễn do ảnh hưởng của dịch COVID-19

Nghệ sĩ Chí Linh đầu tư một vở cải lương, dự định công diễn sau Tết Nguyên đán nhưng giờ chót phải huỷ do dịch bệnh. Từ đó đến nay, sân khấu của anh không có bất kỳ hoạt động nào dù tiền đầu tư phục trang, thiết bị, vận chuyển, quảng cáo... đã được chi ra.

“Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chủ trương từ cơ quan chức năng về phòng, ngừa dịch bệnh. Nhưng sau khi sân khấu ngừng hoạt động, chúng tôi cũng rơi vào tình cảnh khá khó khăn” - anh nói.

Do thuộc nhóm sân khấu xã hội hoá, nguồn vốn có hạn, nên khi các bộ phận ngưng trệ hoạt động, không có thu nhập, nghệ sĩ Chí Linh cũng không thể hỗ trợ gì nhiều. Hiện, giám đốc sản xuất của Sân khấu Chí Linh - Vân Hà đang thống kê thiệt hại để trình Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) TPHCM xem xét, hỗ trợ trong thời gian tới.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng không đứng ngoài tác động của dịch COVID-19.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng không đứng ngoài khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Diễn viên Minh Luân đầu tư 500 triệu đồng vào Sân khấu kịch Hồng Vân - Chợ Lớn, nhưng từ sau tết, nơi đây gần như không hoạt động vì dịch bệnh. Trong tháng 2/2020, với những suất còn được diễn, lượng khán giả đến sân khấu cũng chỉ khoảng 60-70 ghế/150 ghế. Riêng vở Thanh xà, Bạch xà, tiền phục trang đã lên đến 100 triệu đồng, nhưng hiện tại Minh Luân chưa thu về được đồng vốn nào. Anh tiết lộ, dù đang được hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng nhưng con số phải đóng cũng không hề nhỏ.

“Sân khấu kịch có thể hoạt động lại sau dịch, nhưng phụ thuộc vào việc khán giả có đến xem hay không. Sân khấu rối phục vụ du lịch có thể đến tháng 9 mới bắt tay trở lại. Vì thế, anh em ít nhất sẽ phải chịu khổ thêm vài tháng nữa” - ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ.

Sân khấu đang rất cần sự hỗ trợ nhất định để vượt qua khó khăn, trước hết để giải quyết một số chi phí thiết yếu nhằm duy trì sân khấu, sau là hỗ trợ anh chị em nghệ sĩ có thu nhập thấp, nhân viên hậu đài, phục trang...

Rạp phim, sân khấu là 2 trong số nhiều nhóm lĩnh vực thuộc ngành văn hoá, nghệ thuật thất thu. Nếu dịch bệnh kéo dài, con số thua lỗ ngày càng tăng và sự trở lại của các lĩnh vực khi dịch qua đi chắc chắn không dễ dàng. Sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan chức năng sẽ là biện pháp cứu cánh cho các lĩnh vực, nhưng hiện tại, các đơn vị vẫn đang cố cầm cự đợi chính sách được triển khai.

 

Diễm Mi – Thành Lâm

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • vivic 16-04-2020 11:01:58

    Khi ko có dịch thì ngành đó 1 người tiêu 1 ngày 5 đồng thì giờ đang dịch thì tiêu 0.5 đồng như người dân đói khổ đi cần gì phải hỗ trợ .

  • Lieutien 13-04-2020 09:47:06

    Ngành nào lãnh vực nào cũng cần phải hổ trợ, không chỉ là sản khấu, rạp phim đâu các ngài ơi. Nhà nước nhức đầu lắm, giờ này phải “ mình vì mọi người “ chứ đừng kêu “ mọi người vì ngành mình “

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI