Lãnh đạo Vinasun: Tài xế Grab, Uber phải học khóa huấn luyện đạo đức mới được chạy cho Vinasun

15/04/2018 - 07:00

PNO - Trong cuộc chiến giành thị trường, taxi truyền thống đã từng bỏ lỡ cơ hội cách đây 4 năm. Liệu lần này, khi Uber rời khỏi Việt Nam, họ có nắm bắt được "cơ hội vàng" xoay chuyển tình hình?

Chia sẻ với PV Báo Phụ Nữ, ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, việc Uber sáp nhập Grab như "góp gió thành bão", khách hàng lo lắng Grab độc quyền tăng giá, dịch vụ khách hàng cũng vì thế mà gặp nhiều hạn chế khi độc quyền thị trường.

“Thách thức lớn nhất của thị trường hiện tại, khi Uber bán thị phần cho Grab là chính quyền phải giải quyết vấn đề độc quyền, ngành nghề chiếm trên 30% là độc quyền. Với 78.000 chiếc xe của Uber và Grab sáp nhập so với 20.000 taxi truyền thống, rõ ràng nó gấp mấy lần, số lượng taxi công nghệ chiếm đến khoảng 80% thị trường. Điều này chắc chắn dẫn đến vấn đề độc quyền. Câu hỏi đặt ra lúc này chính là nhà nước giải quyết như thế nào?”, ông Hỷ nêu ý kiến.

Cũng theo ông Hỷ, về phía taxi truyền thống, để tồn tại và phát triển, riêng hãng đã chuẩn bị từ nhiều năm nay bằng việc cho ra mắt ứng dụng đặt xe ngày càng phụ hợp với tình hình, xu thế chung của thế giới.

“Sắp tới taxi chúng tôi cũng chốt giá luôn chứ không phải ước lượng giá như thời gian vừa qua. Bởi trước đây, nhà nước yêu cầu gắn với quy định pháp luật – taxi phải gắn đồng hồ taxi mét nên phải "né" bằng cách ước lượng giá.

Sau khi Dự thảo Nghị định 86 của Bộ GTVT được sửa đổi bổ sung thì taxi trong tương lai có thể được tính tiền theo đồng hồ taxi mét, đồng thời có thể tính tiền theo ứng dụng nên chúng tôi mới có thể áp dụng chốt giá được”, ông Hỷ nói.

Việc áp dụng chính sách mới chốt giá, theo ông Hỷ sẽ giúp tất cả các dòng xe của hãng này đồng một mức giá trong tương lai. Bên cạnh đó, khách hàng vừa lên xe sẽ biết điểm đi, điểm đến và biết được mức giá phải trả cho hành trình.

"Bất cứ xe nào đến đón thì mức giá cũng như thế. Trong tương lai, chúng tôi chỉ áp dụng một giá”, ông Hỷ cho biết.

Lanh dao Vinasun: Tai xe Grab, Uber phai hoc khoa huan luyen dao duc moi duoc chay cho Vinasun
Ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun. Ảnh: Thái Nguyễn

Đánh giá về việc Uber sáp nhập Grab, cũng như cuộc chiến giành thị trường giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ sắp tới, lãnh đạo Vinasun nhận định: “Chuyện sáp nhập của Grab và Uber chưa phải là thách thức hay cơ hội đối với taxi truyền thống vì thực sự nó chỉ là một hình thức tập trung kinh tế. Trước đây có 2 hãng, đồng nghĩa là 2 đối thủ. Giờ nhập chung lại thì lượng xe tăng lên mà thôi”.

Tuy nhiên, ông Hỷ cho biết thêm, từ sau thông tin Uber sáp nhập Grap, rất đông tài xế  Uber đã quay trở lại với Vinasun. Đại diện Vinasun chưa đưa ra con số cụ thể vì có tài xế đăng ký trực tiếp, có người gọi qua điện thoại nên hãng cần phải tiến hành cuộc rà soát kỹ lưỡng mới ra con số chính xác.

“Tất cả những tài xế hoạt động ở các hãng khác, khi về hoạt động ở Vinasun đều cần đào tạo lại. Những bài học cơ bản nhất về giao thông đường bộ được Tổng Cục đường bộ quy định, quy trình đón khách của Vinasun chứ không thể gây lộn xộn ở những điểm hoạt động chính yếu được. Nội quy quy chế, vấn đề đạo đức nâng cao của tài xế…

Một số tài xế Uber và Grab chuyển sang đăng ký Vinasun, sau khi tuyển lựa sẽ phải đi học khóa huấn luyện đạo đức nghề nghiệp trước khi hoạt động. Ngoài ra xe cũng được tuyển lựa kỹ hơn. Không phải ai về đầu quân lại cũng nhận, phải tùy đối tượng. Lý do trở về chính đáng thì chúng tôi xem xét nhận chứ tài xế đã từng rời bỏ Vinasun với động cơ không hay, vi phạm nghiêm trọng thì chúng tôi nhất định không nhận”.

Trong khi đó, ông Hồ Huy – Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh cho biết, từ sau tết Nguyên đán vừa rồi, hãng này cũng đón nhận dòng tài xế của Mai Linh từng bỏ sang Grab và Uber trở về. Lý giải cho việc này, theo lãnh đạo Mai Linh là do tài xế không yên tâm bởi các chính sách của các công ty công nghệ nên trở về với taxi truyền thống để được đảm bảo các quyền lợi.

Lanh dao Vinasun: Tai xe Grab, Uber phai hoc khoa huan luyen dao duc moi duoc chay cho Vinasun
Ông Hồ Huy - Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh. Ảnh: Thái Nguyễn

Ông Huy cũng đưa ví dụ để dẫn chứng về quyền lợi của đối tác Mai Linh. Người hợp tác kinh doanh, lái xe là chủ xe, nếu được Mai Linh ký hợp đồng lao động thì tài xế được công ty đóng BHXH, BHYT. Trường hợp tài xế đã mua bảo hiểm bên ngoài, công ty Mai Linh sẽ mua gói bảo hiểm nhân thọ cho tài xế.

Ngoài ra, khi đề cập đến chính sách giá, Chủ tịch Mai Linh nhận định: “Thật sự Uber, Grab không rẻ. Khi nhận được tiền khuyến mại của Uber, Grab, khách hàng cho là rẻ nhưng nếu không khuyến mại thì giá chỉ ngang ngửa và giống như giá của Mai Linh thôi. Doanh nghiệp sinh ra đâu có khuyến mại cả đời, nó có thời kỳ khác nhau”.

Để cạnh tranh, lãnh đạo Mai Linh cho biết sẽ dùng chất lượng dịch vụ để chinh phục khách hàng. Hãng sẽ tiến hành nâng cấp dịch vụ, chẳng hạn nếu chuyến xe không sạch sẽ, khách không trả tiền cuốc xe; tài xế không lịch sự, khách không trả tiền; đồng hồ tính tiền không đúng, khách cũng không phải trả tiền.

"Nghĩa là tất cả phải vào chuẩn mực, thái độ, chất lượng phục vụ, giá cả đúng như cam kết mới trả tiền, và tôi chịu trách nhiệm cho cam kết đó”, ông Hồ Huy nhấn mạnh.

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI