Làng mứt Thuận An vào mùa

18/01/2020 - 06:19

PNO - Vẫn cách sản xuất thủ công nhưng dân làng mứt tự tin cạnh tranh trên thị trường với hàng ngoại bởi “đôi khi cái dân dã, mộc mạc mới làm người ta nhớ hoài”.

Đơn giản nhưng lắm công phu

Về Thuận An (thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) trong những ngày này, dường như nhịp sống nhanh hơn thường lệ. Qua cầu Bình Minh rẽ trái là đến ngay làng mứt trứ danh. Xóm nghề với những ngôi nhà san sát nhau soi mình trên con rạch nhỏ. 

Ngoài mứt me truyền thống, làng mứt Thuận An còn có nhiều sản phẩm như: mứt thơm, mứt tắc, mứt gừng nguyên củ, mứt vỏ bưởi...
Ngoài mứt me truyền thống, làng mứt Thuận An còn có nhiều sản phẩm như: mứt thơm, mứt tắc, mứt gừng nguyên củ, mứt vỏ bưởi...

Nhóm phụ nữ trung niên đang hí hoáy cạo vỏ những trái me vừa ngả màu nâu nhạt, để lộ ra lớp thịt màu xanh vàng chợt khiến bụng dạ cồn cào. Họ cười nói với nhau về những câu chuyện làng trên xóm dưới, rồi chuyện thịt heo tăng giá pha lẫn những câu chuyện hài. Tiếng cười giòn tan hòa lẫn trong tiếng khu chợ ồn ào nơi bờ còn lại của con rạch.

Chạy dọc xóm nghề chỉ có một vài mâm mứt nho nhỏ được phơi trước hiên nhà dưới cái nắng vàng như đổ mật. Khách phương xa dễ lầm tưởng đây không phải là làng mứt. Tấp xe vào một quán cà phê nhỏ, chú Châu với mái tóc màu muối tiêu cười hiền, gần như hiểu vị khách đang muốn tìm gì. “Muốn tìm mứt hả, đi theo mấy con hẻm nhỏ, rồi ra phía sau nhà, đủ loại, tha hồ mà ngắm, mà mua”.

Men theo con đường nhỏ xíu, cả thế giới rộng lớn như được mở ra trước mắt vị khách phương xa. Trên những chiếc mâm màu bạc sáng loáng, màu cam nâu của mứt me, màu đỏ thẫm của tầm ruột, màu trắng ngà của mãng cầu, màu xanh lá tươi mơn mởn của tắc, màu vàng chanh ngọt lịm của khóm... như tạo nên một bức tranh đầy mê hoặc.

Mùi thơm nức của chúng chỉ khiến người ta chợt mơn man nghĩ về đêm giao thừa, ngồi nhâm nhi tách trà nóng, cắn nhẹ một miếng mứt để cảm hết vị đất trời rồi hàn huyên những chuyện năm cũ. Thế thôi, đủ thấy niềm hạnh phúc trọn vẹn.

Mứt cũng chỉ có trái cây và đường, nhưng chuyện lại không đơn giản như thế. 

Mỗi loại mứt lại có một yêu cầu riêng. Như mứt me phải đảm bảo việc cạy vỏ nhanh, trái vẫn nguyên vẹn, thành phẩm có vị chua ngọt vừa phải. Mứt tầm ruột phải chà xát trái tươi để giảm độ chát nhưng không được làm giập, vì khi sên mứt sẽ vỡ vụn. Còn mứt mãng cầu phải tách múi, lấy hạt sao cho không bị nhầy nhụa. Mứt tắc hay mứt khóm phải đảm bảo giữ được màu, hương cùng vị chua đặc trưng của chúng, thế mới thành công. 

Mùa nắng tốt cuối năm cũng là thời điểm thuận tiện cho người dân làng mứt. Mứt vừa khô nhanh, lại vừa lên màu đẹp mắt
Mùa nắng tốt cuối năm cũng là thời điểm thuận tiện cho người dân làng mứt. Mứt vừa khô nhanh, lại vừa lên màu đẹp mắt

Một điều quan trọng không kém là khi sên mứt, phải trộn để đường thấm đều. Nếu đường bị vón cục, mứt sẽ cứng và hỏng cả mẻ. Cũng có trường hợp, sên đường không tới, qua ngày hôm sau mứt bị chảy, không giữ lâu được. Mà bí quyết làm nghề, mỗi gia đình lại có một công thức riêng, không tiện chia sẻ.

Mỗi loại mứt cũng có thời gian hoàn thành khác biệt. Trong đó, mứt me thường phải mất 20-25 ngày, tính từ công đoạn đầu tiên. Còn mứt tầm ruột, mãng cầu, khóm, tắc hay gừng thì dao động khoảng trong một tuần. 

Bà Nguyệt (68 tuổi), có thâm niên làm mứt hơn chục năm cho biết, nghề này cũng phụ thuộc ông trời khá nhiều. “Mấy hôm trời mát, người ta thích chứ dân xóm này rầu chết được. Trời không nắng, mứt sẽ bị đen, màu lên không đẹp, phải bán rẻ hơn dẫu vị không hề thay đổi”, bà nói.

Những nhọc nhằn

Trong căn bếp nho nhỏ, chị Hồng đang nhanh tay trở đều chảo mứt mãng cầu thơm phức. Chị chỉ vào mấy đốm đỏ trên khắp tay chân, cười hiền: “Đó, toàn hậu quả của việc dính đường đang sôi trên bếp. Giờ đụng vào vẫn rát rạt”. Mỗi người thợ làm mứt, đặc biệt là người đứng bếp hầu như ai cũng thủ sẵn một hũ thuốc bỏng để kịp thời “chữa cháy”. 

Giữa cái nắng chang chang khi trời dần đứng bóng, những người thợ vẫn đang hì hục bên bếp lửa đỏ hồng. Người xào, kẻ quấn giấy, người lại mang phơi, trở mứt liên tục trên những chiếc mâm to đùng. Ai nấy mồ hôi nhễ nhại, nhưng nụ cười vẫn vậy, giòn rụm nghe chợt mát lòng.

Cô Thu Ba đang trở bề cho những mẻ mứt để có được độ bóng đều
Cô Thu Ba đang trở bề cho những mẻ mứt để có được độ bóng đều

Họ thường bắt đầu công việc từ 4-5g sáng, và kết thúc vào khoảng 5g chiều, khi mặt trời lặn. Có khi tô hủ tíu kêu từ ban sáng, đến chiều chỉ mới gắp được mấy đũa. Càng cận tết, khối lượng công việc càng tăng lên theo cấp số nhân để đảm bảo đủ lượng hàng cung ứng.

Cái nắng chang chang của buổi trưa tháng Chạp khiến người không quen dễ bị say hoặc khó chịu trong người. Nhưng với dân làng mứt lại quá đỗi quen thuộc. Vì thế, trong thời gian này, gương mặt của họ lúc nào cũng ửng đỏ hoặc sạm đen.

Căn nhà chú Sơn được phủ đầy sắc vàng nâu óng ả của mứt me. Chú cho biết, năm nay phải chạy tận miệt Lấp Vò, Lai Vung... (tỉnh Đồng Tháp) để mua nguyên liệu, tự tay hái từng trái để có được me đẹp. Bởi nguyên liệu tốt mới cho ra được thành phẩm ưng ý. 

Trong khi đó, gia đình chú Châu cũng phải chạy ngược xuôi, có khi đến hơn trăm cây số để mua tầm ruột tươi. Chú cho biết, năm nay tầm ruột thất mùa nên mua cũng không được nhiều.

Chú bảo: “Làm mứt cực không kém làm ruộng, nhưng được cái, công bỏ ra nhẹ hơn một chút. Thời gian ở trong mát cũng được nhiều hơn. Trong khi đó, giá bán cũng có thể chủ động hơn, chứ không bị phụ thuộc quá nhiều”. 

Mứt nội không sợ hàng ngoại

Mỗi ký mứt me, tính riêng tiền công tách vỏ, bỏ hột, quấn giấy sau khi thành phẩm đã đến 40.000-50.000 đồng/kg. Với mỗi ký mứt thành phẩm, họ sẽ lời được vài chục ngàn. Những loại mứt khác cũng được tính giá thành bán ra dựa vào tiền công, nguyên liệu như trên. Số lượng mứt làm ra càng nhiều, số tiền thu được càng tăng. “Cực vậy nhưng mùa tết cũng nhờ có mứt mà dân xóm này có đồng ra đồng vô. Nhà nào bỏ công làm nhiều thì thu nhiều”, chú Sơn chia sẻ.

Làng mứt Thuận An bắt đầu sôi động từ tháng Mười âm lịch trở đi. Nhưng phần lớn với họ nghề này là mùa vụ, chỉ có 2-3 gia đình sản xuất quanh năm, nhưng cũng với số lượng vừa phải. 

Gia đình chú Châu năm nào cũng sản xuất khoảng 400-500kg mứt me. Nhà ông Bê cũng có khoảng 300kg mứt các loại để cung ứng cho thị trường. Trong khi đó, cô Phượng, vợ chú Sơn, đang đóng gói những thùng mứt me cuối cùng trong 2 tấn mứt sản xuất năm nay. Sau đó, họ sẽ bắt tay vào làm những loại mứt khác.

Trong làng mứt, gia đình “siêu” nhất là hộ của cô Thu Ba, sản xuất đến vài tấn mứt me cho mùa tết, chưa kể các loại khác. Cô cho biết khoảng hơn 20 năm về trước, việc buôn bán mứt ở nơi đây vẫn còn nhỏ lẻ. Gần đây thì xóm nghề dần nổi tiếng hơn. Các hộ cũng tìm được thị trường rộng hơn, từ Cần Thơ, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Kiên Giang... cho đến TP.HCM, Đà Nẵng. Đặc biệt, gia đình cô Thu Ba đã có đơn hàng xuất khẩu mứt đi Mỹ. Mứt được làm theo yêu cầu của một công ty lớn, sau đó đơn vị này chịu trách nhiệm xuất khẩu. 

Dân làng nghề chưa bao giờ lo ngại trước sự đổ bộ của bánh mứt ngoại nhập. “Đôi khi cái dân dã, mộc mạc mới làm người ta nhớ hoài. Mứt làm càng tự nhiên, giữ được vị, khách ăn sẽ thích và tìm mua nữa”, cô Thu Ba chia sẻ. Hơn hết, việc làm mứt dân làng nghề cũng chú trọng hơn về khâu an toàn vệ sinh. 

Trong khi đó, chú Sơn tự hào cho biết: “Làng mứt đã được định danh trong nhiều năm qua. Điều đó giúp người dân trong làng có được việc sản xuất mùa tết ổn định. Con số cung ứng thị trường qua từng năm tăng đều cũng là tín hiệu vui để bà con yên tâm hơn”.

Một mùa tết nữa lại về trên đất Thuận An. Nhọc nhằn còn đó nhưng niềm vui cũng sẽ tiếp nối như vị ngọt lành của mứt. 

Bài và ảnh: Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI