Lạm phát có thể khiến người lao động chật vật hơn

25/10/2022 - 05:59

PNO - Các đại biểu Quốc hội lo rằng, lạm phát sẽ tăng cao vào cuối năm khiến người lao động chật vật tiền nong trong dịp tết.

Nguy cơ gia tăng lạm phát cuối năm

Lạm phát là một trong những vấn đề gây trăn trở cho nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, diễn ra từ ngày 20/10 - 18/11. 

Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chín tháng đầu năm 2022 tăng 2,73%, ước cả năm tăng khoảng 4%. Theo ông, trên thực tế, mỗi gia đình, cá nhân đều cảm nhận rõ ràng sự tăng giá. Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sách giáo khoa, các chi phí đi lại khác đều tăng, có mặt hàng tăng giá gấp đôi, gấp ba. 

Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm dự báo sẽ tăng giá vào dịp cuối năm gây khó khăn cho người lao động (trong ảnh: Người dân ở Thừa Thiên - Huế tằn tiện khi mua thực phẩm sau đợt lũ lụt giữa tháng 10/2022)  - ẢNH: THUẬN HÓA
Các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm dự báo sẽ tăng giá vào dịp cuối năm gây khó khăn cho người lao động (trong ảnh: Người dân ở Thừa Thiên - Huế tằn tiện khi mua thực phẩm sau đợt lũ lụt giữa tháng 10/2022) - Ảnh: Thuận Hóa

Ông Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá, áp lực tăng giá, lạm phát trong thời gian tới rất cao do nhiều tác động, trong đó có việc Ngân hàng Nhà nước ra thông báo tăng lãi suất cũng như nới rộng biên độ tỷ giá. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng cao, có ngân hàng lên 9,99%/năm; tỷ giá tiền đồng, tiền USD đạt mức kỷ lục. Mặt khác, rất nhiều mặt hàng nguyên liệu có khả năng tăng giá. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo mức lỗ kỷ lục và đang đề xuất điều chỉnh giá điện ngay trước thềm kỳ họp Quốc hội này. Việc tiếp tục tăng giá điện sẽ tác động tới các chỉ số giá tiêu dùng.

Đại biểu Nguyễn Phú Cường - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - cũng âu lo về mức tăng lạm phát vào cuối năm: “Hiện Việt Nam đang có nhiều chương trình, hoạt động kích cầu trong khi đường cung đứng yên. Nếu không có sự hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, thị trường sẽ gặp khó khăn. Cầu dịch chuyển, cung đứng yên thì giá tăng. Cuối năm nay, e rằng lạm phát cao hơn dự liệu của chúng ta”.

Giá cả leo thang sẽ là áp lực rất lớn tới đời sống của người lao động, trong đó có cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM - cho rằng, mức lương tối thiểu vùng đã tăng từ tháng 7/2022 nhưng với tốc độ trượt giá hiện nay, khoản thu nhập tăng thêm của người lao động không bù đắp được mức chi tiêu, đời sống của người lao động không được cải thiện. Trong khi đó, suốt hơn hai năm bị tác động của dịch COVID-19, hầu hết các khoản dự trữ đều đã dùng hết. Nhiều người lao động phải đi vay tín dụng đen.

Bà Diệu Thúy nêu thực trạng: “Công nhân không thể đi vay ngân hàng được. Họ không thể đi vay ở các ngân hàng với cái túi rỗng nên phải liều vay tín dụng đen. Đây đang là vấn đề nhức nhối ở các doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp cũng bị nhóm cho vay gọi điện thoại, đăng Facebook đòi nợ kiểu “khủng bố”. 

Đề nghị tăng lương từ đầu năm 2023

Với dự báo lạm phát có thể gia tăng dịp cuối năm, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy lo rằng, người lao động có thể có một cái tết chật vật. Bà dự báo ba diễn biến có thể xảy ra: chính sách lương, thưởng trong dịp tết tới không cao khiến quan hệ lao động thêm phức tạp; thu nhập không đủ trang trải cuộc sống có thể khiến người lao động rời bỏ thị trường cần nguồn lao động lớn, gây thiếu hụt nguồn nhân lực, đặc biệt là sau tết Nguyên đán; các ngành, các cấp, đoàn thể khó vận động nguồn tài chính để chăm lo thêm cho người lao động.

Bà đề nghị, đối với khu vực ngoài nhà nước, cần có cách tính lương tối thiểu vùng sát thực tế hơn. Hiện nay, tiền lương tối thiểu vùng rất thấp. Ví dụ, mức tiền thuê nhà trong cơ cấu tiền lương chỉ được tính vài trăm ngàn đồng, trong khi thực tế, giá phòng trọ rất cao. Bà cho rằng, thu nhập tối thiểu phải bảo đảm cho người lao động sống được theo từng vùng. Bà đề xuất, cần xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu để áp dụng với từng khu vực và từng đối tượng.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Kim Yến (TPHCM) cho rằng, hiện nay, định kỳ, hội đồng tiền lương sẽ ngồi họp để phân tích tình hình phát triển kinh tế, xã hội để định ra mức tiền lương tối thiểu vùng. Trong quá trình thực hiện, nhiều người lao động xót xa vì thấy giá trị sức lao động của họ bị định giá như bó rau. Bên bảo vệ người lao động muốn lương cao hơn nhưng giới chủ lại muốn thấp hơn nên “trả giá” với nhau. Với quy định hiện hành, người sử dụng lao động cũng không chủ động được vốn và kinh phí của mình. Do đó, bà mong sẽ có Luật Tiền lương tối thiểu để khắc phục các bất cập.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cũng nêu hiện tượng hàng loạt lao động rời khỏi khu vực nhà nước trong thời gian qua do áp lực thực thi công vụ lớn hơn nhiều so với khoản thu nhập. Các quy định chồng chéo khiến cán bộ, công chức khó làm việc, thậm chí áp dụng sai, hiểu sai quy định dẫn tới vi phạm, bị xử lý. 

Do đó, nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức của Chính phủ nhưng bà Diệu Thúy đề nghị sớm thực hiện việc này; thay vì áp dụng từ ngày 1/7/2023 thì áp dụng ngay từ tháng 1/2023 nhằm bù đắp trượt giá.

Bà Diệu Thúy cũng đề xuất, cần có các chính sách hỗ trợ về thu nhập cho cán bộ, công chức: “Một số cán bộ, công chức có mức lương cơ bản ban đầu nằm trong chuẩn nghèo của TP.HCM. Nên có sự hỗ trợ cho các đối tượng này”. 

Không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá trong dịp tết

Theo báo cáo của Bộ Công thương, trong những tháng cuối năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuy đã phục hồi nhưng sẽ còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao… Trong khi đó, chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao cho kinh tế trong nước. Đồng USD tăng sẽ tác động bất lợi đến nhập khẩu do hiện nay nước ta nhập khẩu nhiều nguyên vật liệu để phục vụ cho xuất khẩu. Chuỗi cung ứng vẫn có nguy cơ gián đoạn, đặc biệt cung ứng nguyên nhiên vật liệu; giá nhiều loại hàng hóa, dịch vụ mặc dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao…

Với tình hình trên, một trong những giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong những tháng cuối năm 2022, là đẩy mạnh khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước. Trong đó, cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường hàng hóa để chủ động các giải pháp nhằm kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế. Đối với các địa phương cần theo dõi chặt chẽ giá cả hàng hóa trên địa bàn để có các biện pháp bình ổn giá cả, cung cầu, tập trung cho các chương trình kích cầu tiêu dùng, đặc biệt trong những dịp lễ Noel, tết sắp tới. 

Về bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, tết để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các địa phương chủ động xây dựng phương án dự trữ hàng hóa, triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người dân trong những tháng cuối năm và dịp cao điểm Tết Nguyên đán.

Gần 40.000 công chức, viên chức nghỉ việc

Trong buổi thảo luận tổ của Quốc hội hôm 22/10, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số công chức, viên chức ở 63 tỉnh, thành và các bộ, ngành nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chủ yếu là viên chức (35.523 người).

Số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu thuộc hai ngành giáo dục và y tế. Trong khoảng thời gian trên, có 16.427 người trong ngành giáo dục và 12.198 người trong ngành y tế xin thôi việc.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà lưu ý, tuy số liệu này là của hai năm rưỡi nhưng thực tế, số công chức, viên chức nghỉ việc tập trung vào sáu tháng cuối năm 2021 và sáu tháng đầu năm 2022. Số nghỉ việc tập trung ở các tỉnh, thành có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển, đặc biệt là các nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất lớn như TP.HCM, TP.Hà Nội, TP.Cần Thơ, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá, việc tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng có thể tạo ra được động lực mới, giảm hiện tượng công chức, viên chức xin thôi việc.

Minh Quang

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI