Lãi suất cho vay có thể giảm thêm từ 1-2%

19/02/2014 - 22:48

PNO - Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm.

edf40wrjww2tblPage:Content

Lai suat cho vay co the giam them tu 1-2%
Nếu điều kiện thuận lợi, lãi suất cho vay có thể giảm thêm từ 1-2%. (Ảnh: Trần Việt/ TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm.

Bà Hồng phân tích, thời gian qua, ngành ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp lãi suất, tín dụng để giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân. Đến nay, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức 7-9%/năm; lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác ở mức 9-11,5%/năm, trong đó, một số doanh nghiệp tốt được ngân hàng cho vay với lãi suất chỉ từ 6,5-7%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay như hiện nay đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 và chỉ bằng 50% mức lãi suất vào nửa cuối năm 2011. Xét về tương quan, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay hiện nay là phù hợp với diễn biến và kỳ vọng lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích của ngân hàng, người vay và người gửi tiền.

"Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất có thể giảm thêm. Việc các tổ chức tín dụng có tiếp tục giảm được lãi suất cho vay nữa hay không còn phụ thuộc vào giá vốn, tình hình tài chính của từng ngân hàng cũng như mức độ rủi ro đối với từng khách hàng. Chúng tôi cho rằng, nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm," bà Hồng nhấn mạnh.

Đối với lãi suất huy động, theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, với mục tiêu lạm phát được kiềm chế dưới 7%, trần lãi suất tiền gửi VND dưới 6 tháng là 7%/năm như hiện nay là phù hợp với kỳ vọng lạm phát, đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.

Mặc dù có trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng trong phạm vi này, các tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với khách hàng ấn định lãi suất thấp hơn, phù hợp với cân đối vốn, giá vốn, cũng như chiến lược kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận của từng ngân hàng.

Trên thực tế, một số ngân hàng đã giảm lãi suất huy động, như ACB, từ ngày 15/2 đã giảm lãi suất thêm 0,3% xuống còn 6,5%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng; 6,6%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng.

Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, năm 2014, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ các tổ chức tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp để góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh…

Song song với các giải pháp về tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng dành lượng tiền cung ứng để tái cấp vốn hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ quá trình xử lý nợ xấu, vốn phục vụ tín dụng nông nghiệp nông thôn./.

Theo THÚY HÀ (VIETNAM+)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI