Lại khốn khổ với kẹt xe

09/09/2022 - 06:29

PNO - Không chỉ ở những nơi có trường học, tình trạng kẹt xe còn xảy ra trên nhiều tuyến đường lớn ở khu vực trung tâm TPHCM khiến người dân mỏi mệt mỗi khi ra đường.

Đi 8km mất hai tiếng đồng hồ

Theo phản ánh của người dân, khoảng từ đầu tháng 9/2022 đến nay tình trạng kẹt xe tại nhiều tuyến đường ở TPHCM diễn biến phức tạp, bất thường. Chị Hồng Nhung (ngụ Q.3) cho biết trong chiều 8/9, chị đi từ đường Điện Biên Phủ (Q.3) đến ngã tư Phú Nhuận và quay lại nhưng mất đến hơn hai tiếng đồng hồ cho đoạn đường chỉ khoảng 8km.

Tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn ngang qua Trường tiểu học Lương Định Của (P.4, Q.3, TP.HCM) vào giờ học sinh tan trường, chiều 7/9 ẢNH: MINH AN
Tình trạng ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn ngang qua Trường tiểu học Lương Định Của (P.4, Q.3, TPHCM) vào giờ học sinh tan trường, chiều 7/9 - Ảnh: Minh An

Thời điểm này, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Huỳnh Văn Bánh lượng xe cộ cũng ùn ứ kéo dài không rõ nguyên nhân. Điều đáng nói là tình trạng ùn tắc tại các trục đường lớn ở trung tâm thành phố như Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai… không chỉ xảy ra vào giờ cao điểm như trước mà ùn ứ xảy ra ở nhiều khung giờ khác trong ngày.

Theo ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải - nguyên nhân là do sau thời gian dịch bệnh kéo dài, hiện nay các hoạt động đi lại, kinh doanh dịch vụ của người dân thành phố đều được khôi phục như trước. Trong khi đó, lượng xe cá nhân của thành phố tăng cao, đặc biệt là ô tô cá nhân.

“Hiện nay, trung bình mỗi ngày, TPHCM tăng thêm 112 ô tô và 590 xe máy. Cộng với tình hình mưa gió ở một số thời điểm, đồng thời gần 1,7 triệu học sinh thành phố bắt đầu năm học mới đã gia tăng áp lực giao thông lên các trục đường của thành phố, đặc biệt là các đường xung quanh những khu vực có trường học”, ông Phan Công Bằng lý giải.

Nỗi ám ảnh trước cổng trường 

Trường THCS Tô Ngọc Vân (Q.12) mới được khánh thành hơn một tuần nhưng đã thành điểm nóng về kẹt xe. Hầu như sáng nào, đoạn đường trước cổng trường này cũng ùn tắc giao thông gần một giờ. Do các hẻm từ đường Hà Huy Giáp rẽ vào trường quá nhỏ nên phụ huynh rất khổ sở mỗi khi đưa con đến trường. 

Cảnh kẹt xe triền miên ở đường Hà Huy Giáp, đoạn gần Trường THCS Thạnh Xuân (P.Thạnh Xuân, Q.12)  - ẢNH: HOÀNG NHIÊN
Cảnh kẹt xe triền miên ở đường Hà Huy Giáp, đoạn gần Trường THCS Thạnh Xuân (P.Thạnh Xuân, Q.12) - ẢNH: Hoàng Nhiên

Anh Trần Minh Trung - có con học ở trường này - ngao ngán: “Từ ngày khai giảng, sáng nào tôi cũng kẹt xe khi đưa con vào trường, sau đó lại tiếp tục kẹt xe khi từ cổng trường chạy về. Học sinh thì trễ giờ học, phụ huynh cũng trễ giờ làm”.

Ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Q.12 - cho biết, sẽ đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường điều tiết giao thông quanh cổng Trường THCS Tô Ngọc Vân, đồng thời yêu cầu nhà trường bố trí lệch giờ tan trường, phân luồng học sinh vào ra các cổng cho hợp lý.

Tại Trường tiểu học Lương Định Của (P.4, Q.3), vào giờ học sinh đến lớp hay tan học, giao thông đều hỗn loạn. Nhiều phụ huynh đi bộ vào nhưng cũng mất nhiều thời gian để dẫn chen qua đám xe cộ chật cứng. Trên đường Thích Quảng Đức (P.5, Q.Phú Nhuận), cảnh kẹt xe thường xuyên diễn ra từ 16g30, đoạn qua cổng Trường THCS Độc Lập. Phụ huynh đậu xe ngay giữa lòng đường chờ đón con, học sinh phải băng qua đường giữa dòng xe cộ đông đúc. Dù có hai dân quân tự vệ tích cực điều tiết giao thông nhưng việc di chuyển qua đoạn đường này vẫn hết sức khó khăn. 

Tình trạng kẹt xe trước cổng Trường THCS Trần Quốc Toản (TP.Thủ Đức) vào giờ tan học còn nghiêm trọng hơn. Cổng trường nằm sát mặt tiền đường Lê Văn Việt, không có khoảng lùi, phần vỉa hè phía trước lại nhỏ hẹp và dốc nên phần lớn phụ huynh dừng xe máy nhiều lớp từ lề đường ra lòng đường. Những phụ huynh đi ô tô cũng đậu xe la liệt hàng hai, hàng ba trên đường, choán gần hết phần đường lưu thông. 

Bà Trịnh Thị Bích Hằng - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản - thừa nhận, tình trạng kẹt xe đã diễn ra từ nhiều năm qua: “Cứ đến giờ tan học, lực lượng đoàn viên, giáo viên của trường đều tham gia điều tiết giao thông. Đích thân thầy hiệu phó còn ra đề nghị phụ huynh đậu xe gọn lại.

Trường có khoảng 2.000 học sinh và đã chia giờ tan học thành hai đợt, 16g và 16g40 để tránh tập trung quá đông người cùng lúc. Nhưng nhiều phụ huynh không đón con đúng giờ nên học sinh tan học sớm hơn vẫn phải nán lại trường chờ cha mẹ. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị công an hỗ trợ chấn chỉnh trật tự giao thông trước cổng trường vào giờ tan học”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu (Q.Gò Vấp) - cho biết, với sĩ số 3.000 học sinh, trường chia giờ tan học thành ba đợt, mở ba cổng cùng lúc để giảm tình trạng kẹt xe.

Ở Q.Gò Vấp, tình trạng kẹt xe trước cổng trường cũng rất nghiêm trọng do nhiều trường nằm gần nhau trên cùng một đoạn đường. Chẳng hạn, Trường THCS Trường Sơn, Trường mầm non Hồng Nhung, Nhà trẻ Sao Mai, Trường đại học Công nghiệp TPHCM cùng nằm trên đoạn đường ngắn Nguyễn Văn Bảo; Trường tiểu học Lê Văn Thọ, Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Trường tiểu học Lê Hoàn cùng nằm trên con đường Lê Văn Thọ nhỏ hẹp. 

Giao thông hỗn loạn trước cổng Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) - ẢNH: MINH AN
Giao thông hỗn loạn trước cổng Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) - Ảnh: Minh An

Giữ trật tự, tăng điều tiết giao thông

Theo ông Dương Trí Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - ngành giáo dục luôn quan tâm việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, mỹ quan cho khu vực trước cổng trường. Sở đã ký kết quy chế phối hợp với Công an TPHCM, trong đó có nội dung đảm bảo an toàn giao thông, chấn chỉnh trật tự trước cổng trường. Các trường còn đẩy mạnh công tác giáo dục cho học sinh, tuyên truyền cho phụ huynh về trật tự giao thông, an toàn giao thông. Sở cũng yêu cầu các trường bố trí chỗ đậu xe hợp lý cho phụ huynh, bố trí nhiều cổng ra vào cho học sinh, chia ca tan trường phù hợp để tránh kẹt xe. 

Ông Dương Trí Dũng cho rằng, chỉ mình ngành giáo dục thì không thể giải quyết được tình trạng kẹt xe trước cổng trường mà cần có sự phối hợp của chính quyền địa phương, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông. Về phần mình, sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương, sở, ngành liên quan để chấn chỉnh tình trạng này.

Ông nói: “Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với ngành giao thông để tổ chức xe đưa đón học sinh, ưu đãi giá vé để khuyến khích học sinh đi xe công cộng. Điều này góp phần giảm áp lực giao thông, giảm ùn ứ xe riêng trước cổng trường, xây dựng văn hóa giao thông công cộng cho học sinh”.

Ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc - Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TPHCM - cho rằng, có tình trạng kẹt xe nghiêm trọng trước cổng các trường vào đầu năm học mới là do ban giám hiệu các trường chưa kịp điều chỉnh khung giờ tan học phù hợp; phụ huynh các khối mầm non, tiểu học có tâm lý lo lắng nên thường nán lại xem con học thế nào. Tình trạng này sẽ dần được cải thiện khi học sinh đã quen với trường, lớp và các trường có phương án phân luồng, điều tiết phù hợp với thực tế.

Theo ông, đầu năm học, lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông đều có kế hoạch ra quân để đảm bảo an toàn giao thông. Đối với các điểm nóng, lực lượng chức năng cũng có kế hoạch điều tiết, không để ùn tắc kéo dài trước cổng trường. Sở Giao thông Vận tải cũng có kế hoạch phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền, vận động học sinh từ cấp THCS trở lên đi học bằng xe buýt. 

Ban An toàn giao thông yêu cầu các đơn vị tổ chức đưa đón học sinh phải đảm bảo an toàn phương tiện, không được sử dụng xe quá niên hạn. Tuy vậy, chỉ một số trường quốc tế tổ chức xe đưa đón học sinh hiệu quả, còn lại vẫn chưa hiệu quả do đa phần phụ huynh ngại cho con đi xe buýt hay xe đưa đón của trường. 

Năm học trước, Ban An toàn giao thông TPHCM đã triển khai thí điểm dự án “Thảm vàng an toàn” ở Trường tiểu học An Hội (Q.Gò Vấp) để đảm bảo trật tự trước cổng trường. Cụ thể, khu vực cổng trường được sơn thảm màu vàng bằng sơn chống lóa, chống trơn nhằm báo hiệu từ xa cho các phương tiện. Thảm này cũng là nơi học sinh tập trung để qua đường. Lề đường trước cổng trường được cắm biển báo cấm dừng đỗ, biển báo khu vực trường học, bố trí nơi để phụ huynh đậu xe đón con, có hàng rào ngăn cách lòng đường và vỉa hè.

Tuy nhiên, dự án này bị gián đoạn do dịch bệnh. Sắp tới, ban sẽ đánh giá lại hiệu quả để cân nhắc có tiếp tục mở rộng dự án hay không. 

Đảm bảo trật tự giao thông giờ vào lớp, tan lớp

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM cho biết, sau ngày học sinh tựu trường, tình hình giao thông diễn biến phức tạp. Sự gia tăng phương tiện giao thông vào đầu buổi sáng và cuối buổi chiều đã gây ùn ứ giao thông ở các cổng trường. Nguy cơ tai nạn giao thông cũng tăng do một số phụ huynh, học sinh, sinh viên chưa tuân thủ quy định pháp luật khi lái xe.

Hiện PC08 đang thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhằm ổn định trật tự, an toàn giao thông, hạn chế số vụ tai nạn giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng các trường học. Cảnh sát giao thông đang phối hợp công an cấp xã, chính quyền địa phương và các lực lượng khác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông quanh các cổng trường, tập trung vào các khung giờ vào lớp, tan lớp, không để xảy ra tình trạng dừng xe, đậu xe lấn chiếm lòng đường.

Sơn Vinh

  Phương Thanh

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu