Các điểm kẹt xe “kinh điển” ở TPHCM bao giờ thông thoáng?

06/05/2022 - 06:32

PNO - Ở các cửa ngõ kết nối TPHCM với các tỉnh, đường bị hẹp đột ngột như cổ chai khiến dòng xe cộ đang thông bỗng ùn lại. Vào các dịp lễ, tết, tình trạng kẹt xe ở những nơi này càng trầm trọng hơn.

Cửa ngõ Đông - Tây quá tải, đường ra vào sân bay cũng kẹt

Ở cửa ngõ phía tây TPHCM, xe cộ đi về các tỉnh miền Tây Nam bộ đều đi qua vòng xoay cầu vượt Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) để rẽ vào đường cao tốc TPHCM - Trung Lương hoặc đi tiếp theo hướng Quốc lộ 1A. Tại đây, mỗi ngày có hàng chục ngàn xe qua lại, nhưng mặt đường của Quốc lộ 1A lại quá hẹp, khiến xe cộ thường xuyên ùn ứ, có khi kẹt cứng nhiều giờ. Trong khi đó, Quốc lộ 50 nối TPHCM với các tỉnh Long An, Tiền Giang cũng bị “thắt cổ chai” ở đoạn qua H.Bình Chánh nên cũng thường bị kẹt xe. 

Ở cửa ngõ phía đông, Quốc lộ 13 nối TPHCM với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước có lưu lượng xe cộ rất lớn nhưng mặt đường ở địa phận TPHCM chỉ có bốn làn xe. Trong khi đó, đoạn Quốc lộ 13 qua tỉnh Bình Dương đã được mở rộng ra sáu làn xe và tiếp tục được nâng lên tám làn. Xa lộ Hà Nội nối TPHCM với các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng thường xảy ra kẹt xe do lưu lượng xe cộ đông đúc.

Đường Trần Quốc Hoàn (Q.Tân Bình) gần sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt xe - ẢNH: PHƯƠNG NGUYÊN
Đường Trần Quốc Hoàn (Q.Tân Bình) gần sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên kẹt xe - Ảnh: Phương Nguyên

Dịp lễ 30/4 vừa qua, có 100.000 lượt khách đến và đi qua sân bay Tân Sơn Nhất. Các tuyến đường quanh sân bay (Cộng Hòa, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Trần Quốc Hoàn, Phan Thúc Duyện, Trường Sơn, Út Tịch, Nguyễn Văn Trỗi) luôn trong tình trạng đông xe, xe nhích từng bước.

Tình trạng ùn ứ xe cộ ở khu vực này không chỉ xảy ra trong dịp lễ, tết. Trong tháng 4 vừa qua, có ít nhất ba đợt kẹt xe kéo dài nhiều giờ trên các tuyến đường xung quanh sân bay vào các ngày 14/4, 23/4 và 29/4. Vào các giờ cao điểm, ngày cuối tuần, xe ra vào sân bay cộng với xe của người dân trong khu vực và xe từ hai đầu thành phố “quá cảnh” khiến mật độ lưu thông dày đặc, chỉ cần một sự cố nhỏ hoặc trời mưa là kẹt xe trầm trọng.

Theo ông Phan Công Bằng - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - công suất phục vụ của sân bay là hơn 40 triệu lượt người/năm, vượt gần gấp đôi so với quy hoạch. Tần suất chuyến bay tăng cao kéo theo lưu lượng phương tiện giao thông đi, đến sân bay tăng đột biến. Đồng thời, do sân bay nằm trên các trục giao thông chính kết nối khu vực ngoại vi vào trung tâm thành phố (các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, các quận 12, Tân Phú, Gò Vấp, TP.Thủ Đức) nên vào giờ cao điểm, phần lớn phương tiện lưu thông trên đường Trường Sơn không ra vào sân bay mà chỉ “mượn đường” để đi qua. Số lượt xe “mượn đường” chiếm trên 80% số lượt xe lưu thông trong khu vực này vào giờ cao điểm. Bao quanh sân bay là các khu dân cư nên lưu lượng xe nội bộ cũng rất lớn, càng khiến ùn tắc giao thông ở đây thêm nghiêm trọng.

Hiện nay, sân bay đang dần phục hồi lại công suất sau thời gian dịch bệnh, đồng thời vừa đưa vào hoạt động đường băng thứ hai nên lượng khách không ngừng tăng. Dự kiến, áp lực giao thông ở khu vực này sẽ còn căng thẳng hơn khi nhà ga T3 được xây dựng nhằm nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu lượt khách/năm.

Chờ các dự án mở đường

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM - cho biết, từ nay đến năm 2025, ban sẽ cho triển khai hàng loạt công trình trọng điểm nhằm khơi thông các cửa ngõ và kết nối liên vùng. Tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, có dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Q.Tân Bình) với tổng đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, nhằm kết nối nhà ga T3 trong tương lai. Dọc tuyến, có hai hầm chui ở nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.

Ở cửa ngõ phía đông, dự án nút giao An Phú (TP.Thủ Đức) được dự kiến sẽ khởi công trong năm nay, với vốn đầu tư gần 3.800 tỷ đồng. Nút giao sẽ được xây ba tầng gồm hầm chui và hai cầu vượt trên cao, giúp giảm ùn tắc cho khu vực cửa ngõ phía đông và tăng hiệu quả khai thác cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây khi sân bay Long Thành được hoàn thành trong tương lai.

Phối cảnh dự án nút giao An Phú (TP.Thủ Đức). Khi hoàn thành, nút giao này sẽ giải quyết kẹt xe cho khu vực rộng lớn ở cửa ngõ phía đông TP.HCM - ẢNH: PHƯƠNG NGUYÊN
Phối cảnh dự án nút giao An Phú (TP.Thủ Đức). Khi hoàn thành, nút giao này sẽ giải quyết kẹt xe cho khu vực rộng lớn ở cửa ngõ phía đông TPHCM - Ảnh: Phương Nguyên

Ở hướng đi các tỉnh miền Tây, dự án mở rộng Quốc lộ 50 đoạn qua H.Bình Chánh cũng vừa được phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2025 sẽ tháo nút “cổ chai” ở cửa ngõ phía tây, phân tán bớt lượng xe cộ lưu thông trên Quốc lộ 1A.

Tuy nhiên, theo Sở Giao thông Vận tải, hai nút “cổ chai” là Quốc lộ 13 và Quốc lộ 1A thuộc địa phận TPHCM vẫn chưa thể cân đối được nguồn vốn trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, dự án mở rộng Quốc lộ 13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu vượt Bình Phước (TP.Thủ Đức) đã được lập từ năm 2002, khi vốn đầu tư chỉ hơn 4.000 tỷ đồng, nay vốn dự toán đã lên gần 10.000 tỷ đồng (riêng chi phí giải phóng mặt bằng gần 8.200 tỷ đồng). Quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận (H.Bình Chánh) dài 2,5km sẽ được mở rộng lên 120m, tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. 

Cần giải pháp “phi công trình”

Trong khi chờ các dự án mở rộng đường, ngành chức năng đã thành lập hai tổ phản ứng nhanh để giải quyết nạn kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái. Các tổ phản ứng nhanh này đã phối hợp với trung tâm điều khiển giao thông thông minh xử lý kịp thời các sự cố giao thông, hạn chế tình trạng kẹt xe dây chuyền.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM) cho rằng, để hạn chế kẹt xe ở khu vực sân bay, cần phân luồng hợp lý để giảm lượng xe “mượn đường”. Đối với các tuyến đường ra vào thành phố, bên cạnh việc mở rộng đường, xây nút giao khác có cầu vượt và hầm chui, các ngành chức năng cần làm tốt giải pháp “phi công trình” như điều tiết giao thông, có hệ thống cảnh báo sớm cho người dân để họ chủ động thay đổi lộ trình, điều chỉnh thời gian đi lại cho phù hợp.

Theo ông, sự phát triển không cân đối giữa các địa phương là một nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải ở các cửa ngõ của TPHCM. Do TPHCM là “siêu đô thị” thu hút đông đảo lực lượng lao động ở các địa phương đổ về nên mỗi dịp lễ, tết, cuối tuần, người dân lại ùn ùn di chuyển khỏi thành phố và sau đó lại ùn ùn quay trở lại. Do đó, nếu chỉ mở rộng đường là chưa đủ, mà phải hướng tới các chính sách lâu dài, căn cơ để phát triển cân đối các địa phương, hình thành các khu đô thị vệ tinh, phân bố dân cư, việc làm hợp lý.

Minh Linh

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI