Kyo York: không muốn mình là “chú vẹt biết hát”

23/08/2013 - 13:05

PNO - PNCN - Xuất thân là một kỹ sư phần cứng máy tính từng làm việc tại hãng máy tính hàng đầu thế giới Apple, cuối năm 2009, Kyo York đến Việt Nam qua dự án dạy tiếng Anh miễn phí của đại học Princeton tại Hậu Giang.

Và “duyên” đã đến với chàng trai quốc tịch Hoa Kỳ này khi anh chọn cho mình con đường để nổi bật trước mọi người bằng hình ảnh “chàng trai Tây hát tiếng Việt”. Kyo York bắt đầu con đường ca hát không thuận lợi lắm, nhưng anh luôn tự nhủ với lòng “đừng để mọi người nhớ tới chỉ là một ông Tây cao ráo đẹp trai, cầm mic nói giỏi tiếng Việt”.

Sau ba năm quyết tâm với tinh thần “không có việc gì khó”, giờ đây khi gõ từ khóa “Kyo York” trên internet, Google sẽ cho ra hơn tám triệu kết quả chỉ sau 0,13 giây. Con số đã minh chứng cho một thực tế, chàng trai này đang đốt nóng dư luận từ Nam chí Bắc. Anh đã có cuộc trò chuyện chân tình với PNCN ngay trong giờ giải lao tại rừng cao su Lộc An - Đồng Nai khi tham gia vai nam chính trong bộ phim Cây nước mắt của hãng phim Cửu Long.

Kyo York: khong muon minh la “chu vet biet hat”

TÔI LUÔN NGHIÊM TÚC VỚI NGHỀ

* Tiếng Việt phong phú, đa dạng, ca từ trong âm nhạc Việt thường mang tính ẩn dụ, ước lệ rất khó hiểu, khó hát, nhưng anh đã làm cho nhiều người bất ngờ khi cất tiếng ca, anh làm nên điều kỳ diệu đó như thế nào?

- Không thể giải thích được, nhưng tôi thích nhiều ca khúc trữ tình Việt Nam, đặc biệt là những sáng tác của các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Đặng Thế Phong, Ngô Thụy Miên… Khi quyết định trở thành ca sĩ, tôi không muốn mình là một “chú vẹt biết hát” mà tôi sẽ hát từ trái tim. Trái tim chỉ thực sự rung động và làm cho mọi người cảm theo khi mình thực sự hiểu rõ ca từ và ý đồ của tác giả. Kết thúc dự án dạy học ở miền Tây và quyết định ở lại Việt Nam, tôi may mắn có nhiều bạn bè, anh chị nghệ sĩ giúp đỡ khi thấy tôi muốn thành ca sĩ. Tiếng Việt quả khó học. Vì thế tôi phải học lời bài hát rất kỹ. Nếu không hiểu từ gì, nghĩa từ nào, tôi luôn nhờ họ phân tích và học hỏi từ họ. Chính vì vậy, trong thời gian quyết tâm rất ngắn, tôi đã nghe được nhiều nhận xét rằng, Kyo là một ca sĩ nước ngoài thành công khi hát nhạc Việt. Tôi rất tự hào về điều này.

* MV Hello Việt Nam! Hello Hạ Long hay mới nhất là MV Quê bác Ba Phi rất gần gũi và dễ thương. Hình ảnh trong MV đều là những cảnh sắc tươi đẹp về Việt Nam. Lý do anh đầu tư thực hiện những MV trên nên hiểu như thế nào cho đúng?

- Những MV trên nằm trong dự án “Nhật ký âm nhạc” của tôi. Trong quá trình lưu diễn tại nhiều vùng miền của đất nước Việt Nam, tôi thấy đất nước này quả thật xinh đẹp và rất đáng tự hào nên tôi muốn ghi lại hình ảnh đó kết hợp với âm nhạc như một món quà gửi tặng tất cả những ai yêu mến Việt Nam. Hơn nữa, “Nhật ký âm nhạc” ra đời cũng vì tôi muốn lưu giữ kỷ niệm đẹp của mình với Việt Nam. Nếu bạn đã xem video clip: Hello Hạ Long, Quê bác Ba Phi… bạn sẽ thấy được điều này. Đó là tình cảm chân thành tôi muốn gửi gắm đến đất nước mình đang gắn bó. Xong vai diễn trong bộ phim lịch sử Cây nước mắt, tôi dự định sẽ quay về thăm gia đình. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục hành trình “Nhật ký âm nhạc”, lần này không chỉ ca ngợi về cảnh đẹp Việt Nam mà tôi muốn mọi người tự hào về nghị lực sống của những người con ở những vùng đất chịu nhiều khắc nghiệt từ thiên nhiên, như miền Trung chẳng hạn.

* Thành công bằng con đường ca hát, nhưng có vẻ như chính làn sóng điện ảnh đang đưa Kyo York tiến gần hơn với người hâm mộ. Xuất phát sau nghiệp ca hát khá xa, con đường diễn xuất trước ống kính đến với anh ra sao?

- Nhiều người Việt biết đến tôi qua ca hát. Nhiều đạo diễn biết đến tôi có thể là một “chàng Tây hát và nói tiếng Việt rõ”. Họ đã chọn cho tôi vào những vai diễn phù hợp trong những kịch bản có yếu tố người nước ngoài. Từ nhỏ đã từng tham gia biểu diễn và học tập ở New York cũng là những lợi thế giúp tôi “tạo được bất ngờ” cho các đạo diễn khi vào vai. Tôi không nhận những vai diễn nhạt, chỉ là “ông Tây nói tiếng Việt”, nên vai diễn phù hợp tôi mới tham gia. Ca sĩ hay diễn viên việc nào cũng có khó khăn như nhau. Đóng phim, tôi phải bỏ nhiều thời gian học thuộc kịch bản, phân tích nhân vật và diễn xuất. Còn ca hát, dù chỉ biểu diễn năm, mười phút nhưng cũng phải bỏ ra không ít thời gian để tập luyện, tìm hiểu ý nghĩa từng câu từng chữ trong bài hát, đầu tư trang phục và âm nhạc... Tôi nghiêm túc với nghề, với công việc tôi làm.

* So với vai tổng giám đốc trong Váy hồng tầng 24 chỉ ngồi máy lạnh ghế đệm thì Paul trong Cây nước mắt, một bộ phim lịch sử cách mạng từ những năm 1940, với một chuỗi kịch bản lời thoại phức tạp cùng những phân đoạn hành động máu lửa dường như là thử thách không nhỏ với Kyo?

- Đây là phim lịch sử đầu tiên tôi tham gia, cũng có thể đây là vai nam chính dành cho người nước ngoài đầu tiên và tôi là người hân hạnh có được may mắn đó. Trước khi tham gia phim, tôi hình dung được những khó khăn về điều kiện làm phim lịch sử tại Việt Nam. Những phân đoạn cưỡi ngựa rất vất vả, vì đạo diễn và ê kíp muốn có những cảnh quay đẹp nên họ muốn tôi có những cảnh phi nước đại trong nhiều bối cảnh ở rừng cao su, mà những chú ngựa thì lúc nào cũng “khó chịu” nên nhiều lần hất tôi té ngã. Có hôm quay cảnh cưỡi ngựa từ sáng đến chiều tôi đã mệt và ói nhiều nhưng vẫn phải cố gắng hoàn thành cảnh quay. Trong phim còn có nhiều phân đoạn tôi bị đánh hội đồng, bị rắn cắn, bị gài bẫy té, bệnh tật... Tôi có chụp những hình ảnh đó và đưa cho gia đình bên Mỹ xem, họ đã rất lo lắng cho tôi. Nhưng tôi đã trấn an người thân vì đoàn làm phim đã hỗ trợ tôi rất nhiều.

Kyo York: khong muon minh la “chu vet biet hat” 

TÔI KHÔNG MUỐN CHÌM TRONG NỖI BUỒN

* Với những gì đã làm cho thấy anh là người con hiếu thảo, khi mọi chuyện lớn nhỏ anh đều báo cáo với gia đình?

- Gia đình tôi có ba anh em trai. Lúc nhỏ, chúng tôi rất nghịch và quậy nhưng lớn lên chúng tôi là những người trưởng thành và luôn nghĩ đến bố mẹ. Năm tôi 13 tuổi, bố mẹ tôi chia tay nhau, đó là nỗi buồn mà anh em chúng tôi khó chấp nhận. Nhưng bố mẹ chúng tôi là những người rất tuyệt vời, họ không để chuyện người lớn ảnh hưởng đến tuổi thơ của con cái. Dù chia tay nhưng bố mẹ tôi không bao giờ mang đến cảm giác thiếu thốn tình cảm cho ba anh em chúng tôi. Họ vẫn xem nhau như bạn, thay nhau chia sẻ với anh em chúng tôi dù chúng tôi đã lớn. Tuổi thơ của tôi cơ cực, tôi mê ca hát từ bé, tôi nhớ bố tôi rất vất vả, cuối tuần chở tôi một quãng đường xa để học thanh nhạc, bố luôn nhìn thấy trong đôi mắt tôi khát khao được hát. Nhưng rồi gia đình khó khăn, không điều kiện, tôi không thực hiện được ước mơ mình lúc đó. Tôi phải đi làm nhiều nghề: bán bánh, làm bánh, làm nhân viên kiểm soát vé… để phụ giúp gia đình. Tuổi thơ nhiều kỷ niệm đó đã giúp tôi trưởng thành hơn và lúc nào tôi cũng muốn bên cạnh họ.

* Bố mẹ chia tay, nhưng tình cảm của anh dành cho cả bố lẫn mẹ vẫn trọn vẹn, theo anh, một gia đình hạnh phúc phải như thế nào?

- Đó là một gia đình mà tất cả các thành viên hiểu nhau, sẵn sàng chia sẻ với nhau những niềm vui hay nỗi buồn. Riêng về vấn đề bình đẳng hay thứ bậc, hiện đại hay truyền thống trong nhà, tôi nghĩ cái nào cũng cần phải đúng giới hạn. Dĩ nhiên, xã hội nào thì con cái cũng phải tôn trọng cha mẹ ông bà, còn người lớn thì không quá định kiến với giới trẻ.

* Ai cũng có những nỗi buồn riêng, và tôi nghĩ Kyo không là ngoại lệ. Những lúc gặp phải chuyện không vui, anh “vượt lên chính mình” bằng cách nào?

- Tôi ít khi cho phép mình “chìm” trong nỗi buồn quá lâu. Tôi có nhiều công việc để quên đi nỗi buồn. Thường âm nhạc là chìa khóa giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn. Khi hát một bài tình ca là lúc tôi được giải tỏa, chia sẻ nhiều nhất. Có một kỷ niệm, dịp Giáng sinh năm ngoái, tôi nhớ gia đình nhưng không về bên gia đình được nên khi đi hát ở các phòng trà tôi đã khóc khi hát ca khúc Một mình của Thanh Tùng, nhiều khán giả lớn tuổi đã đồng cảm và khóc theo. Buổi diễn đó tôi phải xin lỗi mọi người. Nhưng bù lại mọi người chia sẻ với tôi rất nhiều và nỗi buồn cũng đi qua. 

TÔI KHÔNG ĐÁNH ĐỔI GIÁ TRỊ BẰNG SCANDAL

* Ở Việt Nam có câu “nam vô tửu như kỳ vô phong”, tức là đàn ông mà không uống rượu giống như cờ treo mà không có gió, theo anh người đàn ông có bản lĩnh là người phải như thế nào?

- Tôi nghĩ, sở dĩ Việt Nam có quan niệm “đàn ông mà không uống rượu giống như cờ treo mà không gió” chỉ dành cho những trường hợp nói về chén rượu ý nghĩa, có tính chất tri kỷ, chia sẻ hoặc chung vui đại sự. Nếu chỉ dựa vào yếu tố uống rượu mà đánh giá về bản lĩnh đàn ông thì không phải là tiêu chí hay. Tôi e nhiều phụ nữ cũng không thích điều này. Mặc dù tôi là người uống rượu cũng... rất được (cười). Còn người đàn ông bản lĩnh ư? Đó là người có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Trách nhiệm như thế nào là tùy vào quan niệm của từng người, từng hoàn cảnh.

* Phương Tây thường thoáng hơn phương Đông, hiện ở Việt Nam có nhiều xu hướng nghiêng về phương Tây với quan niệm những gì thuộc về cá nhân cần được tôn trọng. Do vậy, gần đây, cộng đồng thường nhắc đến “sự kiện bà Tưng”, quan điểm của anh về điều này như thế nào?

- Tôi mới biết trường hợp này qua những bài báo gần đây. Ở Việt Nam, những clip dạng “nhạy cảm” như thế quả thật không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Còn nếu ở Mỹ, một “hot girl” có tung 100 video clip dạng như thế chắc cũng không được đơn vị truyền thông nào quan tâm. Bởi truyền thông Mỹ rất rõ ràng, một người không chuyên nghiệp “dù làm chiêu trò không liên quan gì đến nghệ thuật” thì cũng bị xem là amateur (không chuyên). Còn nếu đã là một nghệ sĩ thực thụ, đã từng cống hiến, dù có vướng scandal nhưng vẫn tiếp tục cống hiến với nghề sẽ vẫn được ghi nhận. Khán giả cũng vậy, họ ghi nhận và phê phán cũng rất rõ ràng. Chính vì vậy chúng ta mới thấy trường hợp của Lady Gaga, Lindsay Lohan, Britney Spears... họ là những ngôi sao có tài năng, cống hiến trước rồi nổi tiếng, sau đó sống đúng cá tính của mình, họ cũng thăng trầm và trách nhiệm với những gì mình làm. Tôi thấy ở Việt Nam bị “ngược lại một chút”. Trường hợp có những “hot girl” muốn thể hiện cá tính của mình và cho là “không ảnh hưởng đến ai” với điều kiện cô ấy không hoạt động nghệ thuật hay là người của công chúng sau này. Nếu muốn hoạt động nghệ thuật, tôi nghĩ các cô gái ấy nên xây dựng lại hình ảnh của mình để cho mọi người thấy được tài năng nếu thật sự họ có. Hiển nhiên tôi nghĩ “lệnh cấm” cũng sẽ không dành cho một “tài năng có tâm”.

* Anh nhắc đến từ scandal, và thực tế nhiều người trong giới showbiz chọn scandal là lối tắt để đánh bóng tên tuổi. Nhưng đôi lúc chính scandal lại làm ảnh hướng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của mình. Scandal với Kyo thì sao?

- Những gì tôi có được ngày hôm nay là do những nỗ lực và cố gắng không ngừng của bản thân, không ê kíp, công ty nào định hướng. Đó là công sức, là mồ hôi và cả nước mắt của tôi nữa. Chắc chắn tôi sẽ không đem những giá trị quý báu đó đổ vào scandal. Nghệ sĩ Việt Nam nỗ lực một thì tôi phải nỗ lực mười mới có thể bằng họ. Do đó tôi luôn ý thức, phải làm gì và đi đúng con đường nào để được công chúng đón nhận. Tôi từng có lời mời hợp tác từ các công ty biểu diễn, họ hứa giúp tôi phát triển thế này thế nọ, trong đó cũng có những định hướng phát triển bằng cách tạo hiệu ứng “scandal”, tôi thấy mình không phù hợp nên từ chối. Tôi cứ tiếp tục đi một mình, hoạt động tự do, được anh em nghệ sĩ Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, chỉ dạy từ từ là quá quý rồi. Vì nếu xét tuổi nghề hoạt động ở Việt Nam thì tôi còn quá trẻ. Tôi cũng hy vọng rằng sự nghiệp của tôi không phải vướng vào những scandal tiêu cực, tai tiếng. Nếu có, tôi chọn cách mà nhiều người đi trước đã làm nhưng rất hiệu quả: đó là im lặng và đừng biến mình thành miếng mồi ngon cho dư luận. Chỉ cần chia sẻ với người thân để họ hiểu mình là đủ.

* Xin cảm ơn anh.

Nguyễn Thiện - Khánh Chân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI