Những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn:

Ký ức con đường bến ngựa

01/01/2021 - 09:36

PNO - Ấy là đường Mã Lộ sau lưng chợ Tân Định. Tuy chỉ là một đoạn đường ngắn nhưng nó là chứng nhân của ngôi chợ trăm năm này.

Những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn

Những con đường trong lòng thành phố, ngỡ đã thân quen nhưng một lúc nào đó dừng lại quan sát, suy tư, tìm hiểu vẫn thấy còn bao điều chưa biết. Báo PNO sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc câu chuyện về những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn. Hẳn bạn sẽ thêm yêu những con đường mình vẫn đi qua mỗi ngày hoặc chợt thấy con đường quen thuộc bỗng đẹp hơn bởi chính những điều mộc mạc được hồi tưởng qua những ký ức của người đương thời.

- Con đường "nhiều tuổi" dễ bị gọi sai tên

- Có một con đường Hồng Bàng không phải là đại lộ

- Con đường có hàng me thơ mộng nhất Sài Gòn

- Khu phố của người độc thân ngày ấy, bây giờ ra sao?

- Con đường ngắn nhất, chỉ có một số nhà

Gọi là đường Mã Lộ vì như tên gọi của nó, nơi đây từng là đường dành cho xe ngựa từ Phú Nhuận, Gò Vấp hay các vùng lân cận đến chợ Tân Định. Con đường hơn 100m nằm sau lưng chợ Tân Định ngày trước nhộn nhịp xe ngựa và hàng gánh buôn thúng bán bưng.

Đường Mã Lộ ngày hôm nay nhìn từ Nguyễn Hữu Cầu từng là khu vực xe ngựa dừng chân, phía sau chính là xóm Mã Lộ trên ngày trước.
Đường Mã Lộ ngày hôm nay nhìn từ Nguyễn Hữu Cầu từng là khu vực xe ngựa dừng chân, phía sau chính là xóm Mã Lộ ngày trước.

Theo lời kể của dì Thuận (66 tuổi), Mã Lộ xưa là một vùng đất hoang vu, cỏ lau um tùm. Hàng gánh thập phương tề tựu, lập chợ rồi buôn bán ở khu vực này. Bắc, Trung, Nam, miền nào cũng có.

Ngày trước, Mã Lộ không có đèn đường, chỉ có ánh sáng le lói của những bóng đèn trái ớt trong chợ và duy nhất một bóng đèn đường ngay khúc cắt Nguyễn Văn Nghĩa và Mã Lộ.

Chợ Tân Định xưa nổi tiếng là chợ nhà giàu. Ngoài đủ thứ thượng vàng hạ cám của người Việt, chợ còn có một sạp bán vải nổi tiếng của một phụ nữ Miên với trang phục xà rông sặc sỡ.

Dưới ánh đèn đường, dì Thuận (66 tuổi) đang ôn lại những câu chuyện về Mã Lộ xưa
Dưới ánh đèn đường, dì Thuận (66 tuổi) đang ôn lại những câu chuyện về Mã Lộ xưa

Đầu đường Mã Lộ cắt Trần Văn Thạch (Nguyễn Hữu Cầu bây giờ) từng là khu vực của người Hoa ở chợ Tân Định, hay còn gọi là Mã Lộ xóm trên. Nơi đây có một lò mổ heo, được biết đến là một trong những lò mổ lớn nhất của vùng, cung cấp thịt cho cả khu Tân Định. Kế bên lò mổ là tiệm kiếng, đặc biệt bán đủ loại tranh kiếng và một tiệm nước đá.

Nhìn bên kia đường, tiếp lời dì Thuận, dì Sáu (56 tuổi) chỉ qua "hàng vàng" chợ Tân Định và kể lại theo lời ông bà đó là dãy phố của chú Hỏa. Trước đây, dãy phố này được cho thuê để mở các cửa hàng chè, tạp hóa. Nổi tiếng nhất lúc bấy giờ là tiệm trà Con Chuột mà bất kỳ dân Tân Định nào cũng biết. 

Dù mắt có vấn đề nhưng không đêm nào dì Sáu (56 tuổi) không cầm vé dò để xem từng con số
Dì Sáu (56 tuổi), người có khá nhiều ký ức về con đường Mã Lộ 

Kế dãy nhà chú Hỏa là dãy nhà của ông bà Phước Sanh. Chẳng ai biết gia đình này làm nghề gì nhưng vô cùng giàu có. Tuy đã hơn mấy mươi năm nhưng căn nhà ấy vẫn còn bề thế.

Từ Mã Lộ, qua bên kia Trần Văn Thạch còn có hẻm vựa gà, chuyên nuôi và bán gà (nay là hẻm 87 Nguyễn Hữu Cầu). Kế bên hẻm vựa gà là hẻm giải phú lính (nay là hẻm số 79 Nguyễn Hữu Cầu) là khu vực tập trung của sĩ quan, binh lính.

Có một con hẻm cũng nổi tiếng không kém nằm sau lưng đường Mã Lộ là hẻm Sáu Hộ. Theo lời dì Sáu, ông Sáu Hộ ngày ấy chuyên nắn tay, băng bó. Tiếng lành đồn xa, ông Sáu Hộ trở nên nổi tiếng vì tài nghệ của mình, nay là hẻm số 52 Nguyễn Hữu Cầu. Xóm trên Mã Lộ còn thuận đường đi sang Đinh Công Tráng, nơi có món bánh xèo nổi tiếng.

Căn nhà bề thế một thời của ông bà Phước Sanh hiện là những tiệm vàng trên đường Nguyễn Hữu Cầu
Căn nhà bề thế một thời của ông bà Phước Sanh hiện là những tiệm vàng trên đường Nguyễn Hữu Cầu

Hằng năm, cứ đến Giáng sinh, dân xóm Mã Lộ trên băng chợ ra Hai Bà Trưng để chơi chợ Noel. Dì Thuận cho rằng đây là một trong những chợ Noel đầu tiên của Sài Gòn. Chợ ngày ấy không có đèn điện hay các thiết bị điện tử như bây giờ. Trong ký ức của người đàn bà 66 tuổi, lồng đèn tre hay hoa giấy là những món đồ đầy ắp những kỷ niệm. Với dân xóm chợ Tân Định, có những lúc, Giáng sinh vui như tết.

Xóm dưới Mã Lộ bắt đầu từ đoạn cắt ngang của đường Nguyễn Văn Nghĩa từ trong chợ đến đầu giáp đường Bà Lê Chân. Cả dì Sáu, dì Thuận đều ngạc nhiên với cái tên đường Nguyễn Văn Nghĩa vì trong ký ức của họ, đó là con đường nhỏ để đi ra đường Hai Bà Trưng.

Dấu tích xưa của nhà xác thuộc Y Viện Tân Định
Dấu tích xưa của nhà xác thuộc Y Viện Tân Định

Đường Nguyễn Văn Nghĩa lúc trước chỉ có vài hộ dân. Góc đường Nguyễn Văn Nghĩa - Mã Lộ từng có một cây xoài với vô vàn câu chuyện tâm linh. Dịch ra phía ngoài cổng chợ cũng từng có hai cây dừa hiên ngang canh giữ.

Ngay ngã ba Nguyễn Văn Nghĩa - Mã Lộ có một bô rác từ thời Mỹ, rồi qua vài bước chân là nhà xác từ thời Pháp thuộc Y Viện Tân Định.

Đầu đường Mã Lộ - Bà Lê Chân là bảo sanh Đông Hà nổi tiếng một thời. Kế đó còn có nhà in Bùi Văn Tạ lúc nào cũng nườm nượp khách.

Vị trí Trung tâm Y tế dự phòng Quận 1 hiện nay chính là Bảo sanh Hà Đông Hà ngày trước
Vị trí Trung tâm Y tế dự phòng quận 1 hiện nay chính là Bảo sanh Đông Hà ngày trước

Ít ai biết được, tại xóm Mã Lộ dưới từng có một dãy nhà dành cho binh lính Đại Hàn (Hàn Quốc) và Phi Luật Tân (Philippine). Tuy khác nhau về ngôn ngữ và văn hóa nhưng theo lời hai dì, họ vẫn sống chan hòa với người dân nơi đây. Khu nhà này hiện nay vẫn còn, đó là số 42 Mã Lộ.

Địa chỉ số 42 Mã Lộ từng là nơi sinh sống của lính Đại Hàn, Phi Luật Tân
Địa chỉ số 42 Mã Lộ từng là nơi sinh sống của lính Đại Hàn, Phi Luật Tân

Kể chuyện Mã Lộ mà không nhắc đến Y Viện Tân Định là một thiếu sót. Đây từng là nhà thương lớn nhất của vùng. Lúc trước, y viện rộng rãi cất 1 lầu với phần sân to phía trước. Chính trên chu vi y viện ngày trước là Bệnh viện Quận 1 hiện nay. Dân xóm Mã Lộ vừa gần chợ, vừa gần nhà thương nên với họ, đất Mã Lộ đắc địa là thế.

Ban ngày, Mã Lộ tấp nập kẻ chợ, đêm đến xóm chợ Mã Lộ sinh hoạt rộn ràng. Dù nằm trong khu vực ngày càng tua tủa nhà cao tầng nhưng Mã Lộ vẫn là Mã Lộ, vẫn phảng phất khí chất của một con đường huyền thoại mang tên đường bến ngựa.

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI