Những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn:

Có một đường Hồng Bàng không phải là đại lộ

26/12/2020 - 17:58

PNO - Người Sài Gòn đã quá quen với đường Hồng Bàng (quận 5) nhưng có một con đường Hồng Bàng khác ở quận Bình Thạnh không phải ai cũng biết.

Những con đường "quen mà lạ" ở Sài Gòn

Những con đường trong lòng thành phố, ngỡ đã  thân quen nhưng một lúc nào đó dừng lại quan sát, suy tư, tìm hiểu vẫn thấy còn bao điều chưa biết. PNO sẽ lần lượt giới thiệu với bạn đọc câu chuyện về những con đường "quen mà lạ" Sài Gòn. Hẳn bạn sẽ thêm yêu những con đường mình vẫn đi qua mỗi ngày hoặc chợt thấy con đường quen thuộc bỗng đẹp hơn bởi chính những điều mộc mạc.

- Con đường có hàng me thơ mộng nhất Sài Gòn

- Khu phố có người độc thân ngày ấy, bây giờ ra sao?

- Con đường ngắn nhất, chỉ có một số nhà

Nằm giữa chợ Bà Chiểu và lăng Tả quân Lê Văn Duyệt, dài chưa đến 100m, đường Hồng Bàng là một trong những con đường xưa nhất của khu vực lăng Ông, Bà Chiểu. Đặc biệt, các ngôi nhà trên đường Hồng Bàng đều là số lẻ. Trong khi đó, đường Diên Hồng nằm vuông góc với đường Hồng Bàng  lại là số nhà chẵn.

Theo lời các tiểu thương lâu năm trong chợ, ngày trước, chợ Bà Chiểu còn những sạp hàng gỗ, kéo dài từ đầu bên kia Hồng Bàng giáp lăng Ông cho tới bên này chợ Bà Chiểu. Các sạp hàng bày biện đủ thứ thượng vàng hạ cám mọi nơi mang đến.

Chợ ngày ấy tuy nghèo nhưng vui. Người buôn thúng bán bưng nhưng tình nghĩa son sắt, chẳng ai mếch lòng nhau. Chợ quê nên mọi người bán theo mớ, theo chục chứ không bán cân, bán ký như bây giờ.

Dãy nhà hiện tại trên đường Hồng Bàng
Đường Hồng Bàng dài chưa đến 100m và chỉ có một dãy số nhà

Sinh ra và lớn lên gần khu chợ sầm uất này, cô Châu (60 tuổi) cho rằng đất Bà Chiểu dễ sống vô cùng. Trong ký ức của cô, đường Hồng Bàng chỉ vỏn vẹn một đoạn ngắn nhưng nó là minh chứng cho sự phát triển của ngôi chợ danh tiếng này.

Cũng giống như hiện tại, ngày trước, đường Hồng Bàng là một dãy phố. Tuy nhiên, các căn nhà ngày xưa đều đồng bộ, chỉ cất 1 lầu. Dãy phố thấp, trước là sạp hàng gỗ. Dãy phố thuộc sở hữu của một ông chủ giàu có nhưng chẳng ai biết tên biết tuổi, đa số chủ tiệm là người Hoa.

Dãy phố Hồng Bàng từng được ví như một trung tâm thương mại thời bấy giờ. Ngay góc Diên Hồng - Hồng Bàng từng là tiệm chụp ảnh Ngọc Mỹ trứ danh,  nhưng nổi tiếng hơn cả là tiệm Việt Mỹ kế đó. Còn nói về ăn uống thì không thể không kể đến tiệm bánh Huỳnh Sáng và quán cà phê không tên nhưng không lúc nào ngơi khách.

Ai thích sửa soạn thì tiệm tóc Tân Hồng Công là một địa chỉ không thể bỏ qua trong khu vực này. Đặc biệt, kế tiệm uốn tóc ấy là phòng mạch của bác sĩ Phan Quang Đán, một bác sĩ nổi tiếng trước năm 1975 tại Sài Gòn.

Sống ở đây gần hơn 70 năm, với bác Chiêu (83 tuổi), trước hết, thế đất ở đây thoai thoải, đi đứng dễ. Từ Bà Chiểu, đi lên Tân Định, về Gò Vấp hay ra Hàng Xanh để về Thủ Đức đều rất mau lẹ.

Bác Chiêu (83 tuổi) tính đến nay đã bán cà phê ở chợ Bà Chiểu (góc Hồng Bàng - Diên Hồng) được 39 năm
Bác Chiêu (83 tuổi) tính đến nay đã bán cà phê ở chợ Bà Chiểu (góc Hồng Bàng - Diên Hồng) được 39 năm

Để miêu tả sự phồn vinh của khu chợ này, theo bác Chiêu, phải nhắc đến tiệm bán phụ tùng xe cộ Hữu Phước và dãy nhà bán vàng phía đường Diên Hồng.

Tiệm Hữu Phước là cửa hàng lớn nhất của dãy phố, luôn tấp nập người mua hàng. Trong khi đó, dãy nhà bán vàng một bên đường Diên Hồng được xem là một trong nhưng khu vực bán vàng lớn nhất Sài Gòn bấy giờ. Ngày thường khách đã đông, đến cuối tuần khách từ nhiều nơi lại  nườm nượp đổ về đây sắm vàng.

Khi ấy, đường sá còn rộng rãi, gian hàng sáng bán chiều dọn nên hầu như xe hơi đều có thể đi vào chợ.

Đứng ở đường Hồng Bàng, nhìn qua bên kia chợ Bà Chiểu, nổi bật nhất là căn nhà cổ từng là tiệm cầm đồ của ông Hứa Phước Mỹ, người Hoa
Đứng ở đường Hồng Bàng, nhìn qua bên kia chợ Bà Chiểu, nổi bật nhất là căn nhà cổ từng là tiệm cầm đồ của ông Hứa Phước Mỹ, người Hoa

Từng có lúc khu vực trước dãy phố Hồng Bàng được gọi là công trường Hồng Bàng. Ở khu vực này có một cây xăng nhỏ. Vì nằm ngay vị trí đắc địa về Gò Vấp, qua Tân Định, lên Phú Nhuận và ra Hàng Xanh nên lúc nào khách đổ xăng cũng đứng ra tận lề đường.

Mặt sau dãy phố Hồng Bàng từng có một con hẻm nhỏ, có cổng ra vào giáp chợ, nay là hẻm số 6 Diên Hồng
Mặt sau dãy phố Hồng Bàng từng có một con hẻm nhỏ, có cổng ra vào giáp chợ, nay là hẻm số 6 Diên Hồng

Tiệm giày Tự Lực cũng là một cửa hàng có tiếng trên dãy phố này. Góc Hồng Bàng đối diện lăng Ông từng là mấy tiệm chạp phô hầm bà lằng của người Hoa, cái gì cũng có và mua bao nhiêu cũng bán.

Dãy nhà hiện tại trên đường Hồng Bàng mang phong cách hiện đại là mới được xây lại sau năm 1975. Ngày trước chỉ có một mặt tiền nhưng nay đã cơi nới, có thêm một mặt đường phía sau.

Cô Châu (60 tuổi) sinh ra và lớn lên tại khu vực phía sau dãy nhà Hồng Bàng, kế chợ Bà Chiểu
Cô Châu (60 tuổi) sinh ra và lớn lên tại khu vực phía sau dãy nhà Hồng Bàng, kế chợ Bà Chiểu

39 năm bán cà phê ở góc đường Hồng Bàng - Diên Hồng, chứng kiến bao sự đổi thay của ngôi chợ, bác Chiêu cho rằng hiếm có nơi nào mà mọi thứ vẫn hoài cổ như chợ Bà Chiểu. Còn với cô Châu, tuy sống gần chợ nhưng trong chính ngôi nhà đá rửa đang sinh sống ấy, cô cho rằng không nơi nào yên bình như nơi này.

Sau năm 1975, dãy phố Diên Hồng giáp Hồng Bàng không còn nhiều cửa hàng bán vàng nữa, thay vào đó là các cửa tiệm
Sau năm 1975, dãy phố Diên Hồng giáp Hồng Bàng không còn nhiều cửa hàng bán vàng nữa, thay vào đó là các cửa tiệm kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau

Từ đường Hồng Bàng băng qua chợ là tới rạp Cao Đồng Hưng - sân khấu nghệ sĩ Thanh Nga có xuất diễn cuối cùng. Còn băng qua lăng Ông là tới Trường vẽ Gia Định, một trong những ngôi trường cổ xưa nhất của Sài Gòn, nay là Trường ĐH Mỹ thuật TPHCM.

Rạp Cao Đồng Hưng ngày trước nay là nhà sách (đã đóng cửa), theo lời bác Chiêu, nơi này từng là một trại gian thời Pháp
Rạp Cao Đồng Hưng ngày trước là nhà sách (đã đóng cửa), theo lời bác Chiêu, nơi này từng là một trại giam thời Pháp

Nói đến chợ Bà Chiểu hay lăng Tả quân Lê Văn Duyệt thì bất cứ người Sài Gòn nào cũng biết. Thế nhưng ngày qua ngày, nằm giữa hai địa danh nổi tiếng ấy, đường Hồng Bàng vẫn mãi là một con phố ít ai nhớ tên, dẫu họ ít nhiều cũng đã vài lần đi qua nơi ấy.

Tấn Đồng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(2)
  • Trần Khánh Dung 28-12-2020 10:33:26

    Bài viết hay. Nhân tiện đề nghị quý báo có bài viết về đường Lê Quang Định - Q. Gò Vấp. Đây cũng là 1 con đường lịch sử vì tồn tại trước 1975 với rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng, trong đó có Tịnh xá Ngọc Phương và ở TP.HCM chỉ có 2 quận có đường LQĐ, quận còn lại là Q.5. LQĐ là công thần nhà Nguyễn và là học trò của chí sĩ Võ Trường Toản

  • Kim Phúc 27-12-2020 00:06:01

    Bài viết hay quá, mình ở gần chợ Bà Chiểu mà giờ mới biết cám ơn tác giả

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI