Ký túc xá bỏ không, học sinh phải ở trọ

30/05/2023 - 06:05

PNO - Dù được tài trợ xây dựng khu ký túc xá 126 phòng với đầy đủ tiện nghi, nhưng các em học sinh vẫn phải đi ở trọ bên ngoài trường. Chuyện xảy ra tại Trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Trường THPT Kỳ Sơn được một doanh nghiệp tài trợ xây mới hoàn toàn với kinh phí hơn 200 tỉ đồng, chính thức đưa vào sử dụng đầu năm học 2022-2023. Ngoài hệ thống phòng học, nhà trường còn được xây thêm 3 dãy nhà ký túc xá (KTX) với 126 phòng ở hiện đại bậc nhất tỉnh Nghệ An với đầy đủ tiện nghi từ bàn ghế, giường tủ, quạt điện, điều hòa, có thể đáp ứng chỗ ở cho gần 1.500 học sinh. Đây là tiền đề quan trọng để đưa học sinh xa nhà vào ở, tạo điều kiện để các em học tập và rèn luyện tốt; nhà trường cũng dễ quản lý giáo dục học sinh.

Đến nay, mới chỉ có 40/126 phòng ở khu ký túc xá Trường THPT Kỳ Sơn được sử dụng, số còn lại phải đóng cửa, trong khi học sinh thì phải đi ở trọ nhếch nhác bên ngoài
Đến nay, mới chỉ có 40/126 phòng ở khu ký túc xá Trường THPT Kỳ Sơn được sử dụng, số còn lại phải đóng cửa, trong khi học sinh thì phải đi ở trọ nhếch nhác bên ngoài

Thế nhưng, đến nay mới chỉ có 40 trong tổng số 126 phòng được sử dụng làm nơi ở cho 400 học sinh, hơn 800 học sinh của trường vẫn đang phải chật vật tìm nơi tá túc ở các nhà trọ bên ngoài. “Ở trọ chật chội, nóng nực lắm, nên em tính sang năm sẽ đăng ký vào KTX ở cho tốt hơn” - Xồng Y Ồng - học sinh lớp 10C3, Trường THPT Kỳ Sơn - nói.

Ồng ở trọ cạnh trường, phòng rộng chưa đầy 10m2, cũ kỹ, lợp fibro xi măng, quần áo, chăn màn treo lủng lẳng… Ồng ở cùng 2 nữ sinh khác để đỡ tiền thuê trọ, nhưng chỉ có một chiếc giường nên 3 nữ sinh thay phiên nhau trải chiếu ngủ dưới đất. Dãy trọ Ồng đang ở có hơn 20 phòng, phần lớn “khách trọ” đều cùng cảnh ngộ.

Ông Trần Thanh Vân - Phó hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Sơn - cho biết, cơ sở vật chất tuy đầy đủ, nhưng vì vướng kinh phí, thiếu nhân lực và chưa có cơ chế để tổ chức bán trú, nên việc tổ chức ở bán trú cho học sinh đang gặp nhiều khó khăn.

Theo Nghị định 116 của Chính phủ, học sinh là người dân tộc thiểu số mỗi tháng được hỗ trợ hơn 500.000 đồng và 15kg gạo. Bấy nhiêu là quá ít để nấu ăn cho học sinh. “Chưa kể nếu hoạt động hết công suất của 126 phòng ký túc này, riêng tiền điện đã hết khoảng 350 triệu đồng, rồi tiền lương đội ngũ nấu ăn, tiền nước… Nhà trường hiện không có kinh phí. Riêng tiền nước, mỗi học sinh cần 5 khối nước mỗi tháng. Nếu hơn 1.000 học sinh vào ở cùng lúc thì nguồn nước sạch tại đây không đáp ứng đủ” - ông Vân chia sẻ.

Ông Lê Văn Tảo - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết, để tránh lãng phí, từ giữa tháng 2/2023, trường thí điểm đưa 400 học sinh vào ở KTX. Trước mắt, giáo viên và nhân viên toàn trường tự nguyện thay nhau hỗ trợ chăm sóc, quản lý học sinh. Riêng tiền điện, nước và tiền thuê nấu ăn, nhà trường đã họp phụ huynh và thống nhất tạm thu mỗi tháng 20.000 đồng/em. Mỗi phòng ở đều lắp đồng hồ riêng để học sinh tự chi trả tiền điện, nước. Nhưng đây cũng chỉ là phương án tạm thời.

“Chúng tôi cũng đã đề xuất sớm có cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú kiểu mới. Với mô hình kiểu mới, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để tổ chức ăn ở bán trú cho học sinh, số kinh phí còn thiếu sẽ vận động xã hội hóa từ phụ huynh. Đây cũng là cách duy nhất để khu KTX của trường có thể vận hành hết công suất” - ông Lê Văn Tảo lý giải. 

Bài và ảnh: Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI