Góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Kinh tế Việt Nam cần tính cả những kịch bản... ngoài dự báo

09/11/2020 - 07:03

PNO - Đại dịch COVID-19 như một bài học để trong mọi kế hoạch phát triển kinh tế, cần coi tính dự báo như một chỉ tiêu từ đó có giải pháp ứng phó.

Dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 6,5-7%, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-5.000 USD.

Chiến lược toàn giai đoạn 2021-2030, GDP đạt bình quân 7% và đến năm 2030 GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Nền kinh tế được xác định phát triển theo hướng nhanh, bền vững; tận dụng các cơ hội thông qua một số hiệp định thương mại. 

Từ tình trạng phá sản của nhiều doanh nghiệp do dịch COVID-19, để phát triển kinh tế bền vững, cần phải tăng tính dự báo về những tác nhân bất thường - Ảnh: Đỗ Minh
Từ tình trạng phá sản của nhiều doanh nghiệp do dịch COVID-19, để phát triển kinh tế bền vững, cần phải tăng tính dự báo về những tác nhân bất thường - Ảnh: Đỗ Minh

Trong đó, kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng, phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%. Tuy nhiên, trong quá trình góp ý cho dự thảo văn kiện, nhiều ý kiến cho rằng, cần bổ sung tính dự báo như một chỉ tiêu cụ thể, để từ đó có những kịch bản, quyết sách đi kèm cho từng mục tiêu, từng chặng phát triển, tránh sự bị động… bởi những tác nhân khó lường mà đại dịch COVID-19 là minh chứng.

Kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, suy thoái trầm trọng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tại Việt Nam, một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra cũng bị phá sản. Nhiều chuyên gia nhận định, đại dịch COVID-19 như một bài học để tới đây, trong mọi kế hoạch phát triển kinh tế, cần coi tính dự báo như một chỉ tiêu, từ đó có giải pháp nhằm ứng phó chủ động. Vấn đề này cũng cần được đưa vào văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thiệt hại nặng do tình huống khó ngờ

Giai đoạn 2016-2019, GDP của Việt Nam đạt 6,8%. Năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19, con số này chỉ còn ước đạt trên 2%. Bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 5,9% trong khi mục tiêu đặt ra là 7-8%/năm. Tính riêng mười tháng đầu năm 2020, dịch bệnh đã làm hàng ngàn doanh nghiệp phá sản và tạm ngưng hoạt động. Tại TP.HCM, nơi có số lượng doanh nghiệp chiếm khoảng 32% tổng số doanh nghiệp cả nước, xấp xỉ 29,5 ngàn doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh.

Chính phủ và TPHCM đã ban hành nhiều gói hỗ trợ nhằm ngăn chặn làn sóng phá sản của doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ đã rất có hiệu quả đối với người lao động bị mất việc và người nghèo. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp trên cả nước hiện chạm đến được các gói hỗ trợ này. TPHCM - theo Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - đến nay chưa có doanh nghiệp nào nhận được hỗ trợ. Thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, phần lớn các doanh nghiệp phải tự mình vượt qua khó khăn trong đại dịch. Trong số 29,5 ngàn doanh nghiệp tạm ngưng tại TPHCM, hiện đã có hơn 7.100 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Bà Nguyễn Thị Thùy D., giám đốc một doanh nghiệp nhỏ chuyên sản xuất hàng may mặc tại Q.12, khẳng định: “Do ảnh hưởng COVID-19, để công ty không phá sản, tôi phải bán đổ bán tháo mảnh đất vừa mua”.

Bà D. cho hay, tháng 3/2020, các đơn hàng quần áo xuất khẩu của công ty bị ngưng trệ, nhiều hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước bị hủy bỏ khiến công ty không có nguồn thu, rơi vào khủng hoảng. Trong khi đó, công ty vẫn phải trả lương cho 50 lao động. Giữa lúc muốn cắt giảm nhân viên, may sao, bà nhận tới tấp đơn đặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn 100% cotton để xuất khẩu và phân phối cho thị trường nội địa. Mặt hàng mới phù hợp với danh mục đăng ký kinh doanh nên để kịp tiến độ, bà tuyển thêm 10 lao động thời vụ thực hiện các đơn hàng.

Chẳng may, khi các đơn hàng hoàn thiện cũng là lúc đối tác phát hiện các chỉ tiêu về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia không đạt, trả lại hàng. Không chỉ gặp khó trong việc trả lại nguồn vốn ứng cho đối tác, đền hợp đồng, nợ lương nhân viên; công ty của bà D. còn liên tục bị làm phiền bởi các lao động thời vụ. “Họ kéo người nhà đến công ty và cả nhà riêng của tôi đòi lương” - bà D. kể. Quá phẫn uất khi nhận được nhiều tin nhắn đòi nợ kèm hăm dọa, bà D. đành phải bán mảnh đất vừa mua trước đó, chịu lỗ đến mấy trăm triệu đồng. 

Sau sự việc trên, bà D. đã cho thôi việc tạm thời một nửa số nhân viên. Theo bà, một số lao động bị mất việc của công ty đã nhận được gói hỗ trợ theo Nghị quyết 02 của Hội đồng nhân dân TPHCM về hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Riêng công ty của bà lại không đủ điều kiện để nhận các gói hỗ trợ của Chính phủ. Tuy vậy, bà D. nhìn nhận, cho đến hiện tại, dù lĩnh vực may mặc, xuất khẩu hàng may mặc vẫn còn nhiều khó khăn, công ty bà vẫn cầm cự được với nguồn thu ít ỏi từ các đơn hàng may đồng phục cho trường học và thị trường nội địa chuẩn bị tết Nguyên đán 2021.

Cần tăng sức “đề kháng” cho doanh nghiệp

TPHCM có hơn 400.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98%. Không có nguồn vốn dự trữ, ví như sức đề kháng, chống chịu; các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại trở thành đối tượng nhạy cảm trước biến cố tiêu cực, mà đại dịch COVID-19 là minh chứng sống động. Bà D. cho hay, nếu qua năm 2021, thị trường không có sự chuyển biến, công ty của bà buộc phải giải thể do không còn khả năng chống chịu.

Ngay như doanh nghiệp đa lĩnh vực, được biết đến là hãng xe lớn tại TPHCM, trong dịch bệnh cũng đã cắt giảm 40% nhân viên và hơn 1/3 thu nhập/lao động. Đại diện công ty này khẳng định, dịch bệnh đã khiến công ty cạn nguồn quỹ dự trữ nhằm duy trì hoạt động kinh doanh. “Nếu thêm một biến cố nào giống COVID-19, có thể công ty sẽ phá sản” - vị đại diện này cho biết.

Trong khi đó, theo nhận định của các chuyên gia, chưa nói đến một biến cố thiên tai khó ngờ nào khác, thì ngay cả sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vẫn sẽ còn thay đổi sâu sắc và kéo dài tiêu cực đến nền kinh tế thế giới, mà Việt Nam là một thành phần. Ở đó, các quốc gia có thể điều chỉnh chiến lược phát triển, hình thành những liên minh kinh tế mới gây tác động mạnh mẽ đến chuỗi sản xuất và phân phối toàn cầu. Do đó, nền kinh tế Việt Nam - vốn được đánh giá là phát triển chưa bền vững, khả năng chống chịu kém và lại đối mặt những thách thức nội tại như già hóa dân số nhanh, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa tăng mạnh thì càng buộc phải có những quyết sách ứng phó, khắc phục. 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, cũng cho rằng cần phải có những giải pháp căn cơ, làm cơ sở và tạo đà cho nền kinh tế phát triển bền vững. Tại cuộc họp về tình hình kinh tế mười tháng đầu năm 2020, ông Phong khẳng định, tính riêng ở TPHCM, việc khôi phục sản xuất của hơn 7.100 doanh nghiệp tạm ngưng do dịch COVID-19, hay con số các doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký tăng 41,6% so với cùng kỳ cực kỳ có ý nghĩa. Nó không chỉ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của thành phố nói riêng, cả nước nói chung; mà còn giúp TPHCM thực hiện được nhiều dự án quan trọng, giúp thành phố được phát triển toàn diện.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phân tích, vốn đầu tư cho xã hội từ khu vực Nhà nước của cả nước chiếm 33%. Nhưng đối với thành phố, con số này chỉ chiếm 13% trong tổng nguồn vốn đầu tư của địa phương; còn lại là vốn góp của khu vực kinh tế tư nhân. 

Do đó, theo ông Phong, trước tiên, môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp đứng vững, phát triển là cực kỳ quan trọng và cần được bàn thảo. Tại cuộc họp nói trên, ông cũng đã giao các sở, ngành liên quan nghiên cứu, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn từ thủ tục đến tạo điều kiện hoạt động, tăng trưởng; không chỉ đáp ứng tình hình hồi phục sau đại dịch mà còn là chiến lược lâu dài, bao gồm ứng phó với các biến cố cũng như tận dụng các cơ hội từ một số hiệp định thương mại. 

Theo các chuyên gia, có thể nói, đại dịch COVID-19 đã phơi bày một nền kinh tế không có nhiều nội lực chống đỡ. Những nỗ lực của Chính phủ và TPHCM nói riêng, thể hiện sự linh hoạt ứng phó nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế trước một biến động. Nền kinh tế muốn phát triển bền vững, đạt được các chỉ tiêu đề ra thì trong kế hoạch cần phải có chỉ tiêu dự báo, thực hiện tốt công tác dự báo - tức có kịch bản cho những tác động tiêu cực, ảnh hưởng nặng nề có thể dẫn đến không hoàn thành được các mục tiêu đặt ra. Từ đó, có những chính sách và hành động nhanh chóng, phù hợp để hồi phục. 

Về tình hình hỗ trợ doanh nghiệp trước ảnh hưởng chưa hồi kết của đại dịch, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết hiện sở này đã đề xuất và gửi cho Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM về gói chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 để trả lương cho người lao động. Giải pháp này nhằm giúp doanh nghiệp tại thành phố có thể tiếp cận vốn ưu đãi để có thêm nguồn trả lương, giúp duy trì và khôi phục dần hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI