Kinh hoàng những 'cung đường đen' mang tên Quốc lộ 1A

07/02/2015 - 08:13

PNO - PN - Đào đường không rào chắn, không đèn cảnh báo, không phân luồng, điều tiết giao thông, vật liệu xây dựng bỏ ngổn ngang trên đường… Việc thi công cẩu thả của các nhà thầu trên Quốc lộ 1A đang biến tuyến đường huyết mạch...

edf40wrjww2tblPage:Content

Kinh hoang nhung 'cung duong den' mang ten Quoc lo 1A

Rào chắn kiểu bẫy người đi đường

Xử lý không kịp... "chết" như chơi!

Để nhìn rõ hơn những cung đường “tử thần”, chúng tôi đón chuyến xe đi trên Quốc lộ 1A từ TP.HCM đến Thanh Hóa. 14g ngày 27/1, 20 hành khách có mặt trên chuyến xe giường nằm của hãng xe C.T. rời bến xe miền Đông. Gần cuối năm, lượng phương tiện lưu thông trên đường tăng cao hơn ngày thường rõ rệt. Xe khách, xe tải, xe container lưu thông chật kín.

Đến địa bàn tỉnh Đồng Nai, các phương tiện bắt đầu tăng tốc. Chạy hết đoạn qua tỉnh Đồng Nai đến huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, xe chạy càng nhanh hơn do đoạn đường này vừa được trải nhựa. Lúc này khoảng 21g, phần lớn hành khách đã ngủ.

Xe đang bon bon lưu thông trên đường, bất ngờ đầu xe sụp rầm xuống đường cũ. Tài xế Nguyễn Văn T. vừa lắc mạnh vô lăng sang trái, vừa ngã hết người đạp thắng. Tất cả hành khách bật dậy ngơ ngác không biết chuyện gì xảy ra. Phía trước xe bụi bay mù mịt. Anh T. chồm người về phía trước, nhìn chăm chú ra ngoài chặc lưỡi: “Làm ăn ẩu quá, đánh lái không kịp là chết rồi”.

“Cú sốc” vừa rồi được tạo ra từ đơn vị thi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A qua đoạn đường này. Theo đó, sau khi xe lưu thông qua hết đoạn mặt đường trải nhựa đã bị sụp xuống phần mặt đường cũ thấp hơn gần hai tấc.

Trong khi đó, lúc này, cách đầu xe khoảng 5m là hàng rào công trường choán gần nửa mặt đường nhưng không có đèn tín hiệu giao thông, nên từ xa tài xế không thể nhận ra. Xe tiếp tục lưu thông qua địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, xuyên qua thành phố Phan Thiết đến huyện Bắc Bình (tỉnh Bình Thuận). Hai bên đường đào xới hàng trăm hố sâu. Nhiều đoạn mặt đường đào sâu gần 2m nhưng đơn vị thi công chỉ đặt vài cọc bê tông làm rào chắn cho có.

Chỉ cần tài xế sơ xuất là xe cùng hàng chục hành khách chui xuống hố công trình. Trong khi đó, kéo dài suốt trên đường là hàng trăm rào chắn không đèn cảnh báo, thoắt ẩn, thoắt hiện trong làn bụi mịt mù như những cái bẫy trên đường.

Xe lưu thông đến tỉnh Ninh Thuận, tình hình thi công trên đoạn đường này càng bê bối hơn. Đồng hồ trên xe chỉ 24 giờ, vô lăng được chuyển sang cho tài xế Nguyễn Văn C. Trong màn đêm tối mịt, chúng tôi ngồi cạnh tài xế nhiều lần phải thót tim khi bất ngờ phát hiện một khối bê tông hoặc một xe cẩu nằm chình ình trước mặt, chỉ cách đầu xe vài mét.

Trong đó, đoạn qua thành phố Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) đã xảy ra một sự cố khiến hành khách trên xe "xám hồn". Một đoàn xe tải, xe container đang lưu thông phía trước va chạm rào chắn công trình bất ngờ thắng gấp, khiến xe suýt húc vào đuôi xe phía trước. Rất may tài xế đã xử lý kịp.

Khi xe chạy đến tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, đoạn đi qua thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) và thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) kéo dài khoảng 50km vẫn xảy ra tình trạng đào đường nhưng không rào chắn hoặc rào chắn rất sơ sài, phần lớn rào chắn đều không có đèn cảnh báo. Nhiều đoạn xe thắng quá gấp, nhiều hành khách kêu trời vì bị hất mạnh về phía trước. Trên đường đi, hành khách có thể nhìn rõ nhiều rào chắn từng là thủ phạm gây ra tai nạn giao thông (TNGT) với những cọc sắt hoặc hàng rào tole bị cong, gãy, bẹp dúm…

Xe tiếp tục lưu thông qua tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Đã Nẵng, Huế, Quảng Trị kéo dài hơn 600km. Tình hình thi công trên đoạn đường, này hầu như… xấu đều. Trong đó, đặc điểm nổi bật là ổ gà, ổ voi trải đầy mặt đường. Cát, đá, bê tông đổ đống ngay trên mặt đường không rào chắn. Đặc biệt, đoạn qua tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, xe cẩu, máy trộn bê tông vô tư “nhảy” ra giữa đường thi công, không cần biết đến các phương tiện đang lưu thông trên đường.

Kinh hoang nhung 'cung duong den' mang ten Quoc lo 1A

Trộn bê tông đào đường ngay giữa quốc lộ mà không hề có rào chắn

“Bẫy tử thần”

Bên cạnh việc thi công cẩu thả, nhiều đoạn đi qua các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên… do nhiều đơn vị đào đường, nhưng mạnh ai nấy đào, không phối hợp, không phân luồng, điều tiết giao thông, phó mặc cho các phương tiện tranh giành đường lưu thông hỗn loạn. Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Thuận kéo dài khoảng hơn 50km với hàng chục công trình. Hầu hết các công trình đều đặt vài cọc bê tông cho có. Kẻ đặt bên phải, người đặt bên trái, kẻ đặt ở giữa khiến tài xế luôn trong tình trạng… dò dẫm khi chạy xe.

Có một số công trình đã trải nhựa xong nhưng cọc bê tông vẫn chưa chịu “nhổ” đi. Trong khi đó, một số công trình đào sâu gần cả mét. Số khác lại đổ đá cao hơn mặt đường cũ gần nửa mét. Đường xấu nhưng không vì thế mà các phương tiện chạy chậm hơn, thậm chí còn đua nhau tăng ga để giành đường. Để lưu thông qua đoạn đường này, hầu hết các tài xế đều phải trổ hết tài năng đánh lái của mình.

Chúng tôi ngồi trên xe liên tục bị hất qua bên phải đến bên trái. Phía trước chúng tôi, một đoàn xe khách, xe tải, xe container cũng có cách chạy tương tự. Cả đoàn xe như nhảy múa theo hình dích dắc. Nhiều tài xế đánh lái không kịp, liều mình cày qua cả cọc sắt, bê tông khua dưới gầm xe kêu lọc cọc.

Việc công trình thi công không phân luồng, điều tiết giao thông đã gây ra nhiều chuyện dở khóc, dở cười. Khi xe chúng tôi đến đoạn gần thành phố Phan Thiết, xuất hiện một hàng dài cọc bê tông cắm giữa đường, phía trước là hai làn đường đều đã trải đá mi. Sau vài giây lừng khừng, anh C. quyết định đánh lái sang trái. Cả đoàn xe phía sau nối đuôi theo. Thế nhưng, chạy được khoảng 300m, anh C. giật bắn mình khi phát hiện phía trước một đống đá và một xe cuốc đứng lù lù trước mặt cùng tấm biển “Công trình đang thi công…”. Cả đoàn xe mất gần nửa tiếng để thụt lùi trở ra. Theo anh C., “Bẫy kiểu này dính hoài chứ gì!”.

Đến đoạn đường đi qua tỉnh Ninh Thuận, đường sá bị chiếm dụng thi công hơn 50% mặt đường. Phần mặt đường còn lại đáng lẽ phải phân luồng thành hai chiều thì đơn vị thi công vẫn để như cũ. Trong khi các phương tiện lưu thông trên đường mạnh ai nấy chạy, không ai nhường ai.

Ngồi trên xe, chúng tôi nhiều lần xanh mặt trước cảnh các tài xế lạng lách, vượt nhau hoặc tăng tốc chạy ngược chiều trên một làn đường để giành đường. Đến khi hai xe suýt đấu đầu, xe nào “yếu thế” hơn sẽ giảm tốc, lách sát vào hàng rào công trường nhường đường cho xe kia qua. Trên xe, chúng tôi cùng các hành khách liên tục bị giật lên xuống vì tài xế C. phải điều khiển xe chạy trong tình trạng giật cục. Cũng theo anh C., đây là điều tối kỵ khi điều khiển phương tiện vì sẽ tạo áp lực rất lớn, dễ làm nổ bình hơi và lốp xe, gây tai nạn.

Kinh hoang nhung 'cung duong den' mang ten Quoc lo 1A

Rào chắn kiểu "bẫy" người đi đường

Khi các phương tiện lưu thông đến đoạn mặt đường tốt, tốc độ càng được đẩy cao hơn để bù lại thời gian bị chậm khi lưu thông qua đoạn đường xấu. Ngồi trên xe, chúng tôi không ít lần chứng kiến các hung thần xe ben, xe “chợ” đua tốc độ, gây náo loạn trên đường. Điều đáng nói, trên suốt đoạn đường chúng tôi đi kéo dài hơn 1.000km, qua ít nhất khoảng 20 chốt giao thông, dù phần lớn các xe đều lưu thông với tốc độ cao nhưng rất ít xe bị xử phạt. Riêng các đoạn đường đang thi công thì hầu như không có bóng dáng cảnh sát giao thông.

Việc thi công cẩu thả trên Quốc lộ 1A hiện nay không chỉ làm tăng nguy cơ TNGT vào dịp cuối năm mà còn khiến các doanh nghiệp (DN) thiệt hại nặng.

Theo ông Trần Văn Sinh - Giám đốc Công ty vận tải Bình Tâm, từ khi Quốc lộ 1A nâng cấp, mở rộng đến nay, hơn 40 xe khách của ông không biết bao lần bị nổ lốp, nổ bình hơi. Trong khi mỗi chuyến xe thu lợi nhuận chỉ được khoảng một đến hai triệu, nhưng mỗi lần bị nổ lốp, bình hơi phải thay mới gần chục triệu. Bên cạnh đó, đường sá ngày càng xấu hơn, thời gian di chuyển kéo dài hơn trước khoảng năm đến sáu tiếng trên mỗi tuyến, khiến hành khách ngày càng chán nản, chuyển sang đi tàu. “Chúng tôi đã làm mọi cách, từ giảm giá vé, nâng cao chất lượng xe, đến chất lượng phục vụ, chất lượng bữa ăn cho hành khách nhưng lượng khách vẫn không thể đạt được như trước đây, khiến DN ngày càng khó khăn” - ông Sinh nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Chung - Phó giám đốc Công ty vận tải Việt Thành, trước đây, mỗi chuyến xe DN chỉ bố trí hai tài. Thế nhưng thời gian gần đây đường sá quá xấu, tài xế luôn phải lái xe trong tình trạng căng thẳng nên nhiều tuyến có cự ly dài, DN phải tăng lên ba tài, khiến chi phí mỗi chuyến xe bị đội lên rất cao. Do đường sá quá xấu, các chuyến xe liên tục đi trễ về muộn khiến hành khách phàn nàn ngày càng nhiều. “Sắp tới những ngày cao điểm Tết, nếu tình trạng thi công cẩu thả trên Quốc lộ 1A vẫn không được cải thiện, nhiều nguy cơ sẽ xảy ra ùn tắc giao thông trên quốc lộ, phương tiện sẽ không kịp về bến để đưa đón khách” - ông Chung lo ngại.

PHAN TRÍ

Đường về miền Tây: Trước, sau thi công đều nguy hiểm

Dù công trình thi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A đi các tỉnh miền Tây không nhiều, nhưng tình trạng thi công bê bối cũng không... chịu kém. Trong đó, đoạn thi công qua thành phố Cần Thơ và huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), nhiều đoạn đường đào sâu gần hai mét nhưng rào chắn rất sơ sài. Đoạn qua địa bàn huyện Phụng Hiệp đường bị rào chắn, còn rất hẹp nhưng không có người điều tiết giao thông. Ban đêm, chỉ một vài công trình gắn đèn cảnh báo.

Tương tự, đoạn thi công qua địa bàn thành phố Tân An, tỉnh Long An chỉ rào chắn bằng vài cọc sắt lưa thưa. Một số đoạn đổ vật liệu xây dựng tràn lan trên đường. Xe cẩu, xe cuốc vô tư đứng trên đường thi công không rào chắn, cảnh báo. Ngoài ra, một số đoạn đi qua huyện Bến Lức và thành phố Tân An đã thi công xong nhưng đường sá nguy hiểm cũng không kém. Nhựa đường trồi lên, sụt xuống có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng. Nhiều xe máy lưu thông qua các đường này phải chạy lấn ra làn đường dành cho ô tô rất nguy hiểm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI