Kiến vàng điên đe dọa Di sản thế giới ở Queensland

17/10/2020 - 08:04

PNO - Di sản văn hóa thế giới Wet Tropics ở bang Queensland (Úc) đang có nguy cơ bị kiến vàng điên xâm chiếm, hủy hoại do… kinh phí diệt kiến đã cạn kiệt.

Ngày 14/10, báo Anh The Guardian đưa tin: loài kiến vàng điên đang xâm nhập gần tới Vùng nhiệt đới ẩm ướt (Wet Tropics) của Queensland – nơi được công nhận là Di sản thế giới từ năm 1988.

Kiến vàng điên tấn công

Kiến vàng điên, còn được gọi là kiến chân dài, hoặc kiến Maldive, có tên khoa học là Anoplolepis gracilipes. Chúng được gọi là “kiến điên” vì những chuyển động thất thường khi bị quấy rầy. Chân và râu của chúng dài, cùng tập tính hung dữ, dễ lập đàn, đã giúp chúng luôn chiếm ưu thế trong các môi trường sống mới.

Kiến vàng điên đã được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) xếp vào danh sách 100 loài xâm lấn tệ hại nhất thế giới. Đáng sợ nhất là kiến vàng điên sinh sản nhanh, mau chóng hình thành các “siêu lãnh thổ” đông đúc, với tỷ lệ lên tới 1.000 con/km2.

Năm 2019, phiên bản Úc của báo The Guardian, phát hành vào ngày 21/1/2019, từng báo động về lũ kiến vàng điên xuất hiện ở hơn 30 địa điểm, chiếm diện tích 830ha, tại Queensland. Loài kiến xâm lấn nguy hại này cũng có mặt ở Arnhem Land, phá hoại trên diện tích 2.500 km2 thuộc lãnh thổ phía Bắc của Úc.

Tính tới tháng 10/2020, kiến vàng điên đã tràn tới gần lạch Cá sấu (Alligator Creek), cách khu vực núi Elliot của Công viên quốc gia Bowling Green Bay 4,5km. Đây là nơi có nhiều loài sinh vật đặc hữu của Úc, như những loài ếch và thằn lằn đặc biệt, cùng loài sên chỉ được tìm thấy gần đỉnh núi Elliot.

Một con thằn lằn bị đàn kiến vàng điên ăn thịt (Wikimedia).
Một con thằn lằn bị đàn kiến vàng điên ăn thịt - Ảnh: Wikipedia

Một trong những nơi “lây nhiễm” khác là khu vực sông Black, cách Di sản thế giới Wet Tropics khoảng 8km về phía Nam, gần với rừng Clement – nơi sinh sống duy nhất của loài tắc kè Gulbaru được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng.

Di sản thế giới Wet Tropics được coi là khu rừng nhiệt đới lâu đời nhất thế giới, và là “Bảo tàng sống” về các loài động, thực vật cổ đại.

“Khu vực Di sản thế giới Wet Tropics có 56% các loài bướm của Úc, 40% các loài chim, 42% cá nước ngọt, 30% các loài động vật có vú,… đang bị đe dọa” - Lori Lach, một nhà sinh thái học tại Đại học James Cook, lo lắng nói – “Đây là một cuộc chiến mà chúng tôi không muốn thua lũ kiến vàng điên".

Kiến nghị 30 triệu USD để diệt kiến

Một phân tích chi phí - lợi ích của chính quyền bang Queensland cho thấy kiến vàng điên có thể khiến nền kinh tế Úc thiệt hại hơn 3 tỷ USD. Hậu quả sẽ còn tệ hơn rất nhiều, do phân tích này còn chưa tính tới các tác động tiềm tàng đối với đa dạng sinh học của Úc.

Chương trình diệt kiến vàng điên đã bắt đầu từ năm 2013, với khoản tài trợ 2 triệu USD của chính phủ liên bang. Năm 2016, chương trình diệt kiến đã nhận được 3,04 triệu USD từ chính quyền bang Queensland, và 7,5 triệu USD từ chính phủ liên bang. Tuy vậy, nguồn kinh phí đó đã hết vào tháng 6/2019.

Hình phóng lớn của một con kiến vàng điên (Wikimedia).
Hình phóng lớn của một con kiến vàng điên - Ảnh: Wikipedia

Theo các nhà bảo tồn môi trường, cần có sự can thiệp khẩn cấp của chính phủ Úc và bang Queensland để bảo vệ Wet Tropics trước mối hiểm họa mang tên “Kiến vàng điên” ngày càng cận kề.

Vào tháng 9/2020, Hội đồng về các loài xâm lấn đã gửi thư cho bà Sussan Ley - Bộ trưởng Bộ Môi trường, và ông Mark Furner - Bộ trưởng nông nghiệp của Queensland, yêu cầu cả hai cơ quan cùng tài trợ cho chương trình quản lý, diệt trừ dịch hại, ngăn chặn kiến điên lây lan, với khoảng 30 triệu USD trong 10 năm.

Người phát ngôn của Bộ Môi trường cho biết bà bộ trưởng đang xem xét lá thư, vì “Chính phủ Úc cũng có thể tham gia vào các vấn đề dịch hại ở những nơi có mối đe dọa với một vấn đề có ý nghĩa môi trường quốc gia, như ở Wet Tropics của Queensland".

Ông Mark Furner - Bộ trưởng nông nghiệp Queensland - nói rằng “kiến vàng điên được coi là… không thể diệt trừ, điều đó có nghĩa là có thể xảy ra các cuộc xâm nhập mới".

“Chúng ta rõ ràng đang thua trong cuộc chiến chống các loài xâm lấn” - các nhà khoa học Úc báo động.

Nhựt Minh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI