Kiểm tra online: Làm thế nào để không gian lận?

19/10/2021 - 06:09

PNO - Học trực tuyến thì thi sẽ như thế nào, học sinh có copy hay thiếu trung thực trong quá trình làm bài không? Đây là băn khoăn của nhiều phụ huynh, học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 chuẩn bị xét tuyển vào đại học.

Phụ huynh lo lắng 

Chị Thanh Châu, phụ huynh lớp 12 tại Q.Tân Phú nói: “Năm nay, con tôi học cuối cấp, điểm số, xếp loại sẽ quyết định cơ hội để vào đại học. Do đó, tôi khá lo vì không biết con kiểm tra và thi ra sao. Trong một lớp sẽ có em làm bài nghiêm túc, có em không. Chưa kể, các em vô tư trao đổi bài, thậm chí sao chép bài của nhau… dẫn đến điểm cao nhưng phản ánh không đúng thực lực. Đến khi bước vào các kỳ thi chung sẽ hụt hẫng...”. 

Còn anh Võ Thanh Hùng (Q.Bình Tân) mong muốn ngành giáo dục sớm ban hành hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá học sinh cho hình thức học online để người học an tâm, đặc biệt là với học sinh tiểu học. Bởi, “đa phần học sinh lớp 1, 2 học online không hiệu quả, các con luôn phải có cha mẹ ngồi cạnh bên hỗ trợ. Vậy khi làm kiểm tra học kỳ, các con cũng đâu thể tự mình thao tác, cha mẹ hỗ trợ kỹ thuật nhiều khi “quên”, hỗ trợ luôn kiến thức. Khi thấy con làm sai chắc chắn sẽ hướng dẫn sửa chữa. Nhiều khi không muốn tiêu cực nhưng việc này cứ tự nhiên như thế”, anh Hùng cho hay.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) chuẩn bị đề kiểm tra online - ẢNH: THANH THANH
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) chuẩn bị đề kiểm tra online - Ảnh: Thanh Thanh

Không chỉ phụ huynh mà nhiều học sinh cũng lo ngại kết quả không thực chất, đặc biệt là với học sinh cuối cấp. Bởi điểm kiểm tra ở lớp, điểm thi học kỳ sẽ quyết định kết quả học bạ, quyết định thắng - thua trên đường đua vào đại học. Ở những phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng vào các trường tốp đầu, xét tuyển học bạ… chỉ cần chênh lệch một chút sẽ có kết quả khác nhau. Vì vậy, sự trung thực ở những kỳ kiểm tra online có ảnh hưởng nhiều đến kết quả xét vào đại học sau này. 

Chính các trường phổ thông cũng lo ngại về tính thực chất của kết quả bài kiểm tra, bài thi online trong thời gian tới, khi mà tình hình dịch bệnh còn phức tạp, chưa chắc học kỳ II đã có thể học và thi trực tiếp.

Bật webcam, thay đổi cách ra đề

Nhiều trường học tại TPHCM đã lên các phương án để mang lại kết quả kiểm tra khách quan nhất và sự an tâm cho học sinh cũng như phụ huynh. 

Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức) dự kiến sẽ khuyến khích học sinh trang bị hai thiết bị: dùng để nhận đề, scan bài làm; thiết bị còn lại có thể bật camera để giáo viên quan sát (hoặc hậu kiểm khi cần thiết). Người thi và người coi thi sẽ mở camera. Trong suốt thời gian làm bài, các em không được nhận cuộc gọi cũng như không được tự ý rời khỏi vị trí. Nếu mất hình ảnh trên webcam quá 5 phút, không có lý do chính đáng thì học sinh có thể bị vi phạm quy chế.

Với những học sinh không có đầy đủ thiết bị thì sẽ được kiểm tra vào những đợt sau để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của tất cả học sinh. Nhà trường tổ chức tập huấn cho thầy cô, học sinh trước các kỳ kiểm tra để cùng thực hiện đúng quy chế, và nghiêm túc như làm kiểm tra trực tiếp khi chưa có dịch. 

Nhiều trường cho biết sẽ áp dụng một số giải pháp công nghệ như hệ thống trộn mã đề, camera giám sát… để hỗ trợ các kỳ kiểm tra được diễn ra nghiêm túc, hạn chế gian lận hay tiêu cực trong thi cử. Đứng trước lo ngại việc tăng cường giám sát sẽ gây tổn thương cho học sinh, nhiều hiệu trưởng cho rằng chúng ta phải giải quyết vấn đề vì cái chung và phải tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo kỳ kiểm tra an toàn, nghiêm túc, khách quan trung thực. Ở các kỳ kiểm tra, thi cử luôn không tránh khỏi một vài cá nhân vi phạm quy chế, trách nhiệm của nơi tổ chức phải đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh và kết quả thực chất trong khảo thí.

Ngoài việc áp dụng camera giám sát, nhiều trường vận dụng sự thay đổi trong kỹ thuật làm đề để hạn chế tiêu cực. Như thầy Trần Minh, Phó hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đào Duy Anh (Q.6), cho hay: Với môn ra đề tự luận thì giáo viên ra đề mở, học sinh có quyền xem tài liệu để làm bài. Với những môn đề trắc nghiệm, giáo viên làm nhiều mã đề, rồi sử dụng phần mềm hệ thống K12 online trộn mã đề. Mỗi học sinh có một mã đề và tất cả học sinh trong lớp sẽ không trùng mã đề. K12 online có tính năng kiểm tra được học sinh có thoát ra khỏi màn hình không cũng như khống chế thời gian làm bài của học sinh. Ngoài ra, nhà trường cũng có thể yêu cầu học sinh bật Zoom để quan sát học sinh ngồi làm bài…

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), cho biết sẽ thay đổi cách ra đề kiểm tra, đánh giá quá trình học tập của học sinh nhưng vẫn đảm bảo tính trung thực. Đó là thay vì kiểm tra như thông thường thì có thể giao dự án, thuyết trình, thực hành thí nghiệm rồi quay hình lại báo cáo… Cách này vừa phát huy tính sáng tạo của học sinh vừa giúp các em hình thành những kỹ năng. 

Nên tin tưởng vào sự trung thực của học sinh

Theo thầy Huỳnh Thanh Phú, việc kiểm tra cũng không cần quá căng thẳng, học sinh có thể thoải mái làm bài và thầy cô, nhà trường cũng truyền được thông điệp tin tưởng ở sự trung thực của học trò.

Trong khi đó, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Q.1) vẫn kiểm tra theo hình thức trực tuyến trên hệ thống LMS cho cả những môn trắc nghiệm lẫn tự luận. Theo ban giám hiệu nhà trường thì không nên quá căng thẳng với học sinh, cần tạo ra không khí thoải mái, ít áp lực để học sinh tự tin trong quá trình kiểm tra. Thay vào đó, sẽ giáo dục, kêu gọi tính tự giác và trung thực của học sinh. Sau bài kiểm tra giữa học kỳ I sẽ rút kinh nghiệm, đưa ra những tiêu chí cụ thể hơn cho bài thi cuối kỳ I. 

Theo các nhà sư phạm, việc “lạm dụng” các thiết bị công nghệ giám sát cũng không triệt tiêu hết gian lận nếu đã cố tình. Bởi vậy, điều quan trọng nhất là giáo dục ý thức học tập và thi cử trung thực cho người học, tuyên truyền để phụ huynh hiểu và nhờ phụ huynh giám sát, nhắc nhở con làm bài nghiêm túc…

Phúc Trần - Thanh Thanh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI