Không nên chần chừ sửa Luật thuế Thu nhập cá nhân

14/02/2023 - 06:10

PNO - Theo các chuyên gia về thuế, việc lùi thời hạn sửa đổi Luật thuế Thu nhập cá nhân đến năm 2026 sẽ khiến nhiều đối tượng tiếp tục chịu thiệt thòi. Bởi, luật hiện hành có quá nhiều điều khoản bất hợp lý.

Nên giảm trừ theo mức chi tiêu thực tế

Chính phủ vừa đề xuất xây dựng Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 5/2026).

Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng cao, thu nhập đứng hoặc giảm, các chuyên gia cho rằng Luật thuế TNCN hiện hành đã lạc hậu, cần sớm được điều chỉnh (ảnh chụp tại Big C An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM) - ẢNH: T.H.
Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng cao, thu nhập đứng hoặc giảm, các chuyên gia cho rằng Luật thuế TNCN hiện hành đã lạc hậu, cần sớm được điều chỉnh (ảnh chụp tại Big C An Lạc, quận Bình Tân, TPHCM) - Ảnh: T.H.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn - nguyên Trưởng phòng Thuế TNCN, Cục Thuế TPHCM - cho rằng, việc phải chờ đến năm 2026 mới sửa luật là quá chậm trễ, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động. 

Theo ông, rất nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là các DN hoạt động trong ngành da giày, may mặc, chế biến gỗ, điện tử, kinh doanh bất động sản đã phải thu hẹp sản xuất, thậm chí ngưng sản xuất do không có đơn hàng, thiếu vốn. Đông đảo người lao động đang gặp khó khăn, bị giảm thu nhập, trong khi giá cả sinh hoạt lại tăng. Mức cơ sở để giảm trừ gia cảnh khi tính thuế TNCN là 11 triệu đồng/tháng, mức cơ sở để giảm trừ người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng không còn đủ để người lao động đảm bảo cuộc sống, nhất là ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội. Trong bối cảnh này, Chính phủ và Quốc hội cần có phương án tạm hoãn nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công trong năm 2022-2023 để hỗ trợ người lao động.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Hiệp hội DN TPHCM, hội viên Hội Tư vấn và Đại lý thuế TPHCM -  thông tin, nhiều người làm công ăn lương đang cho rằng Chính phủ có nhiều hỗ trợ cho DN hơn là người lao động, trong khi họ cũng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, đang bị giảm giờ làm, giảm thu nhập. Theo ông, trong thời gian chờ sửa luật, cần đưa ra các chính sách hỗ trợ và điều chỉnh những quy định bất hợp lý. Có thể ban hành nghị quyết hoặc quyết định để hỗ trợ cho người làm công ăn lương giống như vừa rồi có Nghị quyết 01 về hỗ trợ DN. 

“Có thể giảm thu thuế TNCN từ 30 - 50% trong vòng 6 tháng hoặc 1 năm, hoặc tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 11 triệu đồng/tháng lên 20 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 10 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc” - luật sư Nguyễn Đức Nghĩa đề xuất. 

Đồng quan điểm, thạc sĩ Trần Minh Hiệp (Khoa Luật thương mại, Trường đại học Luật TPHCM) cho rằng, nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh cần được sửa đổi theo hướng căn cứ vào mức tiêu dùng thực tế thay cho mức khoán như hiện nay. Trong thời gian chờ sửa luật, cần tăng mức cơ sở giảm trừ gia cảnh để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người nộp thuế và những người phụ thuộc. Sau dịch bệnh, sự biến động của kinh tế, chính trị trên thế giới khiến giá cả hàng hóa, dịch vụ đắt đỏ hơn; nếu đợi đến năm 2026 mới sửa đổi thì không bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế.

Thạc sĩ Trần Minh Hiệp dẫn chứng, theo điều 19 Luật thuế TNCN thì việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh có thể được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, nên không cần đợi đến kế hoạch, chương trình làm luật của Quốc hội. Thuế TNCN hiện đang chiếm tỉ trọng rất lớn trong nguồn thu ngân sách và ngày càng tăng, liên tục vượt dự toán qua các năm. Với bản chất là thuế trực thu, việc giảm nghĩa vụ thuế đối với nhóm cá nhân có thu nhập thấp, trung bình sẽ đảm bảo công bằng, hợp lý trong thu thuế.

“Bên cạnh mức khoán giảm trừ gia cảnh, có thể cho phép người nộp thuế kê khai giảm trừ đối với một số khoản chi phí chính, chiếm tỉ trọng lớn như học phí cho con, chi phí khám chữa bệnh, chi phí thuê nhà, chi phí điện, nước… hướng tới mục tiêu giảm trừ theo chi phí tiêu dùng thực tế trong tương lai” - thạc sĩ Trần Minh Hiệp góp ý. 

Nhiều bất cập cần sửa đổi

Theo luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, mức sống ở các vùng miền của Việt Nam khác nhau, nên việc tính chung một mức giảm trừ gia cảnh như nhau là không hợp lý: “Khi sửa đổi Luật thuế TNCN, nên xem xét kỹ mức sống ở các vùng miền để mỗi nơi có mức giảm trừ gia cảnh phù hợp. Nên chấp nhận các chi phí liên quan đến thu nhập tính thuế. Nên quy định hạn mức chi tiêu được khấu trừ và yêu cầu cá nhân cung cấp chứng từ hợp pháp về các khoản đó, trong đó có chi phí thuê nhà ở, điện, nước, tiền đào tạo nghiệp vụ bản thân, tiền học của con cái, tiền lãi vay mua căn nhà ở duy nhất và phương tiện đi lại, viện phí, chi phí khám chữa bệnh hiểm nghèo đối với người đóng thuế và người phụ thuộc”. 

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI - cho rằng, Luật thuế TNCN đã bộc lộ bất cập ngay từ khi còn là Pháp lệnh Thuế TNCN. Vì vậy luật này cần được sửa đổi tổng thể, toàn diện. Trong đó, bất cập lớn và gây nhiều tranh cãi nhất chính là mức giảm trừ cho người lao động và người phụ thuộc. 

Để cho ra mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng, Bộ Tài chính đã lấy mức 9 triệu đồng nhân với tốc độ gia tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm 2019 so với năm 2013 là 23%. Theo luật sư Trương Thanh Đức, luật quy định, khi CPI tăng 20% so với khi Luật thuế TNCN có hiệu lực thì Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh. Cách tính này đúng luật nhưng chưa phù hợp, chưa sát với thực tế cuộc sống. Chờ CPI tăng 20% là quá lâu, thiệt thòi cho người lao động. Do đó, cần sửa quy định này. 

“Thuế TNCN là đánh thuế người thu nhập cao, hạn chế tối đa sự bất cân xứng thu nhập, chênh lệch giàu nghèo, củng cố nguồn thu ngân sách nhưng dường như luật hiện hành không mang tinh thần này. Hiện có đề xuất mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế tăng từ 11 triệu đồng lên 20 triệu đồng, người phụ thuộc từ 4,4 triệu đồng lên 10 triệu đồng nhưng cần xét xem liệu tới năm 2026, con số này có còn phù hợp thực tế hay không” - luật sư Trương Thanh Đức nói. 

Chuyên gia thuế, luật sư Trần Xoa - Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang - góp ý, cần sửa quy định khi nào chỉ số CPI tăng 10% thì điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thay vì phải đợi tăng đến 20%. Hoặc để không phải thay đổi thường xuyên, có thể lựa chọn phương án mức giảm trừ gia cảnh bằng 5 lần lương tối thiểu vùng, còn người phụ thuộc có mức giảm trừ gia cảnh bằng 40% mức của người nộp thuế. 

Theo ông Trần Xoa, thuế TNCN Việt Nam gồm 7 bậc, thuế suất cho người có thu nhập bậc 1 (5 triệu đồng/tháng) là 5% và thuế suất mỗi bậc tăng thêm 5%, đến bậc 7 (thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng) là 35%. Ở Singapore, thuế TNCN được chia làm 10 bậc, với thuế suất từ 2 - 22%. Người có thu nhập dưới 20.000 SGD/năm (khoảng 430 triệu đồng/năm, tương đương 28,3 triệu đồng/tháng) sẽ được miễn thuế TNCN. Mức thuế 2% bắt đầu được tính khi có thu nhập từ 20.000-30.000 SGD/năm, còn mức thuế suất 22% được áp dụng cho người có thu nhập tương đương 5,4 tỉ đồng/năm, tức 450 triệu đồng/tháng. Chính phủ Singapore quan niệm, thu thuế càng thấp càng tốt, để người dân cảm thấy không cần phải trốn thuế. 

Ở Việt Nam, đa phần người làm công ăn lương đều có thu nhập ở bậc 3, 4, 5, mức lương không quá cao nhưng lại đóng thuế suất khá cao. Luật sư Trần Xoa kiến nghị, nên bỏ 3 bậc thuế có thuế suất 15%, 25% và 35%, đồng thời tăng mức thu nhập chịu thuế ở mỗi bậc lên: bậc 1 có thu nhập (sau khi giảm trừ gia cảnh) 10 triệu đồng/người/tháng  chịu thuế suất 5%; bậc 2 có thu nhập từ 10-30 triệu đồng/người/tháng, thuế suất 10%; bậc 3 có thu nhập từ 30-60 triệu đồng/người/tháng, thuế suất 20%; bậc 4 có thu nhập từ 60 triệu đồng trở lên/người/tháng, thuế suất 30%.

Còn theo chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, nên bỏ 2 bậc thuế đầu hoặc gộp 3 bậc thuế đầu tiên làm một, thu hẹp khoảng cách các bậc về sau để người có thu nhập trung bình khá không chịu áp lực đóng nhiều thuế. 

Theo Tổng cục Thuế, năm 2022 cả nước thu thuế TNCN được 166.733 tỉ đồng, đạt 138% dự toán và tăng 27% so với năm 2021. Đây là kết quả thu thuế TNCN cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2013 - thời điểm tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 4 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng, đồng thời tăng hơn 50% (tương ứng gần 57.000 tỉ đồng so với năm 2020 - khi tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng/người/tháng lên 11 triệu đồng/người/tháng.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI