Không né tránh thông tin ‘nhạy cảm’

13/06/2015 - 21:28

PNO - PN - Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng, “chúng ta không né tránh thông tin nhạy cảm, nhưng vấn đề là cần khai thác, đưa tin, bài như thế nào để đảm bảo thông tin chính xác”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Phát biểu trên được ông Hỷ nêu tại buổi tọa đàm “Trách nhiệm và bản lĩnh của cơ quan báo chí trong quy trình thực hiện tin, bài thời sự” do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo TP.HCM tổ chức chiều 12/6 (ảnh), nhân kỷ niệm 90 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015).

Khong ne tranh thong tin ‘nhay cam’

Tại buổi tọa đàm, nói đến thông tin “nhạy cảm”, nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Tổng thư ký Báo Pháp Luật TP.HCM trăn trở: "Thông tin nhạy cảm hiện nay không được giải thích một cách rõ ràng, trong khi điều này đang dần mặc định trong suy nghĩ và quán tính của một số nhà báo, tạo nên sự cảnh giác, cẩn trọng và thúc thủ của cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và tạo nên tâm lý tự kiểm duyệt của phóng viên. Từ đó, nó hạn chế sự chủ động đào xới, phát hiện và lý giải thông tin vốn là chức phận của nhà báo, khiến báo chí không làm tròn trách nhiệm của mình. Thậm chí, nó khiến báo chí bỏ trống trận địa cho những trang mạng xã hội tuyên truyền thiếu thiện cảm với chính quyền. Không được tiếp cận thông tin chính thống, bạn đọc sẽ tìm đến những thông tin thiếu chính xác này để đọc”.

Theo nhà báo Nguyễn Đức Hiển, thông tin “nhạy cảm” là những thông tin mà việc đưa tin có thể dẫn đến những hậu quả bất lợi cho lợi ích chung của cộng đồng, đất nước. Những thông tin này có thể kích động, gây ra những hành vi ngoài kiểm soát, bất lợi cho đối nội, đối ngoại; gây ra kỳ thị hoặc xung đột giữa các nhóm cư dân, sắc tộc hoặc giữa nhân dân với chính quyền… Nhưng chúng ta không thể “né” thông tin “nhạy cảm” vì hiện nay các trang mạng xã hội phát triển rất mạnh. Nếu chặn thông tin “nhạy cảm” là chúng ta tự “chặt tay” mình. Vấn đề đặt ra là, khi đưa thông tin “nhạy cảm”, chúng ta cần có cách khai thác, lý giải, liều lượng, lập luận sao cho mang được sự thật đến với bạn đọc.

Nhà báo Phạm Văn Trường - Ủy viên Ban bên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng nhấn mạnh vấn đề lương tâm của người làm báo. Theo nhà báo này, trước yêu cầu của bạn đọc, thông tin hiện nay rất cần đến yếu tố nhanh, nhạy, nhưng phải đảm bảo chính xác. Do đó, dù ở cương vị nào, nhà báo cũng phải luôn nêu cao lương tâm, trách nhiệm của người làm báo trong xử lý thông tin.

Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng ta là không né tránh thông tin nhạy cảm, nhưng vấn đề là chúng ta cần khai thác, đưa tin, bài như thế nào để đảm bảo thông tin chính xác đến bạn đọc, giúp sửa đổi những sai sót và giúp an dân”.

Phó giám đốc Sở TT&TT Võ Văn Long gợi mở thêm: “Các ban biên tập có thể đăng thông tin “nhạy cảm” nhưng cần đưa tin ở góc độ nào cho phù hợp với lợi ích chung của đất nước và nhân dân”.

Ông Đào Văn Lừng - Vụ trưởng, Trưởng cơ quan đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM khẳng định: “Tiếng nói của báo chí là rất quan trọng đối với công chúng. Cho nên, báo chí phải cẩn trọng trong xử lý thông tin, tự kiểm duyệt chính là thể hiện sự cẩn trọng, trách nhiệm của người làm báo, nhưng không vì thế mà thúc thủ. Vấn đề là chúng ta thông tin như thế nào để làm tròn trách nhiệm của báo chí trước lợi ích của dân tộc, mà suy cho cùng là trách nhiệm với con người”.

Bà Thân Thị Thư - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - cho rằng, đội ngũ những người làm báo đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trước đòi hỏi bức thiết của cuộc sống, những người làm báo cần nâng cao trách nhiệm và bản lĩnh của mình. “Suy cho cùng, việc thông tin gì có lợi cho dân, cho nước chính là trách nhiệm, bản lĩnh của người làm báo”.

PHAN TRÍ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI