Không biết cái mình không biết

25/11/2016 - 14:56

PNO - Liên tục suốt mấy chương trình “Ai là triệu phú” đầu tháng 11 này, ghế nóng trường quay với người dẫn chương trình Lại Văn Sâm dày dạn kinh nghiệm, không đương đầu nổi với những thí sinh “cái gì cũng không biết”.

Trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú” có vẻ như không bao giờ cạn người chơi, người xem, do tính hấp dẫn của chương trình. Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác, liên tục suốt mấy chương trình đầu tháng 11 này, ghế nóng trường quay với người dẫn chương trình Lại Văn Sâm dày dạn kinh nghiệm, nhưng đã không đương đầu nổi với những thí sinh “cái gì cũng không biết”.

Đó cũng là một hình thức khủng hoảng của chương trình: khủng hoảng những người chơi hay, đẩy chương trình vào chỗ - dù ngoài chủ ý - góp phần không nhỏ vào sự bêu riếu tình trạng thiếu hụt kiến thức xã hội trong một bộ phận người trẻ.

Dù chương trình đã cố gắng chọn những người chơi là giáo viên, kỹ sư… tức đều tốt nghiệp đại học, thuộc hàng ngũ trí thức cả; nhưng các vị trí thức ấy, hôm thì có vị (kỹ sư) không biết có một loại mũ có tên là mũ lưỡi trai; hôm thì vị khác (giáo viên môn ngữ văn) không biết “ông địa thường xuất hiện trong trò chơi dân gian nào?”; hôm khác nữa lại còn có vị không biết El Nino là gì, nghĩ rằng El Nino là một loại… sữa!

Khong biet cai minh khong biet
Trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú”

Gạch đá trên mạng ào ào trút xuống sau mỗi chương trình. Chuyện cô hiệu trưởng trường tiểu học đi thi “cái gì cũng không biết” nay đã lặp lại quá nhiều, đâm nhàm. Người ta nói đó là kiến thức của sách giáo khoa lớp 5, nghe thấy giật mình! Hỏi đến có khi mình cũng không biết.

Đi thi về có người thức trắng nhiều đêm, khóc ròng, tổn thương danh dự vì cơn lũ gạch đá bình luận từ mạng xã hội. Đó ắt phải là một bài học nhớ đời. Bởi triệu phú đâu phải chỉ có tiền, triệu phú còn là trả giá bao đắng cay, vinh nhục.

Điều bất hạnh là mình thường không biết về cái mà mình không biết! Cái câu lủng củng này nghe nhiều trong những cuộc tranh cãi có hàm lượng tri thức cao. Cái mình không biết là vô biên, nếu người ta biết cái xứ vô biên ấy, tức biết về cái xứ bao la rộng rinh hằng hà sa số những điều mình không biết ấy, thì hẳn người ta đã khiêm nhường mà… ở nhà, đọc sách, tìm hiểu thêm.

Còn trong trường hợp “ai là triệu phú”, vì người ta không biết cái người ta không biết, nên người ta nghĩ rằng đã biết rất nhiều. Tầm nhìn hẹp của một cú chụp ảnh selfie chỉ cho thấy mình họ và vài ba người nữa, càng yếu kém càng tự tin, họ nghĩ đó là cả thế giới rồi!

Đổ lỗi cho giáo dục là quá đơn giản. Giáo dục làm cho lớp trẻ, kể cả sinh viên, thiếu hụt kiến thức xã hội. Giáo dục nhàm chán v.v... Nhưng giáo dục đâu có đào tạo thí sinh đi thi “ai là triệu phú”! Cho dù có đổ tất cả lỗi lên giáo dục, thì giáo dục vẫn phải vì mục tiêu của nó trước đã. Mà nhìn lại, chẳng phải kiến thức ấy đã có hết trong sách giáo khoa rồi đó sao?

Đổ lỗi cho tâm lý căng thẳng khi ngồi ghế nóng lại còn là chuyện thảm hại hơn. Đi thi là phải tự chịu lấy áp lực của trường quay, của khán giả, phải vượt qua được nỗi sợ hãi. Đó cũng là một phần thi. Đừng đổ lỗi tại căng thẳng hồi hộp, nếu không chịu được nỗi căng thẳng đó, thì thôi đừng đi thi.

Cần nhìn một cách thẳng thắn vào chính năng lực nhớ, năng lực động não của những thí sinh nói riêng và một bộ phận khá đông lớp trẻ hiện nay nói chung. Một phần lớn lỗi nằm ở chỗ tâm lý ỷ lại, vốn đã tạo một sức ỳ trong não trạng. Thông tin tràn ngập từ mạng, báo chí, truyền hình… Cái gì cũng có sẵn ở đâu đó, chỉ cần tra là xong. “Trăm năm trong cõi người ta, cái gì không biết thì tra gu gồ!”. Chỉ cần một ngày không thể tra cứu, não “đơ” ra ngay, không quen lao động, không thể vận hành theo kiểu khác được.

Thông tin và kiến thức khác nhau nhiều lắm. Não bộ tiếp nhận, tích lũy thông tin, qua quyết định chọn lọc, liên kết, suy luận của cá nhân con người, thông tin ấy trở thành kiến thức, mang màu sắc, quan điểm của một cá nhân. Bởi cứ nghĩ rằng xã hội đầy rẫy thông tin, tri thức tìm đâu chẳng có, dần dần, con người đã lười đi trong lao động trí óc, tư duy. Đã không biết cái mình không biết, thì cũng không học thêm được gì nhiều, cho dù có tốt nghiệp đại học, là cử nhân, kỹ sư…

Cái phần tiếp theo có thể là tâm lý muốn kiếm tiền, nhanh, ngay, một cách dễ dàng. Xã hội đang tạo nhiều kẽ hở để kiếm tiền theo kiểu “vào cầu”, “trúng quả”, “ăn may”. Tâm lý này đẩy người ta đến chỗ việc gì mà không thử, biết đâu, may ra... Nên đừng ngạc nhiên khi thấy những người chơi dù chưa chuẩn bị đủ cho mình nền tảng kiến thức cơ bản cơ sở gì, vẫn mơ trở thành triệu phú.

Nhìn thấy những thành công của người khác, nhưng không nhìn thấy những nỗ lực xương máu của họ, nhận thức nông cạn hời hợt… Tất cả, xét cho cùng, lại vẫn là hệ quả của cái bệnh “tra gu gồ”, lướt web, đọc thiếu đối chiếu, thiếu đánh giá và không sâu, không đầy đủ.

Triệu phú khu ổ chuột, bộ phim của đạo diễn Danny Boyle, về bản chất là một bước đường cùng, trong đó định mệnh hòa lẫn với kinh nghiệm sống đau đớn, là tấm gương phản ánh cuộc sống đói nghèo, bất công của một Ấn Độ lầm than sau những ánh đèn màu hào nhoáng…

Trả giá để thành triệu phú nào đơn giản. Cái giá của trò chơi trên truyền hình của mình hiện tại, nghĩ cho cùng, cũng là đắt, khi một người trưởng thành phải dừng lại chỉ sau có một hai câu hỏi đầu tiên, khiến người xem chạnh nghĩ đến cái nghèo về kiến thức, trí tuệ và cả kỹ năng sống của người chơi, của người mình.

Hà Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI