Khoe tiền vàng ngày cưới là bình thường hay lố?

10/06/2023 - 19:47

PNO - Các giá trị cốt lõi của hôn nhân lắm khi bị đè bẹp dưới sự phù phiếm của những đám cưới xa hoa...

Nhân đọc bài "Cô dâu đòi sính lễ 3,3 cây vàng và 50 triệu đồng mới ra làm lễ? tôi nhớ lại những bài viết trên mạng về đám cưới "khủng" với những món quà cưới hoành tráng. Đó là sự kiện "cô dâu ở Sóc Trăng được trao hồi môn là 20 cây vàng, 10 tỷ tiền mặt, xế hộp BMW 3 tỷ" hoặc "cô dâu Hậu Giang gây choáng khi “trĩu cổ” đeo 129 cây vàng được trao làm của hồi môn" hay "đám cưới "khủng" ở Bình Dương ngập vàng và sổ đỏ.

Dù không giàu, nhưng tôi không hề thấy choáng ngợp trước những món hồi môn "siêu to khổng lồ" đầy tính khoe khoang kiểu ấy. Tôi chỉ thấy người ta lố khi những chuyện lẽ ra không nên ồn ào lại bị (hay được?) đem ra bày biện trước bàn dân thiên hạ. Quanh chuyện khoe khoang của nả trong ngày cưới, tôi cũng từng được chứng kiến những màn thách cưới cười ra nước mắt.

Ngày 2 bác tôi đi cưới dâu, suýt tí nữa là bác gái giận đến mức huỷ hôn. Bởi gì trong buổi gặp mặt để bàn chuyện lễ cưới, nhà gái thẳng thừng đòi tiền mặt đến một trăm triệu đồng kèm một bộ nữ trang hoành tráng. Gia cảnh nhà bác tôi chẳng phải khá giả gì, cô dâu chú rể cũng chỉ vừa tốt nghiệp, đi làm được vài năm nên chưa dành dụm được gì, mọi chi phí đều do 2 bác lo liệu.

Bác giận con trai không biết lựa cơm gắp mắm, gặp nhà gái đòi hỏi cũng không biết cách thu xếp trước, bác biết xoay xở đâu ra số tiền lớn đến vậy?

Cũng may, có một người có uy tín bên nhà gái hiểu chuyện đã đứng ra dàn xếp: Chỉ cần bác tôi mượn được đúng số tiền mừng như thế để làm lễ trước gia đình đôi bên, họ hàng làng xóm cho... oách. Cưới xong, nhà gái sẽ trả lại.

Bác gái tôi sau đó phải đi vay tiền người thân cho đủ, lại còn mượn người này đôi hoa tai, người kia chiếc kiềng đeo cổ to đùng để trao giữa lễ cưới.

Phong tục ở vùng quê này nó thế, quà cưới càng xịn thì gia đình càng nở này nở mặt. Sau tiệc cưới, hai bà sui nháy nhau vô phòng rù rì. Những người biết chuyện chỉ biết nhìn nhau lắc đầu ngán ngẩm.

Tiền bạc vốn không bảo chứng cho một cuộc hôn nhân bền vững. Thế nhưng người ta vẫn xuýt xoa trước những cuộc hôn nhân xa hoa, hào nhoáng (ảnh minh hoạ)
Tiền bạc vốn không bảo chứng cho một cuộc hôn nhân bền vững. Thế nhưng người ta vẫn xuýt xoa trước những cuộc hôn nhân xa hoa, hào nhoáng (ảnh minh hoạ)

Ngày chị hàng xóm của tôi cưới dâu, nhìn chị chẳng được vui như các bà sui mới có dâu lần đầu. Tôi vừa hỏi thăm dăm câu, như chạm đúng đài, chị kể một tràng. Con trai chị chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, vợ cậu ấy cũng chẳng phải dòng dõi trâm anh thế phiệt, nhưng khi cưới lại đòi mua bộ nữ trang thật to vì: "Ở quê em ai lấy chồng cũng thế, nhất là lấy chồng trên thành phố mà không được vậy sẽ bị hàng xóm chê cười".

Vì lý lẽ đó mà con trai chị nài nỉ ba mẹ lo dùm, rồi sau này cậu kiếm tiền trả lại, xem như cậu vay của bố.

Ai cũng biết tiền bạc vốn không bảo chứng cho một cuộc hôn nhân bền vững. Thế nhưng người ta vẫn xuýt xoa trước những cuộc hôn nhân xa hoa, hào nhoáng. Phải chăng "tiền bạc không đem lại hạnh phúc, nhưng người nhiều tiền hẳn hạnh phúc hơn người ít tiền" là quan điểm sống của những người theo chủ nghĩa vật chất, để rồi ai cũng cố gắng tổ chức một đám cưới "sang" nhất có thể?

Với những gia đình có điều kiện, việc người ta cho con cái của cải nhiều trong ngày cưới là bình thường. Ai chẳng muốn con mình khởi đầu cuộc sống hôn nhân một cách thuận lợi, tốt đẹp. Tuy nhiên, khi ồn ào khoe mẽ, khi hơn thua nhau từ tấm áo manh quần, các giá trị cốt lõi của hôn nhân lắm khi bị đè bẹp dưới sự phù phiếm, xa hoa...

Nguyễn Yến Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI