Khoa Vệ tinh BV Ung Bướu tại quận 2: Có “vỏ”, chưa có “ruột”

08/05/2014 - 14:47

PNO - PN - Với diện tích gần 900m2, một trệt ba lầu, được đầu tư xây dựng tới 30 tỷ đồng, có sức chứa 150 giường nhằm “chia lửa” cho cơ sở chính - BV Ung Bướu TP.HCM, vậy mà từ khi khánh thành (31/12/2013) đến nay, khoa Vệ tinh Bệnh...

edf40wrjww2tblPage:Content

17g15 ngày 5/5, theo ghi nhận của chúng tôi, trong khi ở Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM (Q.Bình Thạnh) đông nghịt bệnh nhân (BN) tới khám và điều trị, thì khoa Vệ tinh của BV Ung Bướu TP.HCM (130 Lê Văn Thịnh, Q.2) lại khá vắng vẻ.

Bên trong khu khám bệnh, từ khu vực hành chính, khoa dược, phòng lãnh đạo, phòng máy tính, phòng hành chính, công nghệ thông tin.... đều không có bóng người. Một số phòng vẫn chưa hoàn thiện. Ở khu cổng chính có khoảng 10 người cả BN lẫn người nhà đang túm tụm trò chuyện. Tiếp tục lên các tầng 1, 2, 3, chúng tôi ghi nhận có nhiều phòng bệnh không có người, phòng có BN thì cũng thưa thớt. Tính ra, mỗi tầng có 50 giường bệnh, cho 50 BN (chưa kể người nhà), nhưng khi chúng tôi có mặt thì tầng đông nhất cũng chỉ có khoảng 10 người (kể cả thân nhân).

Theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM, dù cố gắng đưa ra nhiều giải pháp nhưng vẫn không thể giải quyết được tình trạng quá tải đang ngày càng trầm trọng tại cơ sở chính. Từ đầu năm 2014 đến nay, tình trạng quá tải càng gia tăng do Bảo hiểm y tế “siết” chứng chỉ hành nghề về điều trị ung thư tại các BV khác, lượng BN càng đổ dồn về BV Ung Bướu. Mỗi ngày có khoảng 1.600 BN nội trú và hàng ngàn BN ngoại trú đến khám và điều trị tại cơ sở chính.

Trong khi đó, khoa Vệ tinh BV Ung Bướu khánh thành vào ngày 31/12/2013 với diện tích gần 900m2, một trệt ba lầu, được đầu tư xây dựng tới 30 tỷ đồng, có sức chứa 150 giường nhằm giảm tải cho cơ sở chính lại đang hoạt động cầm chừng vì các thiết bị để hoàn thiện một khu khám và điều trị bệnh vẫn chưa đủ.

Cụ thể, theo BS Lê Hoàng Minh, hai gói thiết bị và hỗ trợ nâng cấp công trình, cơ sở vật chất có tổng trị giá khoảng 5 tỷ đồng để trang bị cho khu vệ tinh đã được UBND TP.HCM phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi. “Khi bàn giao, chúng tôi chỉ nhận được cái “vỏ” (tức tòa nhà) còn cái “ruột” (trang thiết bị y tế kèm theo) thì không có gì. Trước tình hình đó, BV Ung Bướu TP.HCM đã phải “cắt” ba tỷ đồng trong quỹ phát triển sự nghiệp của BV để mua sắm giường bệnh trang bị cho khu vệ tinh. Chúng tôi chỉ mong các gói hỗ trợ sớm được triển khai để giảm tải cho cơ sở chính”.

Khoa Ve tinh BV Ung Buou tai quan 2: Co “vo”, chua co “ruot”

Khoa Vệ tinh của Bệnh viện Ung Bướu đã khánh thành gần sáu tháng nhưng vẫn chỉ được đầu tư phần “vỏ”

BS Diệp Bảo Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Ung Bướu TP.HCM chia sẻ, cơ sở vật chất tại khoa vệ tinh thiếu thốn từ máy xét nghiệm, siêu âm... cho đến các phương tiện, thiết bị khác. Là cơ sở y tế mà ngoài điện lưới, khoa không có hệ thống máy phát dự phòng. Mỗi lần cúp điện là BS, BN thót tim, vì nếu trong khi cúp điện mà BN có sự cố gì thì... chịu chết, nhất là khi có BN thở máy. Việc bảo quản thuốc, trong trường hợp mất điện thì hết sức gay go vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng thuốc. “Là khu vệ tinh nội trú gồm nhiều BN mắc bệnh nặng mà xe cấp cứu chưa có. Những trường hợp nặng xin về thì không có xe chở. Có những ca tử vong, vì nơi đây không có nhà vĩnh biệt nên chúng tôi lại phải chuyển về nhà vĩnh biệt ở cơ sở chính” - BS Tuấn nói.

Ngày 5/5, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc, khảo sát tiến độ triển khai thực hiện dự án xây dựng khu khám bệnh, chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao BV Ung Bướu TP.HCM. Ông Huỳnh Văn Biết, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, dự án này được BV Ung Bướu làm chủ đầu tư từ năm 2004, tuy nhiên vì nhiều lý do mà dự án chưa triển khai. Đến năm 2012, dự án được bàn giao cho Sở Y tế làm chủ đầu tư. Dự án đã được UBND TP đồng ý chủ trương xây dựng với tổng kinh phí đầu tư hơn 242 tỷ đồng, tuy nhiên chỉ là phần “vỏ” (phần xây dựng cơ bản) chứ chưa có phần “ruột” (kinh phí, trang thiết bị y tế). Theo Ban giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM ước tính, phần “ruột” (kinh phí, trang thiết bị y tế đi kèm) khoảng 418 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP, đánh giá đây là một trong những công trình ưu tiên đầu tư của TP. Tuy nhiên, đã qua hai nhiệm kỳ HĐND mà dự án còn giậm chân tại chỗ. Các sở ngành có liên quan phải phối hợp với nhau để thúc đẩy cho thủ tục dự án nhanh hoàn thành. Sở, ban ngành, BV, cũng nên cân nhắc tính toán việc vay vốn kích cầu trong gói mua sắm trang thiết bị y tế như thế nào để giảm gánh nặng cho người bệnh.

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách, cũng bức xúc, yêu cầu các sở, ngành phải đếm thời gian bằng thời gian chờ đợi của người bệnh để thấy trách nhiệm trong việc chậm trễ này.

Chỉ phần “ruột” của một khoa vệ tinh mà gần 5 tháng sau khi khánh thành vẫn chưa thấy tăm hơi thì liệu dự án khu khám và điều trị công nghệ cao đang nằm ì hơn 10 năm qua biết bao giờ mới khởi động?

 Tiến Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI