Khi lễ hội là thảm họa

20/04/2016 - 09:58

PNO - Từ khi nào nhiều lễ hội ở nước ta đã trở thành những thảm họa khiến người người sợ hãi, cười chê, thành nỗi xấu hổ của chính người dân Việt?

Trong lúc người dân cả nước còn chưa hết bàng hoàng vì những hình ảnh phản cảm ở Đền Hùng (Phú Thọ) trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) thì trên mảnh đất phương Nam, đồng bào dân tộc Kh'mer đang đón mừng lễ hội Chôl Chnăm Thmây - tết cổ truyền của người Kh'mer. Cùng là lễ hội, cùng mang đậm màu sắc tín ngưỡng, vì sao một nơi diễn ra như chiến trường, một nơi lại trật tự? Từ khi nào nhiều lễ hội ở nước ta đã trở thành những thảm họa khiến người người sợ hãi, cười chê, thành nỗi xấu hổ của chính người dân Việt?

Lễ vốn là một việc trang nghiêm, phải được thực hiện chỉn chu và long trọng; trong khi hội là nơi vui chơi, giải trí. Nhưng nhìn vào hàng loạt các lễ hội được tổ chức trong năm, cái mà người ta có thể nhìn thấy phần lớn là những cảnh chen lấn, tranh cướp, những màn ẩu đả đến đổ máu, thậm chí chết người.

Hoảng loạn với lễ hội

Chưa cần xét đến việc chen chúc, bị chèn ép, xô đẩy giữa biển người, chỉ riêng việc phải đứng trong tiết trời oi bức, nắng dội trên đầu, tiếng ồn xung quanh cũng quá đủ để con người mệt mỏi. Thế mà, sau những giờ phút căng thẳng ấy, người ta vừa phải chen nhau mà chạy, cố tranh vượt lên (hoặc vượt thoát khỏi đám đông), vừa phải bảo vệ những mâm lễ vật, những bó nhang và cả tư trang, quần áo.

Khi le hoi la tham hoa
Một em bé đang được đưa ra khỏi biển người trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương hôm 16/4 - Ảnh: Zing

Cứ nhìn cảnh những cụ bà vừa chạy vừa cố quấn lại khăn vấn đầu, những đứa trẻ khóc thét vì sợ hãi, lực lượng công an chật vật đưa những người sức khỏe yếu khỏi đám đông đang ùn ùn kéo đến là quá đủ để biết thực tế bát nháo nơi đất Tổ Phong Châu. Đâu phải ngẫu nhiên mà những hình ảnh ấy đã được cộng đồng dùng chế thành những tấm poster phim thuộc nhóm kinh dị - thảm họa - chiến tranh như Đền Hùng thất thủ (dựa theo phim Nhà Trắng thất thủ), Walking dead (Xác sống), World War Z (Thế chiến Z), The Conjuring (Ám ảnh kinh hoàng)...

Cũng tại Phú Thọ, lễ hội Phết Hiền Quan còn xảy ra một màn hỗn chiến của cả đám đông trai tráng khiến nhiều người gục ngã. Cảnh hỗn chiến ấy xuất hiện cả ở Vĩnh Phúc, cũng trong hội Phết như thể đó là cách duy nhất để tôn vinh nữ tướng Thiều Hoa - người đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc. Mà, những hình ảnh ấy đâu chỉ xuất hiện ở Đền Hùng hay ở Hiền Quan.

Sự hoang dại của dân ta còn được thể hiện ở lễ hội Đền Trần (Nam Định) đêm 21 - sáng 22/2/2016 khi hàng ngàn người tranh nhau cướp ấn, leo lên cả bàn thờ để giật lộc, cướp hoa, bất chấp sự hiện diện của lực lượng chức năng. Trước đó, để có được một chỗ đứng trong sân Tiên Miếu, họ đã phải chen chúc, tranh giành nhau, leo rào, dùng thẻ đại biểu giả và khi kiệu ấn được rước vào sân cũng là lúc chiếc kiệu bị tấn công bởi cơn mưa... tiền lẻ được “thành kính” ném vào từ mọi hướng.

Đã nhiều năm qua, tình trạng tranh cướp ấn phản cảm này vẫn xảy ra tại Đền Đức Thánh Trần và nay đã trở thành một “đặc sản” đầy mỉa mai của chốn linh thiêng này, trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Ngay tại thủ đô Hà Nội, lễ hội Đền Gióng cũng ghi nhận cảnh các thanh niên vác gậy nện nhau tưng bừng trong lúc cướp kiệu trầu cau.

Ngược lên vùng cao Lào Cai, hội kéo vợ Gầu Tàu trong những ngày tết vừa qua là một trải nghiệm không hề dễ chịu đối với các thiếu nữ H’Mông khi một số bị tấn công, lôi kéo đến tả tơi, hoảng loạn, phải nhờ người yêu và gia đình giải cứu khỏi việc bị bắt về làm vợ người họ không yêu, không thích.

Trở về Bắc Ninh, mãi đến nay nhiều người vẫn chưa hết khiếp vía trước những cảnh máu me, bạo lực của lễ hội chém lợn tại làng Ném Thượng - lễ hội đã khiến Tổ chức Bảo vệ động vật châu Á phải lên tiếng và truyền thông thế giới gọi thẳng là man rợ. Thế nhưng bất chấp phản ứng của dư luận, kể cả lời kêu gọi từ trung ương, dân Ném Thượng vẫn đòi giữ lễ hội và sau khi những chú heo bị chém giết, người ta thản nhiên dùng tiền quệt vào máu chúng để... lấy may.

Chừng như vẫn còn chưa đủ, người Việt tiếp tục tàn phá đến cỏ cây khi có một đám người xúm vào vặt trụi hai cội anh đào được chính phủ Nhật Bản mang sang giao lưu văn hóa. Ngay sau giao thừa tết Nguyên đán, người ta kéo đến đình, chùa và tiện tay bẻ cành, ngắt lá để mang “lộc” về nhà. Ở những lễ hội như chùa Hương, vía Bà chúa Xứ... là cảnh từng xấp tiền được dâng lên như lễ vật, cảnh tiền lẻ ném tứ phía, nhét vào tượng thánh thần, ngựa, hổ như sự trao đổi, mua chuộc thế giới huyền bí.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI