Khám phá mùa nước nổi ở vùng Thất Sơn - Bảy Núi

22/05/2023 - 19:22

PNO - "Sống cùng nước" là tác phẩm mới nhất của nhà văn Trương Chí Hùng (An Giang), nhà xuất bản Kim Đồng vừa ấn hành.

Nhà văn Trương Chí Hùng là một trong những cây bút nổi bật của An Giang. Anh được biết đến qua các tác phẩm gắn liền với miền Tây sông nước: Man mác Vàm Nao, Trong sương thương má, Miền Tây lạ lắm à nghen…

Sống cùng nước là tác phẩm mới nhất của anh, vừa được nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Tác phẩm là những câu chuyện kể về ký ức tuổi thơ của nhà văn, về mùa nước nổi ở vùng Thất Sơn - Bảy Núi (An Giang) - quê hương của nhà văn.

Tác phẩm vừa được ra mắt của nhà văn Trương Chí Hùng
Tác phẩm vừa được ra mắt của nhà văn Trương Chí Hùng

Bằng phong cách văn chương tươi mới, sắc sảo, nhà văn Trương Chí Hùng đã mô tả một cách sinh động về cuộc sống của người dân vùng Thất Sơn - Bảy Núi trong mùa nước nổi. Dưới lăng kính của nhà văn, từ những việc đời thường, bình dị nhất từ làm nước mắm, dỡ chà bắt cá, đến những câu nói hàng ngày đều được diễn giải một cách sinh động và chân thực.

Tác phẩm có hai tầng cảm xúc. Thứ nhất, nếu là người con của vùng đồng bằng sông Cửu Long, người đọc sẽ tìm thấy những hình ảnh thân quen trong từng câu chuyện của nhà văn Trương Chí Hùng. Từ các ngón nghề bắt cá, nhấp ếch, đến những từ ngữ thường được người miền Tây sử dụng trong đời sống hằng ngày như: "ăn cù lao", "ma da rút giò" hay "chơi tới bến"…

Tầng cảm xúc thứ hai là cảm giác thích thú xen lẫn hoài nghi khi đọc cuốn sách này của những độc giả chưa từng biết đến cuộc sống ở miền Tây. Đó là sự hào hứng vì được khám phá cuộc sống mùa nước nổi, hiểu cặn kẽ những vật dụng nhỏ nhặt nhất nhưng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân như: chĩa, đáy, xà búp…

Một tác phẩm về miền Tây của nhà văn Trương Chí Hùng
Một tác phẩm về miền Tây của nhà văn Trương Chí Hùng

Còn hoài nghi, có lẽ vì  lâu nay, nhiều người biết đến mùa nước nổi miền Tây với những khung cảnh êm đềm, nên thơ; hoặc những món đặc sản nổi tiếng: canh chua cá linh, cá lóc nướng trui, bông súng mắm kho... Nhưng mùa nước nổi không chỉ thơ mộng như vậy, mà “mỗi năm nước lớn là bao nỗi kinh hoàng đối với người dân, nước gây đói khát chết chóc, nước trói chân người ta hàng tháng trời trong những căn nhà chật hẹp kê cao gần tới nóc’’…

Có thể nói, thế giới trong ký ức tuổi thơ của nhà văn Trương Chí Hùng lắm điều thú vị, nhưng cũng không thiếu những chuyện đau thương. Nước được ví như tài sản quý giá mang lại nhiều lợi ích cho con người. Nhưng bên cạnh đó, nước cũng mang đến không ít mất mát cho người dân.

Có thể nói, Sống cùng nước không chỉ là một tác phẩm văn học, mà còn là một nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà giáo dục và những ai đang tìm hiểu về văn hóa Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Nhà văn Trương Chí Hùng hiện là giảng viên Trường Đại học An Giang. Năm 2017, anh được trao giải nhất Cuộc thi bút ký Đồng bằng sông Cửu Long với tác phẩm Man mác Vàm Nao. Ngoài tác phẩm này, nhà văn còn ghi đậm dấu ấn trong lòng độc giả qua các tác phẩm về chốn đồng quê, miền sông nước như: Một nửa quê nhà, Nẻo đời phiêu bạt… 

My Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI