“Văn học Tuổi 20” Phát Dương: Viết cho trẻ thơ từ dịch bệnh

13/03/2023 - 18:27

PNO - Nhà văn trẻ Phát Dương – cây bút đồng bằng nổi bật hiện nay - vừa cho ra mắt tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tay: "100 cửa sổ".

Nhà văn trẻ Phát Dương (sinh năm 1995) – cây bút đồng bằng được biết đến từ cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI-2018, với tập truyện Tự nhiên say – vừa cho ra mắt tác phẩm văn học thiếu nhi đầu tay: 100 cửa sổ (nhà xuất bản Kim Đồng).

Phát Dương cũng là một trong những cây bút trẻ nổi bật của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, từng là gương mặt đại diện Cần Thơ tham gia Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X-2022. Các tác phẩm đã được xuất bản trước đó, ngoài Tự nhiên say còn có Mở mắt và mơ, Bộ móng tay màu đỏ.

100 cửa sổ là thử nghiệm mới ở địa hạt văn học thiếu nhi của Phát Dương. Đặc biệt, đây cũng là tác phẩm cho trẻ nhỏ hiếm hoi có khai thác đề tài về dịch bệnh COVID-19.

Nhà văn trẻ Phát Dương
Nhà văn trẻ Phát Dương. Ảnh: facebook nhân vật

Viết cho thiếu nhi là một món quà

* Chúc mừng Phát Dương với tác phẩm thiếu nhi đầu tay! Trước tiên, bạn có thể chia sẻ ý tưởng cho tác phẩm 100 cửa sổ đến với bạn như thế nào? 

- Nhà văn trẻ Phát Dương: Mong muốn viết truyện thiếu nhi là điều tôi đã ấp ủ từ lâu, nhưng mãi chưa biết bắt đầu thế nào. Viết có thông điệp đã khó, viết để các em thật sự thấy hấp dẫn còn khó hơn. Sau khi đã thử nghiệm một số truyện ngắn có yếu tố kì ảo trong tập Mở mắt và mơ, tiếp theo là một vài truyện ngắn đồng thoại, tôi cảm thấy mình đã có một chút vốn liếng rồi. Cần một ý tưởng nữa thôi.

Đó cũng là lúc dịch bệnh xảy ra. Tôi nghĩ: mình có thể phản ánh dịch bệnh như thế nào, làm sao để vẫn giữ được cảm giác hiện thực mà không quá u ám, câu chuyện làm sao để hấp dẫn… Bất giác, tôi nhìn ra cửa sổ, tôi nhớ những cánh cửa im ắng đóng suốt những ngày căng thẳng giới nghiêm. Tôi đã từng ước những cánh cửa sổ được nối với nhau để mọi người gần nhau hơn. Thế là ý tưởng ra đời, từ tất cả những suy nghĩ vụn đó. Tình cờ thay, cánh cửa sổ cũng mang ý nghĩa ngầm: một tác giả lần đầu “mở cửa” để đến với địa hạt văn học thiếu nhi.

* Có điều gì tương đồng từ những con người/sự việc có thật được bạn đưa vào tác phẩm theo cách cổ tích hóa các nhân vật/sự kiện?

- Nguyên mẫu các nhân vật là những người bạn của tôi, dĩ nhiên chỉ là nguyên liệu cho tôi xây dựng nên nhân vật chứ không giống trăm phần trăm. Các sự kiện trong truyện được tôi lấy cảm hứng từ những tin tức trong cuộc sống, cả những gì tuổi thơ tôi từng trải qua nữa.

Khó để một người viết cắt nghĩa rạch ròi nguồn gốc những gì mình viết, tôi chỉ có thể nói nó phản ánh con người tôi và một phần cuộc sống xung quanh tôi. Trong những ngày tháng khó khăn căng mình chống dịch ấy, chúng ta, nhất là những đứa trẻ, luôn hy vọng và mơ ước phải không? Một phép màu, hay một sự động viên nhẹ nhàng, đó là cách tôi muốn khi cổ tích hóa một số sự kiện có thật.

100 cửa sổ được kể khá hấp dẫn, thú vị, rất nhiều yếu tố bất ngờ
100 cửa sổ được kể khá hấp dẫn, thú vị, rất nhiều yếu tố bất ngờ

* Nhiều người cầm bút vẫn cho rằng viết cho thiếu nhi luôn là thử thách. Với 100 cửa sổ, có điều gì làm khó bạn hoặc những thử thách – nếu có – mà bạn đã trải qua cùng trang viết của mình?

- Thật ra tôi nghĩ viết luôn là một thử thách. Xung quanh tôi, các anh chị nhà văn, các tác giả trẻ khác đều đang trong cuộc thử thách của họ. Viết cho thiếu nhi càng “khổ” hơn. Tôi cứ sợ các em thấy không hấp dẫn, sợ viết dài dòng khó hiểu và sợ mình cứ quan trọng thông điệp để rồi truyền tải chúng một cách cứng nhắc. Tôi lo cả logic và diễn biến câu chuyện, thú thật đây là lần đầu tôi viết truyện dài.

Truyện ngắn cho phép tôi thoải mái ứng biến, còn truyện dài đòi hỏi chuẩn bị kĩ càng. Nhưng sau tất cả, khi nghĩ đến niềm vui của các em (và cả niềm vui của chính tôi, trong tôi cũng có một đứa trẻ), tôi đoán mình đã làm tốt phần nào đó. Viết cho thiếu nhi thật sự là một món quà cho chính người viết, khi được chìm đắm trong thế giới tưởng tượng đầy thú vị.

Hướng đến truyện giả tưởng, huyền ảo

* Bạn có phải cân nhắc nhiều khi đưa yếu tố dịch bệnh vào trong tác phẩm cho trẻ thơ? 

- Tôi gặp rắc rối trong việc đưa yếu tố dịch bệnh vào tác phẩm: bao nhiêu là vừa đủ, làm sao chỉ gợi chứ không quá mạnh bạo, nên đầy hy vọng hay buồn bã… Ý tưởng ban đầu của tôi dự định chỉ là hai tập thôi. Nhưng sau đó tôi cảm thấy chưa ưng lắm, khi bắt tay vào viết, ý tưởng cứ thế phát triển lên. Vậy là từ hai, tôi muốn nhiều hơn, bố cục do đó cũng thay đổi.

Ở tập đầu này, và cả tập tiếp theo mà tôi vừa viết xong, dịch bệnh xuất hiện đơn giản và không mấy đậm nét. Đó chỉ mới là đường dẫn nối câu chuyện. Tôi muốn các phần sau sẽ là một đường dây chặt chẽ để thể hiện thông điệp lớn hơn, chứ không chỉ đơn giản là tái hiện sự thật vào tác phẩm. Tôi muốn một kết thúc ấn tượng. Giờ thì cái kết ấy chưa được viết ra đâu, các bạn cứ chờ đó (cười).

Một tác phẩm khác viết cho bạn đọc trẻ của Phát Dương
Một tác phẩm khác viết cho bạn đọc trẻ của Phát Dương

* Dù thế nào, hành trình “chơi với trẻ nhỏ” chỉ mới bắt đầu, bạn có nghĩ rằng sẽ tiếp tục với văn học thiếu nhi? 

- Càng viết càng yêu thích, khó dứt được lắm. Tôi nghĩ những nhà văn viết cho thiếu nhi cũng sẽ cảm thấy giống như tôi, ta yêu những gì ta viết ra, ta yêu cảm giác sẽ mang đến cho các bạn nhỏ những tác phẩm hay. Tôi thích sự tưởng tượng, những thế giới bí ẩn, đầy phép màu, những sinh vật huyền bí, những giấc mơ, những điều ước…

Tôi nghĩ mảng truyện thiếu nhi có tính huyền ảo, và cả giả tưởng nữa, sẽ là thứ tôi hướng tới. Khi nghĩ về chuyện viết cho thiếu nhi, tôi bắt đầu tự hỏi, nếu Harry Potter ở miền Tây, thì có vừa chống xuồng vừa dùng phép thuật không nhỉ? Có những sinh vật huyền bí gì ở quê tôi? Có ai đưa tất cả những thứ ấy, trong một góc nhìn huyền ảo, đến với các em chưa? Nếu chưa, thì tôi sẽ viết. 

* Tuổi thơ và vùng đất mà bạn đang sống có ý nghĩa như thế nào với bạn trong các sáng tác văn chương nói chung và cho trẻ nhỏ nói riêng?

- Trong suốt những năm tháng tuổi thơ, gia đình tôi ở trọ và chuyển trọ liên tục. Lúc đó, sách vở là đôi mắt của tôi, tôi không thật sự tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài. Hãy tưởng tượng nhé, bạn sẽ ở cùng gia đình trong một phòng trọ chưa tới mười mét vuông, bạn nhìn cuộc sống bằng những trang sách sẽ đưa bạn tới bất cứ đâu (tôi cảm ơn những trang sách đã ở cạnh tôi giai đoạn ấy).

Mãi sau này, năm tôi học 12 có dịp vào nhà bạn ở nhờ một thời gian để cùng ôn tập, tôi mới thật sự cảm nhận một vùng quê miền Tây là như thế nào. Bốn bức tường đã đổ, tôi thấy cây cỏ, con sông, nắng gió, những con người. Đó là kho báu của tôi, bên cạnh trí tưởng tượng. Tất cả những truyện ngắn tôi từng viết ít nhiều đều từ những trải nghiệm ấy.

* Cảm ơn Phát Dương!

Lục Diệp (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI