Nhật Bản: Nhà vệ sinh công cộng phản ánh tình trạng bất bình đẳng giới

22/07/2025 - 14:40

PNO - Kết quả một khảo sát độc lập của bà Manami Momose – luật sư hành chính tại Tokyo – đã cho thấy đang tồn tại tình trạng bất bình đẳng giới tại không gian công cộng ở Nhật Bản..

Bà Manami Momose tiến hành khảo sát
Bà Manami Momose tiến hành khảo sát hơn 900 địa điểm nhà vệ sinh công cộng và phát hiện rằng số lượng bồn vệ sinh dành cho nữ giới ít hơn nam giới. Ảnh: Manami

Ở Nhật Bản, hình ảnh phụ nữ kiên nhẫn xếp hàng dài chờ đến lượt vào nhà vệ sinh tại các ga tàu, trung tâm thương mại hay các khu vực đông người từ lâu đã là điều bình thường. Trong khi đó, nhà vệ sinh nam hiếm khi có cảnh tượng tương tự. Nhiều người vẫn cho rằng điều này đơn giản chỉ vì phụ nữ mất nhiều thời gian dùng nhà vệ sinh hơn. Tuy nhiên, một cuộc khảo sát độc lập đã chỉ ra một sự thật khác: nam giới có số lượng bồn vệ sinh gần gấp đôi so với nữ giới.

Người thực hiện khảo sát là bà Manami Momose, một nữ luật sư hành chính 60 tuổi sống tại Tokyo. Trong một chuyến đi đến tỉnh Okayama vào mùa hè 2022 để cổ vũ cho nhóm nhạc nam Junretsu, bà đã phải chờ rất lâu để đến lượt vào nhà vệ sinh tại ga JR Kurashiki. Lúc đó, Momose nhận thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa nhà vệ sinh nam và nữ được liệt kê trên bảng thông tin: nam có 7 chỗ (bao gồm cả bồn tiểu), trong khi nữ chỉ có 4 buồng.

Từ trải nghiệm đó, bà quyết định bắt tay vào cuộc khảo sát kéo dài gần 3 năm, ghi nhận số lượng nhà vệ sinh tại 907 địa điểm công cộng như nhà ga, trung tâm thương mại khắp Nhật Bản. Khi không có thông tin công khai, bà nhờ chồng, bạn bè là nam giới hoặc hỏi trực tiếp những người xung quanh để thu thập dữ liệu.

Kết quả cho thấy, trung bình các địa điểm công cộng có số lượng bồn vệ sinh dành cho nam nhiều hơn nữ đến 1,73 lần. Chỉ có 5% địa điểm khảo sát bố trí nhà vệ sinh cho nữ nhiều hơn nam.

Những con số này nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận khi bà Momose chia sẻ chúng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) kèm hashtag #OnlyLongLinesForWomensRestrooms (tạm dịch: Chỉ có phụ nữ phải chờ để đi vệ sinh). Nhiều người dùng bày tỏ sự đồng cảm và bất bình: ''Phụ nữ đang bị buộc phải chờ đợi'', ''Không thể chấp nhận được khi nữ giới lại đông hơn nam đến 3,3 triệu người mà vẫn có ít toilet hơn''.

Cuộc khảo sát của bà Manami Momose nhận được nhiều sự đồng cảm của phái nữ khi hé lộ sự bất bình đẳng tại không gian công cộng ở Nhật Bản. Ảnh: Manami
Cuộc khảo sát của bà Manami Momose nhận được nhiều sự đồng cảm của phái nữ khi phát hiện sự bất bình đẳng tại không gian công cộng ở Nhật Bản. Ảnh: Manami

''Phụ nữ thực sự phải xếp hàng lâu hơn vì số lượng toilet thấp hơn. Ít nhất, chúng tôi nên có số lượng tương đương với nam giới. Mặc dù phụ nữ cần nhiều thời gian để sử dụng hơn nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc phải chấp nhận sự bất tiện này. Đây là vấn đề về nhân quyền và sức khỏe'' - bà Momose nói.

Khi được hỏi về tình trạng tại ga Kurashiki, đại diện đơn vị vận hành cho biết việc thiết kế số lượng nhà vệ sinh được tính toán dựa trên tổng thể diện tích và quy mô nhà ga. Trong khi đó, một công ty vận tải ở Tokyo cho rằng việc bố trí diện tích bằng nhau giữa nhà vệ sinh của nam và nữ, tuy nhiên, nhờ bồn tiểu nam có kích thước nhỏ gọn hơn nên số lượng bồn tiểu nam luôn nhiều hơn.

''Chúng tôi vẫn đang cân nhắc phương án tối ưu dựa trên phản hồi của hành khách'' - đại diện nhà ga cho biết.

Ông Atsushi Kato - chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận Japan Toilet Labo - hoan nghênh khảo sát của Momose, coi đây là bước quan trọng để ''làm rõ một vấn đề vốn lâu nay bị xem nhẹ''.

Theo ông, nhà vệ sinh công cộng trong tương lai cần tính đến sự đa dạng trong nhu cầu xã hội không chỉ đáp ứng cho nam và nữ, mà còn phải phù hợp với người dùng xe lăn, xe đẩy trẻ em, khách du lịch và cả những người mang theo hành lý cồng kềnh.

''Nhà vệ sinh cần được xem xét thiết kế từ nhiều góc độ khác nhau, vì đó là một phần của sự văn minh đô thị'' - ông Kato nhấn mạnh.

Nhật Minh (theo JT)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI