Cấm mặc trang phục bác sĩ, lấy danh nhân viên y tế quảng cáo thực phẩm

22/07/2025 - 21:50

PNO - Đây là một trong những nội dung được quy định tại dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), đang được Chính phủ lấy ý kiến đóng góp.

Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) cấm người bán thực phẩm, thực phẩm chức năng mặc áo bác sĩ - ảnh cắt từ clip
Dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) cấm người bán thực phẩm, thực phẩm chức năng mặc áo bác sĩ - ảnh minh họa cắt từ clip

Phạt hành chính tối đa 400 triệu đồng

Dự thảo của Chính phủ chỉ ra, sau 15 năm thực hiện, Luật An toàn thực phẩm (ATTP) đã đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về thực phẩm. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy một số quy định của Luật ATTP đã không còn phù hợp yêu cầu quản lý, tạo ra một số vướng mắc, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, dự thảo Luật ATTP (sửa đổi) đã bổ sung một số hành vi nghiêm cấm khi thực hiện quảng cáo, kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử; quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng.

Theo đó, quảng cáo thực phẩm chức năng không được sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, ý kiến của người bệnh, lời nói, bài viết của nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Quảng cáo cấm tiết lộ thông tin người mua hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin để truy xuất hàng hóa theo quy định khi thực hiện kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử. Quy định này nhằm giải quyết vấn đề bất cập phát sinh trong thực tiễn và tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Bộ Y tế cũng sửa đổi, nâng mức tiền phạt với các hành vi vi phạm hành chính. Mức phạt tiền tối đa là 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức, trừ trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm thì mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm; tiền có được do vi phạm sẽ bị tịch thu theo quy định của pháp luật.

Đáng lưu ý, dự thảo làm rõ quyền và trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, bổ sung quyền và trách nhiệm cơ sở đứng tên đăng ký lưu hành.

Về điều kiện bảo đảm an toàn, chất lượng đối với thực phẩm, nguyên liệu làm thực phẩm, dự thảo bổ sung quy định về lưu thông thực phẩm, nguyên liệu làm thực phẩm; quy định về về hình thức, đối tượng cấp, thu hồi giấy lưu hành và tự công bố hoặc hủy bỏ bản tự công bố.

“Hết thời” tự công bố sản phẩm hợp quy

Dự thảo Luật ATTP cũng có nhiều điểm mới. Nổi bật là sự thay đổi về phương thức quản lý sản phẩm.

Dự thảo thay đổi phương thức công bố sản phẩm theo hướng chuyển từ công bố hợp quy sang đăng ký lưu hành hoặc tự công bố.

Cụ thể, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi; thực phẩm bổ sung; bắt buộc áp dụng biện pháp cấp Giấy đăng ký lưu hành sản phẩm và bổ sung quy định trách nhiệm của chủ sở hữu số đăng ký lưu hành trong việc quản lý sản phẩm trong suốt quá trình từ sản xuất, nhập khẩu đến lưu thông trên thị trường (bao gồm cả nội dung quản lý chất lượng).

Đối với thực phẩm đã chế biến bao gói sẵn không thuộc các trường hợp phải đăng ký lưu hành; phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tự công bố sản phẩm trước khi lưu thông và phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm và ghi nhãn sản phẩm.

Chính phủ khẳng định, đối với những nhóm cần kiểm soát chặt hơn phải có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn những nhóm sản phẩm thông thường.

Để khắc phục tình trạng chồng chéo trong quản lý, dự thảo cũng xác định Bộ Y tế là đầu mối chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ATTP trên phạm vi cả nước và giao các Bộ liên quan phối hợp với Bộ Y tế trong thực hiện quản lý nhà nước về thực phẩm.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI