Bưu điện Sài Gòn: Ký ức trong lòng thành phố

22/07/2025 - 13:07

PNO - Giữa nhịp sống hối hả, những tòa nhà chọc trời và dòng xe cộ chạy suốt ngày đêm, có một nơi khiến lòng người lắng lại. Đó là Bưu điện Sài Gòn.

Đối với tôi, Bưu điện Sài Gòn như một người bạn già sẵn sàng kể lại những câu chuyện cũ một thời vàng son. Giờ như du khách, tôi không vội vã, không tìm kiếm gì ngoài một miền ký ức. Giữa lòng thành phố hiện đại, nơi từng mét vuông đất đều có thể bị nuốt chửng bởi những tòa nhà thương mại, Bưu điện Sài Gòn vẫn đứng đó, bình thản, vững chãi, kiêu hãnh như thuở ban đầu.

Thế giới cũ xưa

Công trình này được xây dựng từ năm 1886 đến năm 1891, dưới thời Pháp thuộc, theo thiết kế của kiến trúc sư Alfred Foulhoux. Ông là kiến trúc sư trưởng của chính quyền thuộc địa Đông Dương thời ấy. Có người cho rằng Gustave Eiffel, kiến trúc sư của tháp Eiffel lừng danh, đã tham gia thiết kế phần khung thép của bưu điện này. Nhưng theo nhiều nguồn tôi tham khảo được, chuyện đó không chính xác.

Bưu Điện Sài Gòn được xây theo phong cách kiến trúc Gothic cổ điển pha trộn các yếu tố Phục Hưng và chịu ảnh hưởng của kiến trúc Pháp thế kỷ 19. Nhìn từ xa, tòa nhà như một viên ngọc không phô trương. Mái vòm cao, mặt tiền được trang trí bằng những đường nét hoa văn tinh xảo, hài hòa với không gian mở rộng phía trước. Đó là nơi nhiều người - nhất là du khách - vẫn thường dừng chân chụp ảnh, hay đơn giản là đứng nói chuyện với nhau.

Ngay hai bên vòm cửa vào Bưu Điện là tên của những nhà bác học - Volta, Ampère, Franklin, Faraday. Hẳn đó là lời tri ân gởi đến những người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành điện và điện tín, lĩnh vực đã góp phần quan trọng trong việc hình thành mạng lưới liên lạc ở Đông Dương xưa.

Bước qua cánh cửa lớn bằng sắt, không gian bên trong mở ra một thế giới hoàn toàn khác. Mái vòm cao vút, kết cấu thép đan xen thành từng lớp chắc chắn. Ánh sáng tự nhiên len lỏi qua những ô kính lớn, soi rõ những chi tiết chạm khắc trên các trụ cột, những hoa văn trang trí trên trần nhà. Bên hông hành lang rộng lớn ở phía đầu và cả chính giữa phía cuối là những hàng ghế gỗ dài, nơi du khách và người dân có thể ngồi nghỉ chân, trò chuyện, viết lách, hoặc ngắm nhìn sự nhộn nhịp diễn ra xung quanh.

Bưu điện Sài Gòn - Nơi kể chuyện

Tòa nhà này như đang âm thầm kể chuyện về một thời mà những dòng thư tay có thể làm rung động trái tim hơn bất kỳ tin nhắn hiện đại nào qua Zalo,Viber hoặc Messenger.

Ngay khi bước vào tòa nhà này, nhìn lên cao hai bên tường sẽ thấy hai bản đồ cổ kính. Một bên là bản đồ Sài Gòn và vùng phụ cận được vẽ từ năm 1892, với những con đường, kênh rạch như muốn kể lại câu chuyện hình thành của một thành phố kiểu phương Tây. Bên kia là bản đồ hệ thống điện tín của miền Nam Việt Nam và Campuchia từ năm 1936, cho thấy mạng lưới liên lạc thời đó đã từng được phát triển khá tốt rồi.

Có lẽ không nhiều người biết rằng tiền thân nơi này là "Sở Dây thép Sài Gòn", được thành lập từ năm 1860, chỉ 1 năm sau khi người Pháp chiếm được Sài Gòn. Đến năm 1863 thì "Sở Dây thép" chính thức đi vào hoạt động.

Những ngày ấy, con tem bưu chính đầu tiên, dân gian gọi là "Con cò", đã được phát hành. Hình ảnh con cò in trên tem như một biểu tượng mộc mạc, giản dị, gắn bó với người dân Sài Gòn suốt một thời gian dài.

Bưu điện hiện tại chỉ được xây dựng gần 30 năm sau đó, thay thế cho trụ sở cũ. Đây không đơn thuần là một công trình phục vụ hành chính, mà còn là biểu tượng của quyền lực, của trật tự, và cao hơn hết là của sự kết nối.

Bưu điện cũng đã từng là nơi những người lính viễn chinh viết thư về quê nhà. Đó cũng là nơi những người yêu xa mong mỏi dòng tin nhắn, nơi các em nhỏ lần đầu biết gửi một tấm thiệp mừng sinh nhật. Bưu điện này vẫn mang trong mình ký ức của hàng triệu con người.

Cuộc thích ứng của chốn cũ, nơi xưa

Hôm nay, Bưu điện Sài Gòn vẫn tiếp tục sống, và thêm chức năng khác. Nó đã trở thành một điểm đến du lịch nổi bật, một không gian văn hóa hoài niệm giữa lòng thành phố. Những quầy bán tem, bưu thiếp, đồ lưu niệm thủ công luôn tấp nập khách.

Trước đây, tại một cái bàn phía cuối sảnh có một cụ già, ngày ngày ngồi viết thư thuê cho khách Anh, Pháp, Việt... bằng tay, nắn nót từng nét chữ cho khách trong nước lẫn nước ngoài. Cả hàng thập kỷ, đó như một mảnh hồn xưa cũ.

Ngày nay, cũng có thể dễ dàng bắt gặp một nhóm sinh viên nước ngoài chụp ảnh dưới mái vòm, một cặp vợ chồng già người Việt Nam nắm tay nhau đi dạo trong sảnh, hay một đứa trẻ tròn mắt ngước nhìn bản đồ cũ như đang muốn tưởng tượng về một Sài Gòn xưa, lặng lẽ, không xe gắn máy.

Tôi thích ngồi trên một chiếc ghế gỗ dọc hành lang ngay khi vào Bưu Điện, nhắm mắt lại, để mọi thứ xung quanh trôi chậm lại. Không khí ở đây như có mùi đặc trưng. Đó là mùi giấy cũ, mùi gỗ, và dường như, cả mùi thời gian. Đối với tôi, có gì đó rất Sài Gòn, rất thân thương, mà không trung tâm thương mại nào thay thế được.

Có lẽ Bưu điện Sài Gòn không chỉ là một điểm đến hay một công trình kiến trúc đẹp. Nó là biểu tượng của một miền ký ức. Những ai từng sống và trưởng thành ở Sài Gòn, đi xa rồi trở về, hầu hết đều ghé qua đây. Có thể đó là một cách để ôn lại những ngày thơ trẻ, để lắng nghe tiếng vọng của quá khứ.

Sài Gòn đã thay đổi quá nhiều. Cao ốc văn phòng, khu dân cư mới mọc lên nhanh chóng, rồi thêm một tuyến metro, nhưng Bưu điện vẫn ở đó như một lời nhắn nhủ rằng có những điều không nên bị quên lãng.

Đó không chỉ là nơi gửi thơ, bưu kiện, mà còn là nơi gửi gắm kỷ niệm, nỗi nhớ và cả tình yêu đối với những ai từng tay đan tay bước vào đây những ngày xưa cũ.

Tòa nhà Bưu điện Sài Gòn (Bưu điện Thành phố) tọa lạc tại số 2 Công xã Paris, phường Sài Gòn, từng là công trình được xếp thứ hai trong danh sách 11 bưu điện đẹp nhất thế giới do Tạp chí kiến trúc Architectural Digest của Mỹ bình chọn.

Ngọc Trân
Ảnh: Khải Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI