Có nên cắm sạc suốt ngày đêm?

22/07/2025 - 09:07

PNO - Liệu có rủi ro hay tốn kém khi để sạc cắm suốt ngày suốt đêm?

sạc cắm vào ổ mà không kết nối thiết bị, nó vẫn tiêu thụ một lượng điện nhỏ
Sạc cắm vào ổ mà không kết nối thiết bị vẫn tiêu thụ một lượng điện nhỏ - Ảnh: Freepik

Có thể bạn đang để sạc điện thoại cắm sẵn mà chẳng bao giờ rút ra khỏi ổ cắm, ngay cả khi không sử dụng. Bộ sạc laptop cũng vậy. Liệu có rủi ro hay tốn kém khi để sạc cắm suốt ngày suốt đêm? Dưới đây là giải thích của chuyên gia Glen Farivar - giảng viên Điện tử công suất, Đại học Melbourne, Úc.

Bên trong một bộ sạc có gì?

Không phải bộ sạc nào cũng giống nhau. Tùy vào mục đích sử dụng và công suất, cấu tạo bên trong bộ sạc có thể đơn giản hoặc phức tạp.

Tuy nhiên, một bộ sạc thông thường sẽ nhận dòng điện xoay chiều (AC) từ ổ cắm tường và chuyển đổi thành dòng điện một chiều (DC) với điện áp thấp, phù hợp với pin thiết bị của bạn.

Để hiểu sự khác biệt giữa AC và DC, hãy hình dung dòng electron chạy trong dây dẫn. Trong mạch DC, electron di chuyển theo một chiều và tuần hoàn liên tục. Còn trong mạch AC, electron chỉ dao động qua lại mà không di chuyển theo vòng khép kín.

Hiện nay, điện năng thường được tạo ra dưới dạng AC, nhưng các thiết bị điện hiện đại và pin lại cần dòng DC. Do đó, hầu như mọi thiết bị điện đều đi kèm bộ chuyển đổi AC - DC.

Để thực hiện chuyển đổi AC sang DC, một bộ sạc cần các linh kiện như máy biến áp, mạch chuyển đổi điện, bộ lọc để cải thiện chất lượng điện áp đầu ra và mạch điều khiển để đảm bảo ổn định và an toàn.

Sạc vẫn tiêu thụ điện ngay cả khi không sạc thiết bị

Hiện tượng “điện ma” (vampire power) là có thật. Nếu bạn để sạc cắm vào ổ mà không kết nối thiết bị, nó vẫn tiêu thụ một lượng điện nhỏ. Phần điện này dùng để duy trì hoạt động của các mạch điều khiển và bảo vệ, phần còn lại bị thất thoát dưới dạng nhiệt.

Nếu bộ sạc bị nóng bất thường, phát ra tiếng động hoặc có dấu hiệu hư hỏng, thì đã đến lúc cần thay mới
Nếu bộ sạc bị nóng bất thường, phát ra tiếng động hoặc có dấu hiệu hư hỏng, thì đã đến lúc cần thay mới - Ảnh: Freepik

Khi xét riêng lẻ, lượng điện tiêu thụ này rất nhỏ và gần như không đáng kể. Nhưng nếu cộng tất cả bộ sạc trong nhà lại, qua thời gian, mức năng lượng bị lãng phí có thể trở nên đáng kể.

Không chỉ sạc mà các thiết bị điện tử khác như tivi cũng tiêu thụ một ít điện khi ở chế độ chờ.

Tùy vào số thiết bị bạn để cắm suốt, qua cả năm, lượng điện lãng phí có thể lên đến vài kilowatt giờ.

Tuy nhiên, các bộ sạc hiện đại đã được thiết kế để giảm thiểu tối đa mức tiêu thụ điện khi không hoạt động. Chúng thường được tích hợp bộ quản lý năng lượng thông minh, giúp đưa thiết bị vào chế độ “ngủ” cho đến khi có thiết bị ngoại vi cần sạc.

Các rủi ro khác

Bộ sạc sẽ dần xuống cấp theo thời gian do dòng điện chạy qua, đặc biệt nếu điện áp đột ngột tăng cao hơn mức thiết kế.

Lưới điện là một môi trường đầy biến động, và các đợt tăng điện áp có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Nếu để bộ sạc liên tục tiếp xúc với các sự cố như vậy, tuổi thọ của nó sẽ giảm nhanh chóng. Dù các thiết bị hiện đại được thiết kế tốt hơn để chịu đựng tình trạng này, các loại sạc rẻ tiền, không đạt chuẩn có thể thiếu bảo vệ phù hợp và tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ.

Nên sử dụng bộ sạc thế nào?

Mặc dù các bộ sạc hiện đại nhìn chung rất an toàn và tiêu thụ điện ở mức tối thiểu khi không sử dụng, bạn vẫn nên rút phích cắm nếu tiện.

Nếu bộ sạc bị nóng bất thường, phát ra tiếng động hoặc có dấu hiệu hư hỏng, thì đã đến lúc cần thay mới, và tuyệt đối không nên tiếp tục cắm nó vào ổ điện.

Thanh Vân (theo independent)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI