Hiếu kì bất chấp hiểm nguy: “Diện mạo” khác của sự vô cảm

22/07/2025 - 20:01

PNO - Sáng 22/7, tại khu vực biển Quất Lâm (tỉnh Nam Định cũ), biển động dữ dội. Hình ảnh một thanh niên chăm chú căn góc chụp đợt sóng đang ập tới chỉ cách vài mét, được đăng trên Phunuonline, khiến tôi giật mình. Và đáng nói, đây không phải trường hợp cá biệt.

Thật khó lí giải vì sao thói quen tò mò đến mức liều lĩnh ấy vẫn thường xuyên diễn ra trong đời sống hàng ngày của một bộ phận người dân.

Như một phản xạ đã ăn sâu vào nếp nghĩ: hễ có hiện tượng lạ, tai nạn, xô xát … là đám đông kéo đến. Không phải để giúp, mà để xem. Không phải để hỗ trợ, mà để quay clip, đăng Facebook, tìm kiếm tương tác.

Thanh niên liều lĩnh chụp ảnh song biển trong con giông bão
Thanh niên liều lĩnh chụp ảnh sóng biển trong cơn giông bão

Tôi nhớ một lần trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TPHCM) kẹt cứng. Tưởng đâu có tai nạn nghiêm trọng, hóa ra chỉ là va quẹt nhẹ giữa hai xe máy. Cảnh sát giao thông chưa đến, hai người đang cãi nhau gay gắt, xung quanh đã chật kín người. Một số thanh niên cười cợt, livestream. Họ thản nhiên dựng xe giữa đường, mặc kệ dòng phương tiện ùn tắc.

Tò mò đến mức liều lĩnh, đó dường như là thói quen khó bỏ của một bộ phận người Việt. Không ít lần tôi chứng kiến đám đông vây quanh một vụ đánh nhau, thậm chí có hung khí. Không ai can ngăn, chỉ đứng coi cho biết. Tai nạn giao thông xảy ra, thay vì hỗ trợ hay gọi cấp cứu, nhiều người dừng xe giữa đường quay video, chụp ảnh đăng lên mạng.

Tôi từng hỏi một người live stream một vụ va quẹt, thay vì lúc đó anh có thể cùng mọi người dựng xe và thu lượm số hàng hoá đổ tung toé trên đường: “Sao anh không giúp, mà đứng quay phim?” Anh ta trả lời tỉnh bơ: “Tui mắc quay clip. Thì cũng có mọi người phụ rồi, đâu cần tui”. Thực sự lúc đó tôi cũng không biết mình nên nói gì thêm! Phải chăng chúng ta đang sống trong một xã hội nơi tò mò được ưu tiên hơn trách nhiệm, nơi người ta dừng lại không phải để làm điều đúng, mà vì sợ bỏ lỡ thứ gì đó… gây sốt?

Vấn đề không nằm ở sự tò mò, vì đó là bản năng của con người. Điều chúng ta cần là phải nhận diện rõ ranh giới giữa tò mò và vô cảm, giữa hiếu kì và vô trách nhiệm. Nếu không được điều chỉnh, thói quen này sẽ không chỉ gây nguy hiểm cho chính người tò mò, mà còn ảnh hưởng đến những người cần được giúp đỡ hoặc công tác xử lí tình huống khẩn cấp. Không thể xây dựng một xã hội tử tế nếu ai cũng chọn đứng xem thay vì hành động, chọn ghi hình thay vì giúp đỡ.

Đám đông tò mò, hiếu kỳ, nỗi ám ảnh trong các đám tang của người nổi tiếng
Đám đông tò mò, hiếu kì, nỗi ám ảnh trong các đám tang của người nổi tiếng

Người ta lí giải sự tò mò là bản năng. Nhưng điều đáng nói là bản năng ấy đang được kích hoạt bởi thói quen sống trong không gian mạng. Khi một sự kiện chưa được quay lại, tức là chưa “tồn tại”. Khi một video chưa đạt vài nghìn view, tức là chưa “xứng đáng” với rủi ro người quay phải đối mặt. Mạng xã hội đã biến không ít người thành những người ghi hình lạnh lùng, bất chấp hoàn cảnh, hậu quả.

Tôi không phủ nhận giá trị của việc ghi hình trong một số trường hợp, như làm bằng chứng pháp lí, hỗ trợ điều tra. Nhưng giữa ranh giới của việc ghi lại vì trách nhiệm và quay clip vì “content”, nhiều người đang chọn vế thứ 2.

Công nghệ không có lỗi. Nhưng nếu công nghệ phát triển mà văn hóa không theo kịp, hậu quả sẽ rất lớn. Khi mạng xã hội có thể lan truyền hàng triệu lượt xem chỉ trong vài phút, thì chính chúng ta, những người tạo ra nội dung, cần đặt ra một giới hạn nhất định cho sự tò mò.

Phước Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI