Kệch cỡm tour Một ngày làm điền chủ

10/10/2020 - 06:47

PNO - Làm du lịch văn hóa mà không hiểu văn hóa chính là phá hoại văn hóa. Tour Một ngày làm điền chủ tại làng du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ) - được một số công ty du lịch khai thác vài năm trở lại đây - là một trong những trường hợp như vậy.

Website của làng du lịch Mỹ Khánh quảng cáo “chương trình tour đặc sắc Một ngày làm điền chủ”, với lời rao: “Quý khách được trở về với văn hóa Nam bộ xưa, mặc những bộ trang phục từ những năm 1930 và được phục vụ - tham gia đóng điền chủ do các ê-kíp phục vụ: tá điền - người hầu…”. 

Theo giới thiệu, hành trình tour gồm: tham quan nhà cổ Nam bộ, thay trang phục truyền thống của gia đình đại điền chủ, nghe máy hát đĩa quay tay, được “cai tổng” và “tá điền” (do nhân viên làng du lịch nhập vai) đấm bóp hầu quạt. Sau đó, cai tổng và tá điền tiếp tục đưa khách đi tham quan điền, làng nghề truyền thống, vườn trái cây, các khu vui chơi.

Buổi trưa, trước khi thưởng thức bữa cơm điền chủ, khách được “tá điền mang thau nước ướp hoa thơm cho rửa tay, hầu bàn và quạt”… Kết thúc chương trình, cai tổng và tá điền tiễn khách. Ngoài ra còn có hai chọn lựa trải nghiệm khác cho du khách: Bữa cơm điền chủ, Đại gia đình điền chủ với cách thức phục vụ tương tự.

Hình ảnh được quảng cáo trên website làng du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ) về tour Một ngày làm điền chủ
Hình ảnh được quảng cáo trên website làng du lịch Mỹ Khánh (Cần Thơ) về tour Một ngày làm điền chủ

Thoạt nghe, chương trình có vẻ hấp dẫn vì yếu tố “độc, lạ”. Thực đơn bữa trưa phong phú được quảng cáo gồm “Bảy món đặc sản đồng quê đặc trưng những năm 1930-1945”. Nhưng những hình ảnh cai tổng khom mình cúi chào, tá điền che lọng cho “gia đình điền chủ” hay cùng phục dịch đấm bóp, hầu bàn, hầu quạt thật gây giật mình.

Ở góc độ du khách, Phương Hà (27 tuổi, nhân viên văn phòng, TP.HCM) cho rằng kiểu kinh doanh tour “điền chủ” như thế này vô cùng phản cảm. Một nhà kinh doanh các sản phẩm du lịch văn hóa có thâm niên bức xúc: “Không nên khai thác một tour du lịch trải nghiệm kệch cỡm như vậy”.

Hình ảnh địa chủ, đại điền chủ gắn liền với một giai đoạn khốn cùng của nông dân Việt Nam, từ thời phong kiến đến thực dân, đế quốc. Phát triển tầng lớp đại địa chủ ở Nam Kỳ những thập niên 1930 cũng là chủ trương của thực dân Pháp, phục vụ cho mục đích cai trị thuộc địa, gia tăng bóc lột phong kiến và chiếm đoạt lợi nhuận cao nhất ở Nam Kỳ. Nông dân Việt Nam phải chịu cảnh nộp tô, thuế nặng nề đến mức bần cùng hóa.

“Chế độ địa tô ở Nam bộ rất nặng nề, từ 50% hoa lợi trở lên, có nơi địa chủ thu tới 70-80% hoa lợi. Nông dân chẳng những phải nộp tô cho địa chủ, mà còn thuế đinh, thuế điền, cùng các thứ thuế khác. Chính sách ruộng đất của thực dân Pháp tạo nên chế độ tập trung ruộng đất ở Nam Bộ là xuất phát hoàn toàn từ quyền lợi cho chúng, giai cấp địa chủ Nam bộ là phục vụ quyền lợi của chúng” - ghi chép của giáo sư Nguyễn Công Bình trong cuốn sách Đời sống xã hội ở vùng Nam bộ (Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM, 2008).

Báo Phụ nữ Tân văn, số ra ngày 18/6/1931 miêu tả đời sống khốn đốn của nông dân: “Lúa gạo, heo gà, bông trái, huê lợi, thứ gì cũng rẻ mạt hết thảy, trái lại dân lại đói nghèo”. Trong các tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh, thân phận tá điền đã chịu biết bao áp bức, chèn ép, vùi dập. Địa chủ Nam bộ giai đoạn này là bộ phận tiếp tay cho thực dân bóc lột dân nghèo. Vậy thì có gì vui khi tái hiện lại cảnh đại điền chủ ăn uống phủ phê, kẻ hầu người hạ trong tour trải nghiệm Một ngày làm điền chủ?

Các nhà làm kinh doanh cố gắng sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không thể sáng tạo bừa bãi theo cách này. Đó là chưa kể mô hình du lịch Một ngày làm điền chủ của làng du lịch Mỹ Khánh lại mô phỏng sai lệch, xuyên tạc lịch sử.

“Giúp việc nhà hay phục dịch cá nhân cho các "chủ ruộng", "chủ điền" và người giàu có là những người ở mướn (giúp việc nhà ăn công), và những người ở đợ (giúp việc nhà trừ nợ). Còn cai tổng là chức vụ hành chính đứng đầu cấp tổng (dưới cấp quận, trên cấp xã) trong hệ thống hành chính Nam bộ đương thời. Chức vụ này thường do một người Việt "có máu mặt" ở địa phương đảm nhiệm, để làm trung gian giữa chức việc các xã với viên quận trưởng người Pháp.

Cai tổng cũng có thể đồng thời là chủ đất, chủ điền, nhưng đó là những tư cách khác nhau. Không có chuyện ông cai tổng phục dịch chủ đất, chủ điền như kẻ ăn người ở. Những trò diễn ở tour du lịch trải nghiệm Một ngày làm điền chủ hoàn toàn là sự xuyên tạc lịch sử và văn hóa Nam Bộ. Thực chất, họ đang bịa đặt lịch sử và văn hóa, tạo ra “của giả” câu khách để thay “của thật” mà họ không biết đến hoặc bất chấp. 

Điều đáng lên án ở đây, đôi khi những cái sai ấy đã xúc phạm những truyền thống và giá trị văn hóa của dân tộc. Nói cách khác, họ “ăn nhờ” vào di sản văn hóa, đồng thời phá hoại các di sản ấy” - tiến sĩ Lý Tùng Hiếu, Khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM nhìn nhận.

Miền Tây Nam bộ với những đặc trưng về địa lý tự nhiên sông nước, ẩm thực đồng bằng đặc sắc, miệt vườn sum suê hoa trái - vốn luôn có sức hấp dẫn riêng. Đẻ ra kiểu tour trải nghiệm dị bản kệch cỡm, lệch lạc thế này, những người làm du lịch muốn giới thiệu với du khách nước ngoài “nét đẹp” gì của văn hóa Nam bộ thời địa chủ? 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI