"Indochine": Đông Dương một thời xa vắng

15/05/2022 - 08:04

PNO - Ra mắt tháng 4/1992, "Indohine" của đạo diễn người Pháp Régis Wargnier, lấy bối cảnh Việt Nam thời còn thuộc địa của Pháp, từng chiến thắng hạng mục Phim ngoại ngữ hay tại Oscar lần thứ 65. Tròn 30 năm kể từ ngày công chiếu, bộ phim vẫn có một sức hấp dẫn đặc biệt khi nhìn về một giai đoạn lịch sử.

 

'Đông Dương nỗ lực xây dựng những kết nối tinh thần với lịch sử
'Đông Dương" nỗ lực xây dựng những kết nối tinh thần với lịch sử

Điều gì làm nên lịch sử của một dân tộc, một thời kỳ, một giai đoạn? Đó có phải là những sự kiện, những con số, hay diễn biến của một cuộc chiến rạch ròi phe chính nghĩa và phi nghĩa? Hay đó là những đánh giá, nhận định, nghiên cứu thuần lý tính?

Những thứ kể trên có thể giúp ta ghi nhận thông tin, nhưng chưa chắc nó sẽ mang đến một điều quan trọng: sự kết nối tinh thần với lịch sử. Sự nối kết ấy có thể được hiểu như một sự đồng vọng, cảm nhận những trang sử tựa như những thanh âm ngân vang trong sâu thẳm chính mình. 

Indochine, sau 30 năm vẫn tạo nên sức hút đối với khán giả bởi nó đã thể hiện được nỗ lực trong việc tạo nên sự kết nối ấy. Quá trình làm nên bộ phim không phải là hành trình tìm câu trả lời cho câu hỏi Đông Dương là gì, mà điều Indochine muốn lý giải chính là ở những sự nghi vấn: Đông Dương, về bản chất, nó là một giai đoạn như thế nào? Liệu rằng có một Đông Dương nào khác nằm ngoài những trang lịch sử?

Indochine gợi nhớ đến những tác phẩm điện ảnh mang tinh thần lãng mạn - sử thi như Cuốn theo chiều gió. Những bộ phim này thường có yếu tố lịch sử rõ ràng, đậm nét, không chỉ hiển lộ trong cảm thức của các nhân vật. Mặt khác, yếu tố lịch sử cũng không lấn át đời sống của cá nhân, khi những tâm tư, tình cảm của những con người vẫn hiện lên trọn vẹn.

Éliane Devries (Catherine Deneuve) là nữ chủ đồn điền cao su ở Đông Dương, nhận nuôi cô công chúa An Nam mồ côi là Camille (Phạm Linh Đan), gắn bó cùng nhau như máu mủ ruột thịt. Và rồi, một tình thế éo le đã xảy ra khi lần lượt Éliane và Camille đều phải lòng chàng sĩ quan Pháp Jean-Baptiste (Vincent Perez). Từ đó, mạch phim bắt đầu có sự vận động theo chân 2 nhân vật chính, với những biến cố của họ không tách rời khỏi biến cố xã hội lúc bấy giờ.

Indochine đã cố gắng trong việc tránh sự đơn giản hóa con người bằng cách tạo ra những sự đối cực. Đó có thể là sự đối cực trong tâm hồn. Jean-Baptiste, một mặt vừa là một sĩ quan nóng nảy có thể thẳng tay ra lệnh đốt thuyền của cha con người Việt, mặt khác vừa cảm thấy ân hận vì đã đưa ra quyết định ấy. Sự ân hận này là một chi tiết phát lộ sự phản tư về lịch sử, vốn phân định rạch ròi phe địch và phe ta mà thiếu vắng đi những dằn vặt con người.

Bộ phim đặt ra những phản tư về lịch sử
Bộ phim đặt ra những phản tư về lịch sử 

Những đối cực còn được thể hiện thông qua việc đặt một nhân vật trong mối quan hệ với nhân vật khác. Nổi bật hơn cả chính là sự tương phản giữa người mẹ Éliane và cô con gái Camille.

Nói về Éliane là gắn bà với ý niệm về sự dồn nén. Đằng sau vẻ lạnh lùng của một nữ chủ đồn điền cao su ấy lại chính là những khát khao yêu thương, hạnh phúc luôn ngầm quẫy đạp. Chỉ có điều, chúng đã bị Éliane đè nén, giấu vào góc khuất trái tim, để rồi chẳng thể thoát ra, khiến những khát vọng ấy chỉ còn là những sinh thể hấp hối, bất lực. Không khó để nhận ra những phân đoạn giữa Éliane và Jean-Baptiste thường được đặc tả trong không gian hẹp, như căn nhà riêng có phần tách biệt, hay bên trong chiếc xe giữa đêm mưa.

Ngược lại, Camille có thể được gắn với ý niệm về sự phá vỡ, vượt thoát. Người con gái An Nam nhỏ bé ấy lại ẩn tàng một trái tim nồng nhiệt, với tình yêu mang hơi hướng chủ nghĩa lãng mạn dành cho chàng sĩ quan Pháp. Cô dứt khoát rời khỏi vòng tay mẹ khi nhìn thấy Jean-Baptiste ở buổi khiêu vũ. Cô từ bỏ hoàng tộc, nghe theo tiếng gọi của trái tim để tìm đến tình yêu đích thực. Và cô dám đứng dậy đấu tranh, làm những chuyện khó ai có thể tin được, vì hạnh phúc của chính mình.

Những phân đoạn giữa Camille và Jean-Baptiste được đặt trong không gian rộng lớn, như bên bờ suối, hay trên cái nền hùng vĩ của vịnh Hạ Long. Có thể nói, nhân vật Camille đã giải những khuôn mẫu về cách nhìn nhận người phụ nữ Việt Nam gắn với sự tảo tần, hy sinh. Ở phương diện này, Camille còn biểu trưng cho sự vượt thoát, tự do, mang đến một cách nhìn mới, những khả thể mới. Con người Đông Dương hiện lên rất thật và sống động.

Nhân vật Camille được xây dựng vượt thoát khỏi các khuôn mẫu truyền thống
Nhân vật Camille được xây dựng vượt thoát khỏi các khuôn mẫu truyền thống 

Indochine đã thể hiện tham vọng của đạo diễn Régis Wargnier trong việc miêu tả một giai đoạn lịch sử trên diện rộng, bao quát, đa chiều. Tác phẩm điện ảnh diễn tả những nỗi xung động trong tâm hồn của cả hai phía Việt - Pháp, đôi khi nhập nhằng giữa tốt và xấu, từ đó phát lộ một lăng kính thấu đáo, từ chối sự đơn chiều, đồng thời cũng chất vấn sự phân định của lịch sử.

Về cuối, những số phận trong Indochine đã có những ngã rẽ khác nhau, và Đông Dương cũng dần chẳng còn nữa. Trước điều đó, những số phận ấy nửa buông bỏ để bước tiếp, nửa vẫn còn lưu luyến, như muốn tìm lại những tàn tro ký ức nơi miền dĩ vãng. Về điểm này, bộ phim vừa góp phần đẩy lùi sự lệ thuộc quá khứ, vừa góp phần níu giữ cho quá khứ ấy không chìm vào lãng quên. 

Indochine không chỉ "phục sinh" một Đông Dương bằng những thước phim điện ảnh, mà còn gợi nên cái hồn của xứ Đông Dương, hay nói đúng hơn, đó là cái hồn trong những con người đã từng gắn bó với vùng đất ấy. Sự phục sinh ấy không nhằm mục đích biểu lộ sự nuối tiếc hay ao ước muốn nó trở lại, mà nó như một sự nhìn lại, nghĩ lại thời trước và nghĩ về thời đại của chính mình. Indochine tựa một bông hoa trác tuyệt nảy sinh trong ngọn lửa của một thời đã xa: Nó thật đẹp, thật bi tráng và cũng thật buồn.

Bổ khuyết cho những gì chưa được nói trong lịch sử và để những điều đó được cất tiếng, chính là cách nghệ thuật tạo nên sự kết nối tinh thần giữa con người với cuộc đời.

* Trailer phim Indochine:

 

 

Hồ Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI