Văn chương Kawabata Yasunari và sự vĩnh cửu hóa cái đẹp Nhật Bản

12/04/2022 - 07:14

PNO - Dường như nửa thế kỷ trước, Kawabata Yasunari đã ôm trọn vào lòng những vẻ đẹp của xứ Phù Tang, để rồi cùng nó lặng lẽ tan đi vào cõi vĩnh hằng.

Ta dễ dàng nhận thấy các tác phẩm của Kawabata có dung lượng ngắn, thậm chí ông đã có một thể loại truyện cực ngắn được gọi là “truyện ngắn trong lòng bàn tay”. Thế nên, có người cho rằng văn ông là một hình thức diễn xuôi thơ Haiku, thể thơ ngắn nhất thế giới của Nhật Bản.

 

Nhưng xét về đặc trưng thể loại, ta nhận thấy tính hàm súc trong thơ Haiku nhằm phát lộ cái vô cùng của cảm xúc, thì trong văn của Kawabata, vốn là văn xuôi tự sự, còn nhằm chứa đựng chiều sâu và sự đa nghĩa của hệ thống hình tượng. Lối văn ấy, hướng về mục đích chung, chính là vĩnh cửu hóa cái đẹp Nhật Bản. Bởi thế, khi văn hào đoạt giải Nobel trước khi ra đi, đã khiến cho xứ Phù Tang được bung tỏa vẻ đẹp của nó một cách trọn vẹn.

 

Nhà văn Kawabata Yasunari
Nhà văn Kawabata Yasunari

Sự hiện diện của con người trong văn hoá thẩm mỹ

 

Chúng ta không thể tách rời cái đẹp văn hóa Nhật Bản ra khỏi Kawabata: nó tựa như một thứ dưỡng chất muôn đời nuôi dưỡng tâm hồn ông. Vì thế, các nhân vật trong trang viết của ông, đều gắn bó sâu sắc với cái đẹp, với những giá trị cội nguồn của dân tộc.

 

Nếu ngày xưa, người ta thường lấy động tả tĩnh, thì với Kawabata, theo nhà nghiên cứu Lam Anh, ông “quan sát cảm nhận cái động trong cái tĩnh”. Nét riêng biệt ấy đều được tạo nên bởi cảm xúc con người. Trong Cố đô, Chieko quan sát hai khóm hoa tím mọc cách nhau mà nghĩ đến ý niệm về sự biệt ly. Hay trong Đẹp và buồn, khi Oki nghe tiếng chuông chùa cuối năm, những vọng niệm về mối tình với cô gái mười sáu chợt ào về. Tiếng chuông chùa, sống động hẳn lên nhờ cảm thức về nỗi hoài nhớ mà nó mang lại.

 

Những mỹ cảm ấy đã khiến cho những thực thể thuộc về tự nhiên được nhìn một mới mẻ. Cái nhìn mới ấy, như đã nhắc ở trên, được tạo nên bởi con người. Con người đã làm mới, góp phần níu giữ cái đẹp, đồng thời biểu lộ rằng chỉ có con người mới có thể thổi hồn vào vạn vật.

 

Nhân vật trong các sáng tác của Kawabata thường được đặt trong chiều kích văn hoá thẩm mỹ. Ta dễ dàng nhận thấy điều ấy qua Komako trong Xứ tuyết. Nàng kỹ nữ ấy có một sức sống và trái tim yêu đương mãnh liệt, hiện thân rõ cho vẻ đẹp tinh khiết của văn hóa Geisha một thời. Trong Cố đô, ta có thể thấy một hình tượng tập thể. Đó là những gia đình như của Chieko hay Takichiro và cả những người khác nữa, những con người thông qua việc thiết kế và làm nên những chiếc kimono truyền thống, đã chung tay duy trì những nét đẹp văn hoá cội nguồn.

 

Không chỉ dừng lại ở đó, Kawabata còn đẩy ngòi bút của mình đến việc trộn hòa cả nét đẹp văn hoá lẫn con người lại với nhau. Điều đó thể hiện rõ qua Ngàn cánh hạc, với sự đồng nhất giữa phu nhân Ota và chén trà Shino có vết son môi của bà. Chén trà dường như là một hiện thân khác cho Ota: nó là chén trà của dĩ vãng, tội lỗi, của những nỗi đau một thời. Bà ra đi nhưng chén trà còn đó, ám ảnh những con người ở lại. Chén trà, vì thế, chứa đựng đời sống tâm hồn của cả một đời người.

 

Như vậy, bằng việc đi từ cảm xúc đến sự biểu hiện và cuối cùng là sự đồng nhất, nhà văn đã cho thấy con người và những vẻ đẹp văn hóa có sự hòa hợp như thế nào. Con người làm nên giá trị thẩm mỹ, và thẩm mỹ làm sống động nên con người.

 

Bìa cuốn Đẹp và buồn
Bìa cuốn Đẹp và buồn

Vũ trụ nhỏ bé đẩy lùi sự lãng quên

 

Ảnh hưởng từ triết lý Thiền và mỹ học truyền thống Nhật, các tác phẩm của Kawabata, như đã nói ở trên, không dài và giản dị, nên nước Nhật trong những trang văn của ông gắn với những cái bé nhỏ hiện tồn trong đời sống. 

 

Những điều nhỏ bé ấy, hóa ra, lại là những điều khắc sâu vào trong tiềm thức của người đọc nhất. Chúng ta có thể quên đi cốt truyện, nhưng những gì đọng lại trong sâu thẳm tim ta sẽ là tiếng đàn Shamisen, thắt lưng obi, vườn đá, ni viện… Những hình tượng quen thuộc trở đi trở lại, vô tình tạo nên một ký ức chung cho độc giả. Ta sẽ nhớ rằng Nhật Bản đã từng có những giá trị như thế. Và khi những ký ức chung ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, nó sẽ tạo nên một bức tường vững chắc chống lại sự lãng quên. Nước Nhật xưa của Kawabata, vì thế, sẽ luôn được nhớ đến, và bất diệt.

 

Cái cụ thể nhất, lớn nhất mà nhà văn đã dày công xây dựng trong văn nghiệp của mình là cố đô Kyoto. Ở đây, ta lại nói đến Cố đô. Có người bảo rằng tiểu thuyết ấy nhà văn viết để… giới thiệu du lịch, vì ông viết rất nhiều về các lễ hội, hoạt động, danh thắng ở Kyoto. 

 

Nhưng có thật là như thế không? Hãy xét đến một cảnh, khi Chieko viếng chùa, ở đó, nhà văn tả rằng “khách du lịch nước ngoài chốc chốc lại bấm máy ảnh lách tách”. Hành động ấy ngầm phát lộ rằng, họ cốt không cảm nhận cái đẹp thuần túy mà chỉ muốn lưu lại khoảnh khắc đã từng tới đây, đối lập hoàn toàn với sự chậm rãi, thong thả của Chieko hay Shinichi. Ở điểm này, ta sẽ thấy Cố đô không phải một cuốn cẩm nang du lịch, mà là một tác phẩm chống lại sự du lịch hóa các giá trị truyền thống.

 

Từ đó, ta có thể nhận ra tư tưởng của Kawabata: ông muốn cái đẹp phải được cảm nhận ở chiều sâu tinh thần của nó. Những gì nó hiển lộ cho ta thấy không bằng những gì nó truyền đến cho ta. Hơn nữa, mọi thứ trên đời này là vô thường. Cái đẹp không tồn tại mãi mãi và nó có thể tan đi, nhưng cảm xúc mà nó mang đến cho con người là trường tồn vĩnh viễn.

 

Văn chương Kawabata giống như một vũ trụ dung chứa những hoài niệm
Văn chương Kawabata giống như một vũ trụ dung chứa những hoài niệm

Với những gì Kawabata đã để lại cho hậu thế nhằm hướng con người đến cái nhìn duy mỹ, duy cảm và sự trân trọng vẻ đẹp truyền thống, cái chết của ông dường như là sự dừng chân cho cuộc hành trình tìm kiếm cái đẹp kéo dài. Vậy nên, việc tự vẫn không hẳn đối lập với tư tưởng chống tự sát của ông, mà là một điều tất yếu. Kawabata đã quay về với nguồn cội, thứ ông đã cố gắng bảo vệ cả đời, như Shimamura bước lên chuyến tàu xuyên qua hầm để đến được xứ tuyết và được cội nguồn bao bọc, chở che.

 

Tựa như hoa anh đào rụng rơi vào thời khắc đẹp nhất. Kawabata ra đi, để trở nên bất tử.

 

Kawabata Yasunari (14/6/1899 – 16/4/1972) là tiểu thuyết gia người Nhật đầu tiên và người châu Á thứ ba, sau Rabindranath Tagore (Ấn Độ năm 1913) và Shmuel Yosef Agnon (Israel năm 1966), đoạt Giải Nobel Văn học năm 1968, đúng dịp kỷ niệm 100 năm hiện đại hóa văn học Nhật Bản tính từ cuộc Duy Tân của Minh Trị Thiên Hoàng năm 1868.

Kawabata tự sát vào năm 1972 bằng khí đốt trong một căn phòng ở Hayama, Kamakura. Kawabata không để lại thư tuyệt mệnh, và đến nay không ai biết nguyên nhân thực sự khiến Kawabata tự sát.  

 

Hồ Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI