Hy Lạp - 'Lửa' vỡ nợ thiêu rụi gia đình

03/07/2015 - 18:40

PNO - Ngày 1/7, Hy Lạp vỡ nợ vì không thể trả khoản vay 1,7 tỷ USD cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Gần bảy năm chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, vỡ nợ là hồi kết khi sức chịu đựng của người dân Hy Lạp vượt ngưỡng giới hạn, họ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hy Lap - 'Lua' vo no thieu rui gia dinh

Trẻ vô gia cư kiếm sống trên đường phố Hy Lạp - Ảnh: Getty Images

Trước thời điểm tới hạn phải trả nợ, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động thất nghiệp ở Hy Lạp là 26%, riêng độ tuổi thanh niên là 50%. Họ sống bằng gì? Phần lớn dựa vào lương hưu của bố mẹ. Theo khảo sát, 49% gia đình ở Hy Lạp phụ huynh đã nghỉ hưu vẫn phải gồng gánh nuôi con. Bà Eleni Theodorakis, một người cao tuổi may mắn nhận lương hưu (thuộc nhóm hàng đầu) hơn 1.000 USD mỗi tháng kể, bà thường xuyên phải chu cấp cho con trai mỗi khi con túng tiền vì bị phát lương trễ. Con rể của bà mất việc bốn năm qua, nên chi tiêu cho gia đình con gái ruột cuối cùng cũng nhờ đến tay bà.

Không phải ai về hưu cũng có điều kiện như bà Eleni. Ông Eletharias (70 tuổi), không sống cùng con cháu, hàng đêm cứ lầm lũi tìm bới những thùng rác bên đường, mót chút thức ăn thừa qua bữa. Từ khi bị cắt lương hưu, ông chẳng còn cách nào khác là đi lượm nhặt từng mẩu thức ăn. Ông và nhiều người cùng cảnh ngộ hiện vẫn phải sống từng ngày trong tâm trạng bất an, trông chờ từng bữa ăn từ bếp cộng đồng…

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, sau khi chấp nhận vỡ nợ, bước tiếp theo mà Hy Lạp phải làm là tái cấu trúc nền kinh tế. Như thế, không tránh được chính sách “thắt lưng buộc bụng” mới và dự đoán còn rất nhiều xáo trộn trong từng gia đình.

Mặc cảm mình vô dụng là tâm lý dễ gặp phải của những người trưởng thành đang sống nhờ thu nhập của thành viên khác trong gia đình vì mất việc. Cô Eleni Papastergiou, nhân viên xã hội phụ trách một khu vực ở thủ đô Athens cho biết, cô từng gặp một người đàn ông thất nghiệp, phải bỏ nhà đi vì không đủ dũng cảm đối mặt với vợ và bốn con nhỏ. Khó khăn về tài chính là điều vô cùng tế nhị, gây ra những rạn nứt và tổn thương tâm lý khó hàn gắn trong mỗi gia đình, kéo theo nhiều nguy cơ xã hội.

Hy Lap - 'Lua' vo no thieu rui gia dinh

Đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi ngoài đường phố - Ảnh: Alamy

 Theo số liệu thống kê, có 680.000 trẻ (chiếm 35,4%) đang đối mặt với đói nghèo và thiếu hụt các nhu cầu thiết yếu khác. Các ông bố, bà mẹ cũng trải qua khoảng thời gian khủng hoảng tinh thần trầm trọng vì bế tắc, trong đó, phụ nữ phải “trả giá” đắt nhất. Các chuyên gia xã hội Hy Lạp đều thừa nhận, tình hình bạo lực đang ngày càng gia tăng. Cô Stratigaki, người sáng lập đường dây nóng hỗ trợ phụ nữ từ năm 2011 cho biết, trong năm đầu tiên hoạt động, đường dây này đã nhận được 6.000 cuộc gọi nhờ trợ giúp và con số này không ngừng gia tăng. Phụ nữ bị bạo hành về thể xác lẫn tinh thần là hậu quả tất yếu khi tình yêu không còn, thêm vào đó là nỗi lo cơm áo, gạo tiền.

Theo khảo sát, tỷ lệ nữ giới mất việc thường cao hơn nam giới. Vì thế, một khi tìm được công việc ưng ý, nhiều phụ nữ tự cam kết với bản thân hoặc nói thẳng với chồng rằng mình không thể có con vào lúc này, để khỏi gián đoạn công việc. Nếu đã kết hôn và có con, nhiều phụ nữ càng không thể bỏ việc vì sợ mất đi nguồn thu nhập ít ỏi còn lại. Và họ rơi vào vòng luẩn quẩn, thường xuyên quá tải, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình.

Những năm gần đây, nhìn vào con số tăng vọt ở các trung tâm hỗ trợ trẻ em, sẽ thấy Hy Lạp rõ ràng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng mới - khủng hoảng gia đình. Cô Litza, nhân viên xã hội chia sẻ, cô phụ trách một nhóm gồm gần 10 trẻ bị bố mẹ bỏ rơi trong số hàng trăm trẻ có hoàn cảnh tương tự. Thất nghiệp, không thể nuôi nổi bản thân, nhiều phụ huynh buộc phải gửi con lại các trung tâm. Đứa trẻ không chỉ đối mặt với cú sốc gia đình khi bố mẹ mâu thuẫn, mà còn nhận ra mình-là-người-thừa. Khi tiếp nhận những đứa trẻ này, nhiều nhân viên xã hội phải giúp các em phục hồi những tổn thương tâm lý.

Fr Antonios Papanikolaou, người sáng lập trung tâm Ark of the World kể, một người mẹ tên Maria đã nấc nghẹn khi đến gửi đứa con gái tám tuổi Anastasia. Cô cho biết, mình chẳng có thời gian bên con, phải làm việc quần quật kiếm sống và thường xuyên bỏ con ở nhà một mình, nhiều lúc với bụng rỗng. Buộc lòng Maria phải xa con và đến nay, cô vẫn chưa thể đón con trở về vì đồng lương “chết đói” gần 20 USD mỗi ngày không đủ để cô nuôi bản thân. Rất nhiều bà mẹ đã âm thầm đưa con, thậm chí có những bé chỉ một-hai tuổi, đến các trung tâm rồi chạy thật nhanh, không dám ngoái đầu nhìn lại.

Hy Lap - 'Lua' vo no thieu rui gia dinh

Người già tìm đến các bếp cộng đồng để dùng bữa ăn miễn phí - Ảnh: Guardian

 Sức nóng của “ngọn lửa” vỡ nợ ở Hy Lạp có thể hủy hoại từng tế bào xã hội đến đâu còn phụ thuộc vào sự cố gắng của từng người. Như cô gái trẻ 20 tuổi Ioanna Kapatu (đang theo học ngành quản trị du lịch) tự tin mình có thể vượt qua mọi trở lực nhờ hoài bão và nhiệt huyết tuổi trẻ. Ioanna biết tận dụng những gì hiện có thay vì dựa dẫm, than trách hay đổ lỗi cho người khác. Đó cũng là điều mà cô muốn nhắn nhủ để mỗi người dân Hy Lạp đều có trách nhiệm chung tay “dập lửa”, thay vì phó mặc cho đám cháy lan rộng.

THIÊN NHƯ

(Theo Guardian, Sky News, LA Times, neurope.eu)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI