Hồn thu thảo miền Sambor prei kuk, Campuchia

14/04/2017 - 19:00

PNO - Trên cung đường từ Phnom Penh đi Siem Reap có một Sambor Prei Kuk cổ xưa, hoang phế hơn, nhưng vẫn lưu dấu khá nhiều nét hoàng kim.

Nói đến du lịch Campuchia, nhiều người nghĩ ngay đến Angkor nổi tiếng. Ít ai biết không xa Angkor lắm, cũng trên cung đường từ Phnom Penh đi Siem Reap có một Sambor Prei Kuk cổ xưa, hoang phế hơn, nhưng vẫn lưu dấu khá nhiều nét hoàng kim.

Là kinh đô vương triều Chân Lạp hùng mạnh lúc đã chinh phục và sáp nhập Phù Nam vào thế kỷ VII, Sambor Prei Kuk trả lại vị trí quan trọng khi người Khmer dời cung về Siem Reap đầu thế kỷ IX.

Thời gian dài sau đó, dù tập trung xây dựng những kỳ tích Angkor, Sambor Prei Kuk vẫn được xây thêm và gìn giữ. Chỉ đến khi đế quốc Khmer suy yếu, dời kinh từ Siem Reap về Phnom Penh, Sambor Prei Kuk mới rơi vào quên lãng. 

Hon thu thao mien Sambor prei kuk, Campuchia
 

Không chỉ vì dâu bể thời gian, miền đất này từng hứng mưa bom quân đội Mỹ trút xuống những năm 1970. Bom mìn dày đặc quân kháng chiến để lại cho đến 2008 mới được dọn gỡ tạm xong. 

Tuy được xây thêm từ sau thế kỷ IX, nhưng việc cuốn hút du khách và các nhà khảo cổ là những công trình đầu tiên. Không phải mấy kiến trúc sau không đẹp, nhưng thật tình không thể sánh nổi với đền đài Angkor cùng thời. Còn những công trình đầu tiên rất khác và rất đáng để người Việt quan tâm vì giềng mối với những di sản ở Mỹ Sơn. 

Hon thu thao mien Sambor prei kuk, Campuchia

 

Chia thành ba cụm N (bắc), S (nam) và C (trung tâm), chừng 150 ngôi đền Hindu cổ nằm trong khuôn viên 400 ha được bao quanh bởi tường thành hai lớp đồ sộ mà ngày nay vẫn nhiều đoạn lưu dấu.

Điều các nhà khoa học ngạc nhiên là chất liệu chính được sử dụng là gạch nung chứ không phải đá tảng như Angkor, dù vẫn đó đây vài tượng đá, thanh giằng, kèo cột bằng sa thạch…

Gạch nung từ bùn đất, già và xưa hơn Angkor, nằm trong rừng nhiệt đới ẩm thấp mưa nhiều… nhưng vẫn tồn tại qua chừng ấy thời gian đã chứng minh tài hoa của người xưa.

Cũng như tháp đền Mỹ Sơn của Việt Nam, chất liệu kết dính ở đây vẫn là điều bí mật vì người ta không tìm thấy chúng, dù các viên gạch gắn kết nhau rất chặt chẽ.

Sự giống nhau với Mỹ Sơn không lạ lắm, vì lúc đó có một nàng công chúa Chân Lạp gả sang Chiêm Thành. Bà là mẹ của hoàng đế  tài hoa Vikrantavacman, cha đẻ của những đền đài Mỹ Sơn.

Hon thu thao mien Sambor prei kuk, Campuchia

 

Những hoa văn tinh tế trên gạch nung, đến giờ người ta chưa rõ chúng được tạo ra trước khi nung gạch hay chạm trổ sau khi gạch đã nên hình. Vì chúng không theo khuôn mẫu, nhiều phù điêu lớn nằm trên một mảng tường ghép từ nhiều viên gạch.

Bên cạnh đó, cũng có những đường nét tinh xảo trên từng viên gạch nhỏ mà rất khó để giữ được những đường nét chi li đó khi đất sét còn ẩm ướt…  

Hon thu thao mien Sambor prei kuk, Campuchia

 

Những đền cổ Prasat Tao, Prasat Sambor, Prasat Yeah Puon… ngần ấy dâu bể vẫn lưu dấu nhiều tác phẩm từ tượng đá đến hoa văn phù điêu đẹp đẽ khiến khách tham quan phải cúi đầu thán phục. Những nét duyên của hoa văn qua 13 thế kỷ đằng đẵng cho thấy tài hoa của tiền nhân. Tinh tế, sắc sảo, sinh động… chúng nhấn nhá vẻ mỹ miều cho đền xưa tháp cổ. 

Hon thu thao mien Sambor prei kuk, Campuchia

 

Bên cạnh vài kiến trúc giữ được nhiều nét, dáng, những tàn phai Sambor Prei Kuk còn cho thấy sức sống mãnh liệt của mẹ thiên nhiên. Nhiều đền đài đã bị ôm, nuốt gần trọn bởi những bộ rễ tinh quái của mấy cây tùng, cây đa.  

Hon thu thao mien Sambor prei kuk, Campuchia

 

Nhiều đoạn tường thành, dù hai lớp dày cui, vẫn sụp xuống dưới gốc rễ chễm chệ của mấy cội cổ thụ. Nhưng đó lại là nét hay của thiên nhiên, của hồn thu thảo Sambor Prei Kuk. Để khi rời đi, khách bâng khuâng vì chẳng biết nhớ gì nhiều hơn!

 Trần Thái Hoãn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI