Hội An, nụ cười không tắt…

01/02/2021 - 07:07

PNO - Sự lạc quan của người Hội An được nuôi dưỡng bởi cách người ta ứng xử với những thử thách, khó khăn

Hết dịch COVID-19 đến bão lũ hoành hành, phố Hội đã vắng càng thêm hiu hắt. Nhưng như lò xo nén lại sau bao ngày tháng, đến giữa tháng 12 năm 2020, cú trở mình bung vỡ đã khiến nhiều người sững sờ: Hội An được bình chọn là một trong những điểm đến mùa Noel hấp dẫn nhất châu Á. 

Từ những chuyển động nhỏ trong lúc khó khăn...

Còn nhớ, những ngày vừa hết giãn cách xã hội, trước tình trạng các cửa hàng kinh doanh và nhiều hộ dân trong khu phố cổ vẫn đóng cửa im lìm, chính quyền Hội An đã có thư ngỏ gửi đến cộng đồng Hội An, mong muốn người dân hãy mở cửa ngôi nhà - cũng là cửa hàng kinh doanh, dù ai cũng hiểu rằng việc kinh doanh lúc đó còn vô vàn khó khăn. Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, chia sẻ: “Chúng tôi mong những hộ kinh doanh trong phố Hội An mở cửa trở lại, để không gian phố có những ánh đèn bừng sáng ra từ những tiệm kinh doanh, mang lại sinh khí cho thành phố sau những ngày giãn cách, cũng là cách để bảo tồn, phát triển di sản tốt hơn”. 

Nhiều hoạt động được người dân, doanh nghiệp gầy dựng trở lại ở Hội An đã giúp lan tỏa tinh thần  lạc quan cho mọi người
Nhiều hoạt động được người dân, doanh nghiệp gầy dựng trở lại ở Hội An đã giúp lan tỏa tinh thần lạc quan cho mọi người

Bà Trịnh Diễm Quỳnh - Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ du lịch thương mại và thời trang Yaly - một trong những cửa hàng mở cửa trong thời điểm đó cho hay: “Chúng tôi muốn mở cửa hàng cho phố xá thêm vui, không khí thêm sinh động, chứ chưa nghĩ đến việc kinh doanh, vì đối tượng khách của công ty chúng tôi là khách quốc tế”. 

Ông Nguyễn Hữu Xuân, chủ quán trà thảo mộc Mót, một trong những người mở cửa kinh doanh món nước uống thảo mộc ngay từ khi mới hết giãn cách xã hội, cho rằng: “Sau thời gian dài chống dịch, tôi nghĩ thứ nhất mở cửa để cho phố cổ có không khí, có sự sống và sự sinh hoạt, thứ hai cần phục hồi kinh tế, đồng thời tạo lại việc làm cho nhân viên có thu nhập”. 

Không chỉ mở cửa kinh doanh, nhiều người dân trong phố còn tổ chức, gầy dựng những đêm ca nhạc, như ông Bùi Quý Phong mời các ca sĩ từ Đà Nẵng, Hà Nội, TP.HCM đến biểu diễn cùng những ca sĩ của Hội An ngay trên đường phố, trước cửa tiệm cà phê số 76 Lê Lợi, cũng chính là ngôi nhà của gia đình. Hay ông Trương Bách Tường với ban nhạc gia đình, kiên trì mở cửa mỗi tuần ba buổi tối ở số nhà 57 Trần Phú - điểm dừng chân thưởng thức nghệ thuật và nhận thông tin dành cho du khách. 

Một hình ảnh thật xúc động mà người viết được chứng kiến ở quán cà phê Phố cổ trên đường Châu Thượng Văn: khi chiều đã dần vào tối, nước lũ đang dâng mấp mé nơi thềm nhà, những ca sĩ, nhạc công kiêm chủ tiệm, vẫn đàn hát say mê dưới ánh sáng mờ ảo của đèn lồng trước hiên. Quán cà phê ấy, cho đến nay, đêm nào cũng bền bỉ sáng đèn, rộn rã giai điệu vui tươi của những ca khúc trong và ngoài nước, như một cách lan tỏa sự bình an, tinh thần lạc quan đến mọi người và cho chính bản thân mình. 

Sáng sớm đi ngang những ngôi nhà, thấy người già ngồi trước cửa, cạnh đó không xa là vài món dụng cụ nhà bếp được rửa sạch, tranh thủ đem phơi, thấy nụ cười của người chủ quán cà phê trên đường Bạch Đằng như tỏa nắng: “Năm nay chín cơn lụt vô nhà, dọn đồ lên xuống miết riết quen, mỗi khi lụt lại thấy… vui, vì cả nhà có dịp cùng nhau quây quần trên gác”, tôi cứ nghĩ, sự lạc quan của người Hội An được nuôi dưỡng bởi cách người ta ứng xử với những thử thách, khó khăn như thế này chăng? 

...Đến sự lan tỏa trong doanh nghiệp và cộng đồng

Dường như tinh thần lạc quan được người Hội An nuôi dưỡng đã trở thành một điểm tựa vững chãi, để đến khi gặp cơ duyên là nhanh chóng lan tỏa. Một sự kiện ấn tượng diễn ra vào ngày 28/12/2020 (tức rằm tháng 11 âm lịch): hơn 200 chiếc đèn lồng được các nữ sinh trung học cầm trên tay, diễu hành qua các tuyến đường phố cổ nhằm truyền tải thông điệp Hội An đã bừng sáng, sẵn sàng chào đón du khách trở lại. 

Đúng như tên gọi của chương trình Hội nhập - Thắp sáng Hội An, tại tất cả tuyến đường phố cổ mà đoàn đi qua, những chiếc đèn lồng lung linh như mời gọi du khách đến chiêm ngưỡng. Riêng phía dưới chùa Cầu, những gánh đèn lồng khổng lồ, màu sắc rực rỡ cũng được bố trí, sắp đặt tại những vị trí đẹp để du khách chụp ảnh, check-in. Sự kiện được tổ chức bởi chủ nhân các doanh nghiệp là những người được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất Hội An, với sự đồng thuận của chính quyền và cộng đồng người dân, đem đến niềm hy vọng về sản phẩm du lịch mới và hình ảnh tươi sáng của phố cổ.

Sau một thời gian sinh sống ở Hội An, những người nhập cư từ Hà Nội, TP.HCM và các quốc gia khác dường như đã được “Hội An hóa”, và cũng ảnh hưởng tinh thần lạc quan này. Một ví dụ dễ nhận thấy là chợ phiên Tân Thành trên đường Nguyễn Phan Vinh. Cung đường ngắn chỉ chừng 300 mét ven biển này từng được mệnh danh là “khu phố Tây” với nhiều nhà hàng, khu lưu trú được thiết kế hấp dẫn, trở nên hiu hắt khi đại dịch xảy ra. Nhưng ngay trong đại dịch và sau cả những cơn bão, các gian hàng hội tụ đủ màu sắc hơn với những chương trình nghệ thuật giao lưu giữa chủ các gian hàng và diễn viên đến từ nhiều nơi, đã khiến người ta quên đi những thoi thóp trong bộn bề khốn khó.

Mùa xuân đã về trong rộn rã Đêm hội phố Hoài (bài hát của Nguyễn Duy Khoái). Tìm nụ cười ở Hội An, không khó, cứ thử đi… 

Khiếu Thị Hoài

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI