Hồ sơ Pandora đưa nhiều nguyên thủ quốc gia "ra ánh sáng"

04/10/2021 - 17:32

PNO - Điều tra mới của tập đoàn truyền thông ICIJ cho thấy hơn một chục nguyên thủ quốc gia và chính phủ - từ Jordan đến Azerbaijan, Kenya và Cộng hòa Séc - đã sử dụng các “thiên đường thuế” ở nước ngoài để che giấu số tài sản trị giá hàng trăm triệu USD của mình.

Trong số các nhà lãnh đạo liên can đến Hồ sơ Pandora có Quốc vương Jordan Abdullah II (trái) và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta (giữa) - Ảnh: AFP/Getty Images
Trong số các nhà lãnh đạo liên can đến Hồ sơ Pandora có Quốc vương Jordan Abdullah II (trái) và Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta (giữa) - Ảnh: AFP/Getty Images

Cuộc điều tra Hồ sơ Pandora - có sự tham gia của 600 nhà báo từ các phương tiện truyền thông trên thế giới, bao gồm Washington Post, BBC và The Guardian – căn cứ trên việc tiết lộ khoảng 11,9 triệu tài liệu từ 14 công ty dịch vụ tài chính trên khắp thế giới.

Khoảng 35 nhà lãnh đạo hiện tại và cựu lãnh đạo có xuất hiện tên tuổi trong kho tài liệu khổng lồ mới nhất do Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phân tích, đang phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế toàn cầu.

ICIJ nhấn mạnh, ở hầu hết các quốc gia, việc có tài sản ở nước ngoài, hoặc sử dụng các công ty bình phong để kinh doanh xuyên biên giới quốc gia không phải là bất hợp pháp.

Nhưng những tiết lộ trong Hồ sơ Pandora gây không ít phiền phức cho các nhà lãnh đạo, những người đã từng vận động công khai chống trốn thuế và tham nhũng, hoặc ủng hộ các biện pháp thắt lưng buộc bụng ở quê nhà.

Hồ sơ Pandora tiết lộ cách Quốc vương Abdullah II của Jordan tạo ra một mạng lưới các công ty hải ngoại ở “thiên đường thuế” để tạo dựng một đế chế bất động sản trị giá 100 triệu USD từ Malibu, California đến Washington và London.

Đại sứ quán Jordan tại Washington từ chối bình luận khi được hỏi về số tài sản bí mật của Quốc vương Abdullah II, trong khi các luật sư của nhà vua nói rằng tất cả tài sản được mua bằng tiền cá nhân, và có một thực tế là các cá nhân nổi tiếng thường mua tài sản thông qua các công ty nước ngoài vì lý do riêng tư và an ninh.

Gia đình và các cộng sự của Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev được cho là đã bí mật tham gia vào các thương vụ mua bán tài sản trị giá hàng trăm triệu USD ở Anh.

Tài liệu cũng cho thấy Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis - người phải đối mặt với cuộc bầu cử vào cuối tuần này - đã không kê khai việc thông qua một công ty đầu tư ở hải ngoại mua một lâu đài trị giá 22 triệu USD ở miền nam nước Pháp. "Tôi chưa bao giờ làm bất cứ điều gì bất hợp pháp hoặc sai trái", ông Babis nhấn mạnh một lần nữa trên trang Twitter của mình và gọi những tiết lộ này “là một nỗ lực bôi nhọ nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử”.

Tổng cộng, ICIJ đã tìm thấy mối liên hệ giữa khoảng 1.000 công ty ở các “thiên đường thuế” hải ngoại và 336 chính trị gia và quan chức cấp cao, bao gồm hơn một chục người đang nắm trọng trách nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ, bộ trưởng nội các, đại sứ và những quan chức cấp cao khác.

Đáng chú ý, hơn 2/3 số công ty “ma” được thành lập tại Quần đảo Virgin thuộc Anh.

Giám đốc ICIJ Gerard Ryle cho biết trong một video kèm theo cuộc điều tra: "Chúng tôi đang xem xét hàng ngàn tỷ USD".

Đối với Maira Martini, chuyên gia chính sách của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), cuộc điều tra mới nhất một lần nữa đưa ra "bằng chứng rõ ràng về việc hoạt động hải ngoại thúc đẩy tham nhũng và tội phạm tài chính, đồng thời cản trở công lý”. Cô nhấn mạnh, "mô hình kinh doanh này không thể tiếp tục”.

Điều tra của ICIJ tiết lộ việc trốn thuế một cách hợp pháp của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair; các thành viên thân cận của Thủ tướng Pakistan Imran Khan, bao gồm các bộ trưởng trong nội các và gia đình của họ; Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta - người từng vận động chống tham nhũng và đòi minh bạch tài chính - bị cáo buộc cùng với một số thành viên gia đình bí mật sở hữu một mạng lưới các công ty hải ngoại.

Ngoài các chính trị gia, hồ sơ còn đưa ra ánh sáng hoạt động tài chính bí mật của những nhân vật của công chúng, bao gồm ca sĩ Colombia Shakira, siêu mẫu người Đức Claudia Schiffer và huyền thoại cricket Ấn Độ Sachin Tendulkar. Đại diện của cả ba người nói với ICIJ rằng các khoản đầu tư là hợp pháp và không nhằm mục đích trốn thuế.

Hồ sơ Pandora là vụ mới nhất trong một loạt vụ đưa ra ánh sáng nhiều tài liệu tài chính của ICIJ - từ LuxLeaks vào năm 2014, đến Hồ sơ Panama năm 2016 - khiến Thủ tướng Iceland từ chức và mở đường cho nhà lãnh đạo của Pakistan bị lật đổ. Tiếp theo là Hồ sơ Paradise năm 2017 và Hồ sơ FinCen vào năm 2020.

Các tài liệu điều tra mới nhất được rút ra từ các công ty dịch vụ tài chính ở các quốc gia bao gồm Quần đảo Virgin thuộc Anh, Panama, Belize, Síp, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Singapore và Thụy Sĩ.

Quế Lâm (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI