Hộ chăn nuôi heo đối diện vô vàn khó khăn

28/06/2020 - 13:13

PNO - Các hộ chăn nuôi heo (lợn) ở phía Bắc hiện đang rất muốn gây lại đàn (tái đàn) nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như không vay được vốn, dịch tả heo châu Phi tái phát, nguồn con giống khan hiếm…

Khan con giống làm tái phát dịch tả 

Là điển hình về chăn nuôi theo hợp tác xã (HTX) của TP.Hà Nội, trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi (năm 2019), HTX Chăn nuôi - Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ, xã Vạn Thái, H.Ứng Hòa đều đặn cung cấp cho thị trường 1.000 con heo giống/tháng. Nhưng hiện nay, dù số hộ tái đàn chưa nhiều, HTX này cũng chỉ đáp ứng được 80% nhu cầu heo giống của người dân.

Trước đây, trang trại của ông Nguyễn Văn Học (H.Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) cung cấp ra thị trường từ 1.000-1.500 con heo giống mỗi tháng nhưng dịch tả heo châu Phi đã xóa sạch toàn bộ heo trong chuồng trại. Ông Học đăng ký mua heo giống từ một doanh nghiệp phía Nam để gây lại đàn. Trầy trật chờ đợi gần hai tháng, ông mới mua được hơn 100 con nái và hai con đực giống. Hiện heo đã bắt đầu sinh sản nhưng ông Học không bán ra ngoài mà giữ tất cả để nuôi.

Dịch tả heo châu Phi đang tái phát ở 20 tỉnh, thành trên cả nước
Dịch tả heo châu Phi đang tái phát ở 20 tỉnh, thành trên cả nước

Mọi năm, mỗi lứa, ông Nguyễn Văn Thế (H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đều mua mấy trăm con heo giống từ các công ty chăn nuôi ở tỉnh Hưng Yên hoặc các trang trại chuyên cung cấp heo giống ở tỉnh Hải Dương. Nhưng từ cuối năm 2019 đến nay, ông Thế vẫn chưa dám tái đàn, do lo dịch tả heo châu Phi tái phát, hoặc do giá heo giống quá cao (mỗi con trọng lượng 6-7kg, giá gần 3 triệu đồng). Ông nói: “Tôi đã vay mượn để tính gây lại 30 con, nhưng liên hệ khắp mấy tỉnh lân cận mà không thể mua được con giống”.

Có tiền cũng không mua được heo giống là tình trạng chung của phần lớn các hộ chăn nuôi ở phía Bắc trong thời gian qua. Đáng nói, việc khan hiếm con giống là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tái phát dịch tả heo châu Phi ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh… Đại diện ngành thú y của các địa phương này cho biết, do quá khan con giống, một số hộ chăn nuôi đã mua heo giống không rõ nguồn gốc từ các chợ, nhiều con mới nuôi được vài tuần thì phát bệnh.

Nơm nớp lo heo nái vô sinh 

Xã Ngọc Lũ, H.Bình Lục, tỉnh Hà Nam - nơi từng được coi là thủ phủ chăn nuôi của miền Bắc - đang trong giai đoạn kiệt quệ. Ông Thắng - chủ một trại heo ở đây - nhẩm tính, một con heo giống có giá gần 3 triệu đồng, để tăng được 1kg thịt, phải tốn từ 2,2-2,4kg cám. Với giá cám hiện tại thì đến khi xuất chuồng, mỗi con heo tiêu tốn 6-7 triệu đồng tiền cám, chưa kể các chi phí phòng dịch. Ông nói: “Bây giờ, có tái đàn cũng chưa chắc khi xuất chuồng sẽ có lãi. Hiện chúng tôi đang âm vốn, nợ từ 2017 vẫn còn nguyên nên kể cả có con giống, chúng tôi cũng không thể vay đâu được vốn để tái đàn”.

Mấy chục năm chăn nuôi heo, có lúc trong chuồng luôn có gần 30 con heo nái, 500 con heo thịt, nhưng sau đợt dịch tả heo châu Phi năm 2019, chuồng nhà ông Trần Văn Bính chỉ còn sống sót ba con giống, gồm một nái mẹ và hai con cái được “tuyển” từ hai lứa heo con. Ông Bính không dám mua heo nái giống vì giá quá cao: con nái 1,5 tạ giá hơn 13 triệu đồng, con hậu bị (con cái được chọn làm giống kể từ sau cai sữa cho tới lúc phối giống lần đầu) khoảng 60kg giá trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, điều ông Bính sợ hơn cả là: “Mua về, nó lại không đẻ được thì còn chết nữa”. Thiếu tiền, sợ rủi ro nên ông Bính chọn cách giữ lại một con cái mỗi lứa để gây làm nái.

Hai trong ba con heo cái mà ông Bính giữ được sau dịch tả chưa chửa đẻ lứa nào, dù một con đã bảy tháng, một con trên 12 tháng tuổi, trong khi nếu đúng tuổi như con mẹ, chỉ khoảng năm tháng là đã đẻ. “Tự gây nái dở ở chỗ đó. Trước đây, tôi nuôi lợn dân dã, chúng nó lại dễ chửa đẻ. Bây giờ, nuôi giống lợn cao cấp hơn, giữ được ba con cái thì đến hai con vô sinh” - ông Bính thở dài.

Theo phân tích của chuyên gia chăn nuôi, heo thịt khi gây làm nái thì mỗi lứa chỉ đẻ được 3-4 con, thời gian nuôi cũng kéo dài, có khi lên đến tám tháng mới đạt được trọng lượng như heo giống chuẩn nuôi bốn tháng.

Nông dân cần được hỗ trợ 

Tiến sĩ Trần Duy Khanh - nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - cho rằng, trong giai đoạn này, các hộ chăn nuôi, HTX chăn nuôi nhỏ cần tự tìm giải pháp, đặc biệt là các giải pháp vệ sinh chuồng trại. “Lúc này, người dân cần bình tĩnh, không nên thấy khan hiếm lợn giống mà tái đàn bằng mọi giá. Việc tái đàn nên căn cứ vào tình hình thực tế. Khi đã tái đàn lợn nái thì cần mua con giống ở các cơ sở bán lợn bố mẹ chứ không nên gây lợn thịt thành lợn nái như tình trạng khá phổ biến hiện nay”.

Tiến sĩ Khanh nêu hai giải pháp cho ngành chăn nuôi heo: một là các hộ chăn nuôi cần liên kết với những hộ chuyên nuôi heo nái để đăng ký mua; hai là chính quyền địa phương phải trực tiếp hỗ trợ việc chăn nuôi heo nái, giúp bà con có nguồn để tái đàn. Hỗ trợ này gồm cả về kỹ thuật lẫn vốn, như giảm lãi suất vay ngân hàng. “Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cụ thể là các trạm chăn nuôi - thú y ở các huyện, trung tâm khuyến nông. Các địa phương, đơn vị này cần hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi cũng như kỹ thuật lựa chọn lợn hậu bị, chứ không phải tái đàn bằng mọi giá. Nếu vội vàng lúc này thì trong tương lai gần, nông dân sẽ phải lãnh đủ hậu quả” - tiến sĩ Khanh cảnh báo.

500 con heo thịt sống nhập từ Thái Lan về đã được bán ra thị trường ngày 24/6 với giá 90.000 đồng/kg. Theo kế hoạch nhập khẩu thịt heo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2020, nước ta sẽ nhập khẩu 100.000 tấn nhưng nay đã gần hết quý II, lượng nhập về chỉ mới 70.000 tấn. Các giải pháp kéo giảm giá thịt heo của các bộ, ngành đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả, giá thịt heo vẫn ở mức cao, kéo theo giá heo giống cũng “trên trời”, góp phần gây khó cho việc tái đàn. Trong khi đó, tái đàn được xem là giải pháp căn cơ để bình ổn giá thịt heo.

 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI