“Hậu cách ly” đồng nghĩa nguy cơ gia tăng và chống dịch tỉnh táo hơn bao giờ hết

24/04/2020 - 07:27

PNO - Nới lỏng, dỡ bỏ cách ly chính là mất đi một trong bốn “vũ khí” hữu hiệu chống COVID-19. Tình trạng sẽ trở nên tồi tệ và thành quả chống dịch sẽ ra “công cốc” nếu không tập trung kiểm soát triệt để ba yếu tố còn lại.

Không riêng gì Việt Nam, hầu hết chính phủ các nước và người dân đều nôn nao với thời điểm “mở cửa kinh tế” trở lại trước áp lực của cái gọi là “sức chịu đựng xã hội”. Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Quang Vinh - Đại học Y Dược TPHCM - tiếp tục đưa ra các nhận định, kèm cả sự hồ nghi và lo âu trước một con virus “bất quy tắc” như SARS-CoV-2. Ông Vinh nói:

- “Rõ ràng về mặt kinh tế, chúng ta không thể chờ thêm được nữa, nhu cầu buộc phải mở sau khi đã thực hiện triệt để cách ly toàn xã hội trong ba tuần với số ca mắc vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, cần nhận thức rằng, đây nên là một lộ trình từng bước nới lỏng giãn cách xã hội mà thôi. Chúng ta biết rằng, khả năng số ca mắc sẽ tăng lại khi giảm cách ly. Nếu như tình hình dịch ở mỗi nước khác nhau, thì trong cùng một quốc gia, giữa các tỉnh thành cũng khác nhau. Những địa phương có nhiều ca mắc nhất như Hà Nội, TPHCM, các tỉnh còn lại lác đác hơn, có nơi chưa có ca nào… 

Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Bùi Quang Vinh - Đại học Y Dược TPHCM

Do đó, bài toán đặt ra là ta đã chống dịch rất tốt và đã đến lúc phải nới lỏng, nhưng việc nới lỏng phải phụ thuộc vào từng thời điểm, từng biến động riêng của mỗi địa phương. Quan trọng hơn, nó còn phải tùy thuộc vào các yếu tố quyết định dịch bùng phát hay không, khả năng khống chế tốc độ lây lan”.

Đến thời “vũ khí” xét nghiệm lên tiếng

Phóng viên: Ý ông rằng cách ly xã hội là một trong các yếu tố đó và chúng ta đang buông một “vũ khí” hữu hiệu?

Bác sĩ Bùi Quang Vinh: Chúng ta phải hiểu mình đang ở trong một “cuộc chiến da beo”. Nơi đậm, nhạt phụ thuộc nhiều yếu tố. Tôi cho rằng có bốn yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ lây lan, mức độ nặng nhẹ, số ca nhiễm, tử vong. Trong y khoa, người ta đánh giá tốc độ lây lan hay suất lây nhiễm (transmission rate) ký hiệu bằng R0. Ví dụ, bệnh sởi có R0=18; cúm R0=1,5; SARS năm 2003 R0=2,5. Ban đầu, quan sát thấy SARS-CoV-2 có R0 từ 2-3, bây giờ có thể lên 3-4 và còn thay đổi tùy thời điểm, vùng miền. Nhưng vẫn luôn có bốn yếu tố ảnh hưởng đến R0. Yếu tố số một cho tới giờ phút này đã được chứng minh là cách ly xã hội.

Ai cũng thấy khi dịch đang bùng lên mà thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội như giảm hoạt động đi lại, yêu cầu mọi người dân nếu không có gì cần thiết thì không ra khỏi nhà, mỗi người cách nhau từ 2m, không tụ tập đông người… tốc độ lây lan giảm hẳn.

Tại châu Âu, trung bình sau ba tuần cách ly xã hội, dịch đã đi ngang và thêm một tuần nữa thì bắt đầu đi xuống… dù rằng mức độ giảm không nhiều. Số ca mắc giảm 20-30%, tốt như Ý được 50%. Số tử vong có mức độ giảm chậm hơn nữa, chỉ 2/3, không nhiều như giới khoa học hình dung. Và một khi đã giảm bớt cách ly xã hội, phải tập trung kiểm soát tốt ba yếu tố còn lại là thời tiết, xét nghiệm và miễn dịch cộng đồng.

* Vậy đâu là “vũ khí” quyết định ở giai đoạn này, thưa bác sĩ?

- Về vấn đề thời tiết, cúm mùa thông thường có hai đỉnh vào tháng 3-4 ở châu Âu và tháng 10-11 khi khí hậu lạnh. Nó sẽ giảm khi khí hậu nóng, ôn hòa vào mùa hè hay cuối xuân. Đến SARS năm 2003, virus tuy chia làm hai đợt nhưng không rõ ràng. Hiện tại, với SARS-CoV-2, thấy rằng mùa hè khí hậu nóng lên, tốc độ lây lan giảm xuống. Do thứ nhất, nhiệt độ nóng virus khó sống trong không khí, độ ẩm cao các giọt bắn sẽ rơi xuống đất nhanh hơn, khoảng cách phát tán gần hơn không thể lơ lửng kéo dài. Trời nắng nóng cũng làm miễn dịch cơ thể mạnh hơn. Nói chung, có nhiều bằng chứng cho thấy thời tiết nóng giảm bớt mầm bệnh đường hô hấp.

Tuy nhiên, chúng ta không nên chờ đợi và kỳ vọng vào điều này quá nhiều, bởi các nước nhiệt đới khác có tốc độ lây truyền khá kinh khủng.

Còn miễn dịch cộng đồng, số ca mắc quá ít miễn dịch cộng đồng, gần như bằng 0, chỉ khi số người nhiễm tăng lên 60-70%, lúc đó bệnh dịch có khả năng tự lui. Nhưng xin lưu ý, để tăng miễn dịch cộng đồng vẫn có hai cách. Cách “tự nhiên” là để mặc cho virus lây nhiễm như một số nước “chờ đợi”. Cách thứ hai là tiêm vắc-xin, nhưng đây là một viễn cảnh xa vời. Sớm lắm cũng phải một năm nữa mới có khả năng xuất hiện vắc-xin. Ngay cả trong trường hợp có vắc-xin, tôi cũng không nghĩ các nước nghèo dễ dàng tiếp cận với nhu cầu tiêm chủng hàng triệu người. Trên hết, liên quan đến miễn dịch cộng đồng lại là vấn đề bản chất virus, điều mà cho đến nay, chỉ có thể nói chúng ta vẫn không biết điều gì chắc chắn về SARS-CoV-2.

Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của xét nghiệm trong giai đoạn này. Hàn Quốc là một kinh nghiệm rất tốt. Họ hứng chịu sự bùng dịch rất cao giai đoạn đầu, nhưng ngay lập tức nhà nước đã có các biện pháp. Thành công lớn nhất của Hàn Quốc là thực hiện xét nghiệm rất nhiều, hơn 10.000 test/triệu dân đã giúp công tác sàng lọc, phân lập, cách ly tốt đối tượng nhiễm và nguy cơ. Các nước vỡ trận như Ý, Anh, Pháp cũng tập trung biện pháp này với gần 20.000 test/triệu dân, Mỹ 12.000 test/triệu dân. Việt Nam cho đến nay đã thực hiện 220.000 test trên cả nước, tức khoảng 2.200 test/triệu dân. Bằng cách này, chúng ta còn có thể khảo sát tình trạng nhiễm hay đánh giá được miễn dịch cộng đồng.

tập trung kiểm soát người từ ngoài vào thành phốTăng cường xét nghiệm tại các cửa ngõ kết hợp theo dõi ca qua ứng dụng di động giúp giảm bớt áp lực cách ly tập trung - Ảnh: Quốc Ngọc
TPHCM đã tập trung kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài thông qua tăng cường xét nghiệm tại các cửa ngõ vào thành phố như sân bay, ga tàu... - Ảnh: Quốc Ngọc

* Thưa bác sĩ, xét nghiệm mang ý nghĩa truy tìm, nhưng hiện vấn đề này đang thực sự hỗn độn, thậm chí, có ý kiến nghi ngờ về kết quả, cho rằng không có giá trị, đặc biệt là các bộ kit test nhanh nhập khẩu từ Trung Quốc?

- Thực sự vấn đề do chúng ta chưa hiểu hết về testing và đặc tính sinh kháng thể của virus. Xét nghiệm có giá trị nhưng ở mức độ cho phép. Cụ thể, nôm na chúng ta biết có hai loại test kháng nguyên (test chậm) và test kháng thể (test nhanh). Cách thứ nhất, tìm kháng nguyên tức là tìm bản thân con virus đó bằng cách thực hiện phết mũi, hầu họng. Xét nghiệm kinh điển bằng kỹ thuật PCR này cần có thời gian, trước đây mất 4-5 ngày, giờ còn 1-2 ngày, nên tạm gọi là test chậm. Cách thứ hai, test nhanh, tức tìm kháng thể hay huyết thanh chẩn đoán.

Muốn biết sự “lợi hại” của hai phương pháp nêu trên cần hiểu nguyên tắc của virus. Đầu tiên, cơ thể mới bị nhiễm, virus tập trung ở mũi, hầu họng, vậy lúc này nếu làm test kháng nguyên (phết mũi, hầu họng) sẽ có kết quả chính xác. Sau một thời gian, cơ thể mới xuất hiện kháng thể bảo vệ. Cho nên, hầu hết cái gọi là test nhanh tìm kháng thể tuy cho kết quả ngay trong vòng 5-30 phút, nhưng với điều kiện cơ thể phải có kháng thể, điều phải cần rất lâu sau quá trình nhiễm mới xảy ra. 

Các tài liệu của Trung Quốc cho hay, sau khi mắc bệnh, phải cần đến 7-14 ngày kể từ khi có triệu chứng đầu tiên, mới cho kết quả test nhanh dương tính, chưa kể thời gian ủ bệnh. Như vậy, hóa ra các test nhanh bằng phương pháp huyết thanh đều là các xét nghiệm phát hiện tương đối chậm, sau khi bệnh nhân đã nhiễm thời gian dài. Điều này lý giải vì sao có khi test nhanh âm tính, còn test chậm lại dương tính.

Như vậy, điều quan trọng trong vấn đề xét nghiệm, bên cạnh gia tăng số trường hợp được xét nghiệm lên thật cao, cần phải chọn phương pháp test phết mũi, họng tìm kháng nguyên mới đáng tin cậy. Test nhanh chỉ mang tính tham khảo và có ý nghĩa khi số lượng ca mắc lớn trong cộng đồng.

Một bài học nữa cần học tập Hàn Quốc trong giai đoạn này là thực hiện theo dõi ca xét nghiệm bằng vi tính. Cụ thể, ngoài khôn ngoan trong chọn lọc kỹ đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao cần xét nghiệm, tránh lãng phí, thì trong 1-2 ngày chờ kết quả, chúng ta phải thu thập thông tin người đó. Hàn Quốc lập ra các ứng dụng di động, yêu cầu người làm xét nghiệm cài vào để theo dõi. Nếu dương tính, cơ quan chức năng sẽ định vị được ngay để thực hiện cách ly theo nhóm F0, F1, F2… Điều này giúp giảm bớt áp lực cách ly 14 ngày đôi khi quá hà khắc.

TPHCM nguy cơ cao nhất từ nguồn lây bên ngoài

* Trở lại vấn đề cách ly, như ông nói cần nhận thức rằng đây nên là một lộ trình từng bước nới lỏng, cho thấy đây là một biện pháp không thể buông bỏ hoàn toàn, thưa ông?

- Như Hoa Kỳ, người ta giao hẳn về cho thống đốc các tiểu bang có quyền quyết định vấn đề phong tỏa hay gỡ bỏ. Tổng thống chỉ có thể áp đặt trong một số trường hợp khẩn cấp, nhưng đa số phải phù hợp với từng bang. Mỗi bang có hình thái khác nhau, vì vậy trong vấn đề phong tỏa, cách ly thực sự không thể trông chờ một phương án thống nhất, giống nhau cho cả nước được. Nó phải tuân thủ nguyên tắc nơi nào đang có dịch diễn tiến, tốc độ lây lan nhiều thì cần thiết phải thực hiện giãn cách xã hội tốt nhất, nơi nào ít hơn thì giảm bớt.

Hiện tại, với COVID-19, chúng ta không biết khả năng sinh miễn dịch ra sao, gây trở nặng như thế nào, biến đổi trên từng vùng khác nhau và liệu có tạo ra miễn dịch cộng đồng như mong đợi hay không…

* Không ít người dân đang có tâm lý “xả cảng” khi các biện pháp cách ly được nới lỏng, ngoài nguy cơ quay lại, thì liệu các thói quen tốt khác trong giãn cách xã hội và giữ vệ sinh khó duy trì?

- Thực sự đây là vấn đề rất nan giải, xuất phát từ tâm lý chung “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”. Ở đâu có tỷ lệ chết không cao, người ta lại xem thường. Vấn đề thứ hai là ảnh hưởng kinh tế. Siết chặt quá thì hàng không, du lịch, vận chuyển ảnh hưởng nặng nề. Vậy làm sao bảo đảm R0 ở mức chấp nhận được, theo tôi, có nhiều biện pháp, trong đó, cần nghĩ đến việc luật hóa hoặc duy trì các chế tài rõ ràng nhằm thường xuyên nhắc nhở người ta duy trì thực hiện giãn cách, tạo ra các thói quen tốt như vừa qua.

* Ông đánh giá thế nào về nguy cơ của TPHCM trong giai đoạn mới này?

- Nới lỏng giãn cách nhanh thì phải chấp nhận nguy cơ, TPHCM là nơi năng động nhất cả nước thì nguy cơ là hàng đầu. Trong ba tuần cách ly, kể từ ngày 3/4 đến giờ, TPHCM chưa có ca nhiễm mới. Như vậy, nguồn lây nhiễm từ cộng đồng của thành phố rất thấp, khả năng nguồn lây, ca mắc sẽ đến từ bên ngoài. Do đó, vấn đề ưu tiên hàng đầu là tập trung kiểm soát người từ ngoài vào thành phố qua đường hàng không, hàng hải và vận tải đường dài; người nhập cư vào thành phố làm việc, sinh sống, du lịch…

Thành phố cũng đang lập ra các thang đánh giá về độ tập trung đông người. Vậy nên cần thêm thang đánh giá chỉ số an toàn, chỉ số lây nhiễm tại trường học, chợ búa, siêu thị, công xưởng, nhà máy, bệnh viện… bằng các phương án giãn cách và xét nghiệm. Theo tôi, cần đặt nhiều ổ test tại các ngõ, nơi nghi ngờ, cộng đồng nguy cơ cao giúp sàng lọc, truy tìm, để giảm bớt biện pháp nghiêm khắc trong cách ly tập trung. Cần nhắc lại, nên hiểu là nới lỏng theo quy trình, sau một thời gian không có ca nhiễm mới thì nới lỏng hơn chút nữa, còn nếu có vài ca nhiễm mới thì có thể dừng quy trình nới lỏng và khi số ca tăng thì phải nên siết chặt theo từng vùng.

Cũng nên học tập sáu bang miền Đông Hoa Kỳ, liên kết với nhau để có quy định về vận chuyển liên bang riêng giữa các nơi này hoặc California với Washington ở phía Tây liên kết với nhau thực hiện vấn đề phối hợp. Chẳng hạn TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu cần phối hợp để quyết định người nào cần theo dõi trong du lịch. Liên kết khu vực giữa TPHCM và Tây Ninh cũng hết sức lưu tâm bởi có nguy cơ rất cao giữa hai địa phương trong kiểm soát sự di chuyển, vận chuyển…

Tăng cường xét nghiệm tại các cửa ngõ kết hợp theo dõi ca qua ứng dụng di động giúp giảm bớt áp lực cách ly tập trung ẢNH: ZINGNEWS.VN
Tăng cường xét nghiệm tại các cửa ngõ kết hợp theo dõi ca qua ứng dụng di động giúp giảm bớt áp lực cách ly tập trung - Ảnh: Zingnews.vn

* Có lần ông đã đề cập nguy cơ đợt dịch thứ hai sẽ bùng phát vào tháng 10-11 tới. Mới đây, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng cảnh báo về vấn đề này và dự đoán sẽ còn khốc liệt hơn. Các chuyên gia tỏ ra quan ngại khi nghĩ đến việc bãi bỏ cách ly thì phải có cái gì đó hữu hiệu trong tay để chống COVID-19, bằng không sẽ rất tồi tệ?

- Dù nghĩ về nó từ lâu, nhưng theo tôi, còn quá sớm để bàn về vấn đề này. Đã có một số nghiên cứu mô hình hóa để biết rằng một đợt dịch có chu kỳ lên xuống như thế nào theo thời gian. Tuy nhiên, đáng tiếc hiện phần lớn các mô hình đó không chính xác vì điều kiện để có được mô hình chuẩn xác thì phải xác định được chỉ số R0 của COVID-19 là bao nhiêu. Từ đó, có thể biết chính xác tỷ lệ lây nhiễm, tử vong, hồi phục và từng giai đoạn tăng giảm. Càng nhiều số liệu thì càng giúp mô hình rõ ràng hơn. Ngoại trừ Trung Quốc, hầu hết chúng ta đang trong giai đoạn khởi đầu của COVID-19. Do đó, số liệu chủ yếu từ nghiên cứu của Trung Quốc khó mà tin tưởng.

Nhưng vẫn nên chuẩn bị cho các sự thay đổi và tùy biến của virus này. Kinh nghiệm “xương máu” của Nhật, Singapore đã chống tốt trong giai đoạn đầu nhưng sau đó phải làm lại từ đầu. Singapore bùng dịch ở khu ổ chuột, nhập cư thì xin thưa rằng, giãn cách xã hội không còn ý nghĩa nữa. Dịch sẽ tăng cho tới khi nào đạt 60-70% ca mắc mới thôi.

* Ông có nghĩ, đến nay chúng ta vẫn chưa có ca tử vong là một điểm son của y tế Việt Nam?

- Yếu tố ảnh hưởng tử vong khác nhau, đặc biệt kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy có những ca rất nặng phải thở máy, sau đó phải trợ tim phổi tuần hoàn ngoài cơ thể để hồi sức tích cực. Chúng ta có thể cứu sống được bệnh nhân COVID-19 nặng, nhưng phải thấy yếu tố quyết định ở đây là gì? Do bệnh nhân đã được chữa trị bởi các bác sĩ đầu ngành, được hội chẩn liên viện từ Nam chí Bắc, điều kiện chăm sóc tốt với đủ trang thiết bị cho phép phát hiện nhanh những chuyển biến xấu, xử trí nâng đỡ kịp thời cho người bệnh.

Từ đây phải thấy vấn đề rất căn bản, số ca mắc thấp, dẫn đến số ca nặng ít thì hệ thống y tế mới đáp ứng nổi. Qua đây, chỉ có thể thấy đó là hoa trái của triết lý chống dịch mà Chính phủ theo đuổi.

* Xin cảm ơn ông. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI