Hạt vải giá bạc triệu, thầy thuốc cảnh báo không nên tự ý dùng

04/07/2020 - 07:00

PNO - Người dân không nên cường điệu hóa công dụng của hạt vải mà cần phải duy trì đơn thuốc tiểu đường của bác sĩ để không làm ảnh hưởng tới sức khỏe.

Hạt vải khô là vị thuốc đông y song các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng mà cần có chỉ định của thầy thuốc
Hạt vải khô là vị thuốc Đông y, song các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng mà cần có chỉ định của thầy thuốc

Mặc dù hạt vải là một trong những vị thuốc Đông y và được bán với mức giá ngót nghét cả chục triệu bạc mỗi ký trên các trang thương mại điện tử nước ngoài, song các chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng mà cần có chỉ định của thầy thuốc.

Thứ bỏ đi bỗng có giá bạc triệu

Năm nay, lần đầu tiên quả vải của Việt Nam “đổ bộ” vào thị trường khó tính Nhật Bản. Không chỉ bất ngờ bởi quả vải được bán với giá 500.000-600.000 đồng/kg mà ngay cả hạt vải, vốn là thứ bỏ đi cũng trở nên đắt hàng. Giá một túi gồm 5 hạt vải khô trên website bán hàng của Nhật Bản có giá tới 150.000 đồng. Còn trên trang thương mại điện tử Alibaba, một túi hạt vải khô từ 1-5g có giá tương đương 115.000-460.000 đồng.

Như vậy, hạt vải khô có giá ngót nghét cả chục triệu đồng một ký. Thậm chí, có những nơi còn bán với giá 230.000 đồng/g. Theo các trang bán hàng, đây là dược liệu có công dụng chăm sóc sức khỏe và làm nguyên liệu điều chế mỹ phẩm. 

Thông tin hạt vải là “dược liệu quý” mau chóng trở thành cơn sốt. Bà Nguyễn Tình (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) mắc bệnh tiểu đường 10 năm nay. Sau khi đọc trên mạng thấy hạt vải có công dụng chữa bệnh tiểu đường, gần đây, bà Tình bắt đầu trữ hạt vải từ con cái ăn trong nhà và hàng xóm. Bà đem hạt rửa sạch rồi sấy khô bằng nồi chiên không dầu để sắc nước uống. Theo bà, hạt vải dễ uống, mới đầu cảm thấy hơi chát nhưng sau đó có vị ngọt nhẹ. 

Tương tự, chị Thu Trang (Q.Long Biên, TP.Hà Nội) cũng cho hay, từ khi nghe thông tin hạt vải chữa bệnh, chị đều rửa sạch, phơi khô phòng lúc cần thiết. “Vợ chồng tôi đều bị đau dạ dày mạn tính, điều trị nhiều năm nhưng chưa dứt điểm. Tôi xem trên mạng nói hạt vải có thể chữa được căn bệnh này. Tuy nhiên, do chưa hiểu uống như thế nào và có gây độc gì không nên tôi chỉ tích trữ để đó”. 

Không nên tự ý dùng “lệ chi hạch”

Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Văn Bản, Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam cho biết, trong y văn, hạt vải là vị thuốc còn được gọi là “lệ chi hạch”. Lệ chi hạch không quá phổ biến mà được sử dụng chủ yếu để chữa cho nam giới có bệnh lý như viêm, sưng tinh hoàn. Vị thuốc này cũng nằm trong bài thuốc chữa bệnh “tràng nhạc” - lao hạch xuất hiện ở vùng cổ, thường dính vào nhau thành một chuỗi. Hạt vải phơi khô sau đó tán ra và kết hợp với các vị thuốc khác để sắc cho bệnh nhân uống.

Còn theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), hạt vải được xếp vào loại thuốc lý khí, chữa trị các chứng bệnh liên quan đến chức năng của khí, cùng với những vị thuốc quen thuộc như củ gấu, trần bì (vỏ quýt chín), thanh bì (vỏ quýt xanh)… Ngoài công dụng chữa viêm tinh hoàn ở nam giới, hạt vải còn có khả năng hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh “tiêu khát”, hay chính là căn bệnh đái tháo đường (týp 2) khá phổ biến hiện nay. 

Tuy nhiên, lương y Vũ Quốc Trung khẳng định, hạt vải chỉ có ý nghĩa như một loại thực phẩm chức năng, hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường chứ không thể thay thế thuốc chữa bệnh. Người dân không nên cường điệu hóa công dụng của hạt vải mà cần phải duy trì đơn thuốc tiểu đường của bác sĩ để không làm ảnh hưởng tới sức khỏe.

Tương tự, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam Trần Văn Bản nhấn mạnh, hạt vải chỉ là một vị thuốc trong số nhiều vị thuốc nằm trong một bài thuốc, do đó, việc tùy tiện sử dụng sẽ không mang lại hiệu quả. Khi có bệnh, không chỉ thuốc tây mà ngay cả thuốc đông y cũng cần được kê theo đơn của thầy thuốc để đảm bảo đủ vị cũng như liều lượng cho mỗi lần sử dụng. Ông Bản cũng chia sẻ, tới nay chưa thấy y văn đề cập công dụng của hạt vải trong việc làm đẹp da như một số thông tin đồn thổi.

“Từ trước tới nay, không ít lần người dân rộ lên phong trào sử dụng một loại thực phẩm nào đó để chữa bệnh, thậm chí như dùng ốc bươu vàng hay nhau thai... Trong khi, hầu hết chưa hiểu công dụng cũng như tác hại. Trong hạt vải chứa nhiều hoạt chất mà tới nay chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ, khó tránh khỏi việc không phù hợp với một số bệnh lý mà người sử dụng đang mắc phải. Do đó, việc tự ý dùng có thể không có lợi, dẫn đến tiền mất tật mang”, lương y Vũ Quốc Trung cảnh báo. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI