Hàng lậu, hàng gian... lợi dụng dịch bệnh để thu lợi

31/12/2021 - 14:46

PNO - Theo QLTT TPHCM, các vi phạm hàng hóa chủ yếu rơi vào sản phẩm chống dịch, vật tư y tế, thuốc... do các đối tượng sử dụng xe “luồng xanh”.

Sáng ngày 31/12, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý thị trường năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Theo cơ quan này, do nhu cầu mua các sản phẩm phòng, chống dịch, vật tư y tế, thuốc (kể cả thuốc chưa được phép lưu hành) để sử dụng tăng cao nên các đối tượng đã lợi dụng để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để trục lợi.

Các vụ việc phát hiện đều vận chuyển bằng xe container, xe tải, thậm chí các đối tượng còn sử dụng xe vận chuyển hàng hóa được cấp "luồng xanh" để vận chuyển hàng lậu, hàng cấm. Phương thức kinh doanh các sản phẩm này đều qua thương mại điện tử, các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, cũng lợi dụng dịch bệnh, các chợ và cửa hàng phải đóng cửa để đảm bảo yêu cầu chồng dịch, các đối tượng còn tăng giá, gây bức xúc cho người dân.

Cục QLTT TPHCM kiểm tra một điểm bán hàng giả tại chợ Bến Thành (quận 1). Ảnh QLTT
Cục QLTT TPHCM kiểm tra một điểm bán hàng giả tại chợ Bến Thành (quận 1) - Ảnh: Cục QLTT

Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục QLTT TPHCM đánh giá, do năm 2021 nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, nên dự báo buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng tăng và diễn biến phức tạp trở lại vào năm 2022.

Trong năm qua, do tác động dịch bệnh, số vụ phát hiện và số tiền xử phạt đều giảm mạnh. QLTT cũng đã ký kết hợp tác với cơ quan công an, năm 2022 sẽ tiếp tục ký kết với cơ quan hải quan, biên phòng, các sở ban ngành để phối hợp quản lý địa bàn về kinh doanh sản xuất hàng giả, lậu, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.

“Tuy nhiên, việc quản lý địa bàn vẫn còn những hạn chế. Có những kho bãi rất lớn ở nhiều khu vực mà ngay cả công an khu vực và đội QLTT phụ trách địa bàn không biết. Chúng tôi sẽ căn cứ vào tiêu chí này đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ QLTT trong năm 2022. Quản lý địa bàn tốt thì công tác đấu tranh, phát hiện sẽ được thực hiện tốt hơn. Một hạn chế nữa là dù có nhiều kinh nghiệm nhưng không ít cán bộ QLTT vẫn còn lúng túng không biết kiểm tra từ đâu, thực hiện thao tác như thế nào…” – ông Trương Văn Ba nói.

Bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, không ít lần bà thấy những xe chở thuốc lá lậu chạy vô tư ngoài đường. Muốn xử lý tận gốc vấn đề này không phải bắt những đối tượng đang chở hoặc kiểm tra các sạp tại chợ, cửa hàng mà phải kiểm tra việc xuất nhập khẩu ở các cảng, kho, các địa bàn thông qua việc kết hợp với cảnh sát địa phương. Làm gì có chuyện cảnh sát khu vực không biết nếu có kho chứa hàng lậu trên địa bàn.

Dịch bệnh gây mất mát về sinh mạng, tiền của, công sức nhưng vẫn còn nhiều đối tượng lợi dụng để nhập lậu, nâng giá, gây bức xúc cho người dân. Bà đề nghị QLTT phải “đánh thật mạnh” có giải pháp cụ thể để kiểm tra, xử lý những đối tượng này.

“Vừa qua, công an đã phát hiện và xử lý nhiều vụ xăng giả quy mô lớn, tôi mong trong năm 2022, QLTT phải tập trung kiểm tra để tình trạng xăng giả, kém chất lượng không còn xuất hiện trên địa bàn TPHCM. Nội dung cuối cùng mà tôi “đặt hàng” trong năm 2022 cần tổng lực phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông truy ra các điểm bán hàng gian, hàng lậu trên mạng xã hội, thương mại điện tử, điều này không khó vì các điểm bán này đều có địa chỉ cụ thể.

Đồng thời phải phối hợp với địa phương kiểm tra các điểm bán hàng hóa tự phát tại các chợ đầu mối vì đây là điểm dễ xảy ra tình trạng bán hàng kém chất lượng, góp phần hỗ trợ địa phương sớm giải tỏa các điểm này” - bà Thắng nhấn mạnh.

 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI